Cổng Thông tin điện tử Sở Nông Nghiệp tỉnh Hải Dương
CHĂM SÓC NHÃN SAU THU HOẠCH
Sau thời gian mang quả cây nhãn bị tiêu hao dinh dưỡng; cành, lá bị sâu bệnh, trong cây có những cành vượt xuất hiện khiến cho bộ tán bị mất cân đối. Để năm sau cho ra quả tốt cần phải có các biện pháp chăm sóc như sau:
*Cắt tỉa cành, tạo tán
– Sau khi thu hoạch, cắt tỉa toàn bộ những cành tăm, cành bị sâu bệnh, cành trong tán, cành vượt, cành sát mặt đất tạo cho cây thông thoáng. Ngoài ra trong quá trình sinh trưởng thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu cho cây. Khi lộc Thu phát sinh khoảng từ 5 – 7 cm, tiến hành tỉa bỏ bớt một số lộc trên những cành mọc quá nhiều lộc, mỗi đầu cành chỉ nên để 1 – 2 lộc to khỏe sao cho số cành lộc phân bố đều quanh tán.
– Đối với những vườn nhãn lâu năm và cây bắt đầu giao tán cần phải cắt tỉa thu tán. Năm thứ nhất cắt đau 1/2 số đầu cành và chỉ để 1/2 số đầu cành không cắt ra quả, năm sau tiếp tục cắt đau các cành năm trước đã ra quả và nuôi những cành trong tán để tạo bộ khung tán mới.
* Bón phân: Bón phân sau khi thu hoạch quả giúp cây phục hồi sinh trưởng, thúc đẩy cành mùa thu.
– Liều lượng:
+ Nếu sử dụng phân đơn lượng phân bón như sau:
Loại phân
Lượng phân bón theo tuổi cây (kg/năm)
Cây 4 – 6 năm tuổi
Cây 7 – 10 năm tuổi
Cây trên 10 tuổi
Phân hữu cơ
30 – 50
50 – 70
70 – 100
Đạm urê
0,3 – 0,5
0,8 – 1,0
1,2 – 1,5
Supe lân
0,7 – 1,0
1,5 – 1,7
2,0 – 3,0
Kaliclorua
0,5 – 0,7
1,0 – 1,2
1,2 – 2,0
Sau thu hoạch bón toàn bộ phân hữu cơ + 30% Đạm urê + 70% Supe lân + 30% Kaliclorua của tổng lượng phân bón cho nhãn 1 năm.
+ Nếu sử dụng phân NPK thì nên bón loại phân NPK13 -13 13 +TE hoặc NPK 15 -15 -15 +TE với lượng quy đổi đảm bảo tương đương với phân đơn. Sau thu hoạch bón toàn bộ phân hữu cơ + 30% của tổng lượng phân NPK bón cho 1 năm.
Ngoài lượng phân bón theo tuổi cây như trên, có thể bón bổ sung thêm hạt đỗ tương, ngô đã được nghiền nhỏ ngâm ủ với liều lượng 3 – 5 kg/cây tùy tuổi cây.
– Cách bón: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 20 – 25 cm, rải phân hữu cơ xuống trước sau đó đến phân vô cơ, lấp đất và tưới nước giữ ẩm.
* Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm vườn kiểm tra sâu bệnh hại trên cây; kết hợp với thông báo của Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp phòng và trừ kịp thời.
Trung tâm Khuyến Nông