Cổng Thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Quảng Nam > Chi tiết tin

Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa từ lâu đã là một trong những nghề truyền thống nổi tiếng nhất của vùng đất Duy Xuyên. Mặc dù hiện nay nghề truyền thống này đang đứng trước rất nhiều thách thức, nhưng những di sản của nó vẫn ghi dấu ấn đậm nét trong đời sống của cư dân vùng đất này. Tiến hành khảo sát tại làng Mã Châu và Đông Yên – Thi Lai, chúng tôi bắt gặp một kho tàng tri thức sống động đặc trưng gắn với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa vẫn được lưu giữ thông qua các câu chuyện kể, các kinh nghiệm của những bậc cao niên trong làng. Đây là những di sản đáng trân trọng, cần được giữ gìn phát huy như một minh chứng điển hình cho thời kỳ phát triển vàng son của “con đường tơ lụa” xứ Quảng.

Những tri thức bản địa về kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm trên vùng đất Duy Xuyên xưa

Với điều kiện tự nhiên khá ưu đãi, từ xa xưa trong lịch sử, trên vùng đất Duy Xuyên, “người Chàm xưa trồng dâu để nuôi tằm và trồng bông… người ta lấy bông rồi kéo sợi để dệt vải thô, vải thô đan chuôi đi trông giống như vải nhỏ. Nhuộm đi dệt thành vải ngũ sắc và vaie có màu lốm đốm. Phụ nữ dệt lụa và vải, những vải tàng trữ trong các kho vua xưa chứng tỏ họ dệt rất khéo” [3; tr.295]. Nguồn nước dồi dào của sông Thu Bồn đã chuyển tải một lượng phù sa lớn bồi đắp cho vùng đất hai bên bờ sông tạo thành bãi, nương, nà rất thích hợp cho sự phát triển của cây dâu. Vì thế mà ngay từ buổi đầu định cư lập xóm làng, di dân người Việt gắn bó với cây dâu như một sự lựa chọn mang tính sinh tồn.

Nghề trồng dâu nuôi tằm thuở xưa thường tập trung chủ yếu ở làng Đông Yên – Thi Lai, làng Mã Châu cũng có nhưng với số lượng ít hơn. Mùa trồng dâu thường bắt đầu vào tháng 10 khi đất trên nương dâu đã được cày xới phân hàng. Cư dân trong làng lúc bấy giờ, thường trồng hai loại dâu là dâu cơm và dâu sẽ[1], ngoài ra còn có giống dâu bầu. Việc trồng dâu tuy đơn giản nhưng cũng phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định, như: gần ruộng dâu không được trồng thuốc lá vì nếu không dâu sẽ chết hàng loạt; xác súc vật chết không được bỏ vào ruộng dâu vì nếu tằm ăn phải lá dâu có bón phân bằng xác súc vật, thì sau đó chúng sẽ không ăn những lá thường không được bón. Vì vậy, mỗi khi làng phát hiện có xác súc vật trôi sông, người ta chặn vớt đem chôn ở chỗ xa và tìm lá cây khô chất vun lên thành đống, đốt cho khói tỏa xông lên ở hai bờ sông gần những nơi trồng dâu để khử mùi hôi thối của xác súc vật, bảo vệ môi trường sống tinh khiết cho tằm.

Khi hái lá dâu, những lá già ở dưới được hái trước tiên và theo từng lứa mà hái lên cao dần. Hai mươi ngày một lứa dâu là khoảng cách cho phép cây dâu ra lá mới. Vì tằm chỉ ăn lá dâu khô ráo, không ướt nước nên thời điểm hái lá thường vào lúc trời mát (buổi sáng hoặc buổi chiều mát). Người hái dâu mang theo một cái giỏ lớn bằng tre, cao khoảng 0,8m có đường kính chỗ to nhất khoảng 0,6m, trên có đậy bằng lá chuối, bên dưới không có chân. Giỏ đựng lá dâu có lỗ hình lục giác lớn, miệng giỏ tương đối rộng để lá được thông thoáng, tươi lâu. Tuyệt đối không được đựng trong bao, hoặc những vật kín miệng vì sẽ làm cho lá dâu dễ dập, và bị úng.

Lá dâu là thức ăn chính của tằm, tháng 3 lá dâu lên tốt cũng là lúc bước vào vụ tằm. Mỗi lứa tằm từ 20 – 22 ngày. Sau một lứa tằm sẽ chọn ra một số kén để lấy giống lứa sau. Kén để nở thành ngài, ngài đẻ ra trứng, ngài đẻ một lần hàng trăm trứng, chỉ cần giữ trứng trong môi trường và nhiệt độ thích hợp là ta có một thế hệ sâu non – đó là con tằm. Tằm ở đây có giống tằm đa hệ, tức một năm có thể đẻ nhiều lượt trứng liên tục (khác với giống tằm đơn hệ – đẻ một lứa trứng một năm, và giống tằm lưỡng hệ – đẻ hai lứa trứng một năm mà dân làng hiện nay đang dùng được nhập từ nước ngoài vào). Ngày xưa, người dân muốn có những lọn tơ vàng óng mượt, thì sử dụng giống tằm da mốc. Muốn cho kén màu trắng thì sử dụng giống tằm nõn.

Những chú tằm con được đưa ra cái nong nhỏ hay còn gọi là “trệt” và cho tằm ăn lá dâu non đã được thái nhỏ như sợi thuốc lá, chỉ trong vòng vài ba ngày là tằm đã lớn lên bằng tăm nhang, từ một “trệt” tằm con lại phải sang nơi ở mới là cái nong lớn. Đây là thời kỳ “tằm ăn lên” – ăn lá dâu nghe rào rào như một cơn mưa nhỏ và lớn nhanh như thổi. Tằm ăn rồi ngủ[2], cứ mỗi lần ăn rồi ngủ, ngủ rồi thức là tằm được một tuổi và chừng 25 ngày là tằm chín chuyển sang màu vàng nghệ. Bấy giờ người ta đưa tằm lên bủa, bủa là những tấm vỉ kết bằng cành cây khô, hoặc cây “chà rang” sạch để tằm làm kén. Thời kỳ rút rụt nhả tơ chừng 3 ngày. Tằm tiết ra chất nước quánh màu vàng, nước ra đến đâu là khô đến đó, những sợi tơ ấy bắt đầu giăng lên bủa sợi tơ ngày càng dai quấn và che khuất thân tằm. Tằm nằm trong kén là liên tục nhả tơ, kén ngày một dày thêm, bên trong tằm tự hóa nhộng. Số lượng kén nhiều hơn số lượng tằm nuôi. Chính vì thế, người ta thường truyền miệng nhau rằng: “Một nong tằm bằng năm nong kén”.

Con tằm tuy sống được quanh năm nhưng cũng có thời vụ của nó. Giống tằm ưa khí hậu mát mẻ. Sự thay đổi thời tiết, mưa nắng thất thường, nóng quá, lạnh quá, cũng ảnh hưởng đến con tằm và chất lượng tơ. Trong một năm khoảng thời gian thích hợp nhất cho việc nuôi tằm là vào mùa thu và mùa xuân. Ở những thời gian hiếm hoi này tằm có trạng thái ổn định nhất, ít bệnh tật và thường cho tơ đẹp. Người ta chăm tằm rất mực nhẹ nhàng, kỹ lưỡng. Trong nhà nếu có người “dơ mình” (phụ nữ có kinh nguyệt, người bị phong long tử) hay những người lạ, người khuyết tật thì tuyệt đối không được tiếp xúc hoặc đến gần tằm, vì sợ chúng sẽ chết hết, hoặc bị trở mình (không ăn). Do đó họ phải ở trong buồng riêng, cũng không dám lui tới nhà ai, sợ làm chết tằm của láng giềng. Khu vực nuôi tằm cũng luôn được quét dọn ngăn nắp, sạch sẽ, không được để bất cứ thứ ô uế nào.

Trước đây, khi tằm nở hoặc xong vụ tằm, người dân trong vùng thường có lễ cúng tạ ơn. Lễ vật thường đơn giản gồm hoa, đèn, nhang, gạo, muối, trầu, thuốc và rượu thịt đặng “cúng Bà”. Về lễ “cúng Bà” có người giải thích Bà ở đây có nghĩa là “bà tổ nghề” (tức bà Mã Châu khi xưa vác khung dệt trên vai đến vùng này để truyền nghề cho dân làng). Còn có người giải thích “cúng Bà” tức gọi những con tằm mới nở ấy. Việc “cúng Bà” được tiến hành ở nhà tằm, nhằm thể hiện sự biết ơn và cầu mong cho vụ tằm được tốt đẹp.

Những di sản truyền thống của nghề ươm tơ dệt lụa trên vùng đất Duy Xuyên xưa

Sau khi kén chín thì bắt đầu công việc kéo tơ, người ta nhúng kén vào nồi nước sôi, khuấy đều sau đó bóc vỏ ngoài của kén[3] và kéo sợi. Theo kinh nghiệm dân gian, kén chín vừa thì kéo sợi trơn và nhẹ tay, kén sống thì kéo nặng tay, kén chín quá thì sợi tơ nẫu ra không kéo được. Người kéo sợi ngồi trên ghế sợi và thấp. Trước một cái chậu sành đầy nước và kén, hai tay ngâm trong nước để kéo sợi. Kéo sợi thường dùng một công cụ trung gian như đôi đũa để dễ dàng cho việc kéo, một tay giữ kén, một tay kéo, thuận tay nào kéo tay ấy. Kéo tơ ra quấn vào khung[4]. Sự thành thạo của người thợ là cùng một lúc, cho từ hai đến năm kén nổi lên trên mặt nước vê vê ra tơ cùng một sợi liên tục, liền mạch cho đến khi chỉ còn xác kén, rồi lại bỏ kén nấu nồi khác, tiếp tục ươm tơ kéo sợi[5]. Lực lượng kéo sợi đũi toàn là nữ giới, có những cụ già đã 70 hoặc 80 tuổi. Kéo sợi trông đơn giản nhưng vất vả và khó hơn ươm tơ. Hai tay ngâm nước suốt ngày này qua ngày khác. Mùa hè nước ăn tay, phải thường xuyên xát phèn chua, mùa đông tê cóng thỉnh thoảng phải đổ thêm nước nóng, kéo sợi dọc phải tinh mắt đều tay sợi mới nuột, thợ lành nghề mới kéo được sợi dọc và để ra một thành phẩm người thợ không chỉ có những kỹ năng mà chứa trong đó cả cái hồn của nghệ thuật.

Trước khi quay tơ, người ta dùng hạt đậu hoặc ngô đổ lên trên một lớp, làm như vậy nhằm mục đích nhờ lớp hạt đè lên tơ giữ cho tơ nằm yên theo thứ tự lúc ươm, khi quay quâng đảo cuốn tơ đến đâu, mối tơ sẽ từ từ chạy theo khỏi bị rối.

Sợi tơ để dệt gấm, the, lụa, lãnh còn phải qua nhiều công đoạn như giặt, tẩy, hồ cho sợi tơ trong suốt và óng. Có lụa phải nhuộm màu như the, gấm, lãnh. Riêng lụa, thường dệt nguyên chất tơ nõn, nên có màu vàng mỡ gà và những đường vân sánh sánh như nước. Việc dệt trước đây, người ta dùng khung dệt chưa được cải tiến, bằng quay tơ, đánh suốt mắc go và đưa thoi. Có 1 lá go, người thợ dệt cuốn chỉ vào con suốt, bỏ vào thoi làm bằng sừng trâu, nén qua lại bằng tay. Sau mỗi lần nén thoi thì đập lá go vào (người thợ khom mình dài trên khung sợi khổ hẹp (40cm) dùng hai tay đưa thoi và đỡ go qua lại, lên xuống) giỏi nhất cũng chỉ dệt được 3,5 – 4m vải một ngày.

Sản phẩm dệt ra được phân loại theo nguyên liệu tơ. Người làm nghề dệt ở Mã Châu thường chia sản phẩm theo hai loại tơ tốt hay xấu[6]. Nếu dùng nguyên liệu tơ tốt, thì dệt vải lanh có giá trị cao, còn dùng tơ thô thì dệt ra vải tuýt xo với giá rẻ hơn. Thực ra hàng tơ lụa ở đây, được phân thành nhiều loại tùy theo chất lượng tơ như: lụa[7], xuyến[8], lãnh[9], thao[10], đũi[11], lương[12], lượt…

Làng Mã Châu trước đây còn có nghề nhuộm sử dụng theo phương pháp thủ công với các nguyên liệu sẵn có trong làng. Theo đó, lụa mộc sẽ được ngâm trong nước trà, nước trầu không, nhựa cây… rồi xả, nhuộm màu, phơi khô, nhuộm lại lần thứ hai để ra đúng màu sắc như ý muốn. Màu nhuộm được pha chế với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như: hột rành rành, lá bàng, than, gạch, củ nu, hạt cau già…Trong đó, củ nâu được dùng phổ biến nhất vì vừa bền màu lại vừa chắc sợi. Nếu nhuộm vài nước thì được màu nâu non, nhiều nước thì có màu nâu già (nâu đậm). Để có màu thâm, dân làng thường nhuộm bằng bùn non. Ngoài ra, người ta sử dụng các loại vỏ cây cho màu đen như cây bút, màu nâu tươi như vỏ dúi dẻ (múi dẻ). Tất cả các thứ vỏ cây, củ, hạt, lá nói trên đều khai thác ở xung quanh làng vì thế có thể nói sản phẩm tơ lụa ở đây là sự kết tinh của lao động và sự ưu đãi của tự nhiên.

Cán (nghè) là công đoạn cuối cùng của nghề nhuộm. Mục đích của việc cán là làm cho sợi vải được mềm mại và mặt vải dày hơn, làm cho bề mặt lụa, lãnh láng mướt góp phần tăng giá trị sản phẩm. Công cụ cán gồm: Cặp dùi cán làm bằng gỗ hình như quả dứa, cuốn quả là tay cầm và thân quả dùng để vỗ (đập) lên trục vải; trục cuốn vải[13] làm bằng gỗ hình viên trụ; tấm ván dày, bào nhẵn để đặt trục vải lên khi cán. Khi cán người ta quấn vải, lụa hoặc lãnh vào trục thật chặt, bề mặt ở ngoài bề trái vào trong. Một người ngồi cầm hai đầu trục đặt trên tấm ván, người thứ hai ngồi đối diện, hai tay cầm dùi vỗ (đập) lên trục vải. Đoạn vải nào cán xong được từ từ tháo ra để tiếp tục cán các lớp trong. Khi cán xong ta cuộn vải thành cây, thành tấm và sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

Hiện nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải ở Mã Châu, Đông Yên – Thi Lai đã mai một khá nhiều. Để góp phần phục dựng ngành nghề truyền thống đặc biệt này, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Duy Xuyên cũng đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết ba làng nghề: làng dệt vải, tơ lụa Mã Châu, làng nghề dâu tằm tơ Đông Yên, và làng dệt vải Thi Lai – Phú Bông. Chính sách này đã có những tác động tích cực làm bừng dậy làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa một thuở vang danh Để một ngày nào đó không xa trong tương lai, chúng ta lại được nhìn thấy những bãi dâu xanh ngắt ven sông Thu Bồn, được mang trên mình chiếc áo lụa mềm mại của người Duy Xuyên.

                                                                             

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Nhiều tác giả (2003), Bà Chúa Tằm Tang xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng.
  2. 2. Nhiều tác giả (2010), Duy Xuyên những năm tháng không quên, Nxb Đảng bộ huyện Duy Xuyên.
  3. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam (2002), Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam, Kỷ yếu hội thảo, 8/2002
  4. Xuân Thêm (cb, 2012), Nghề và làng nghề truyền thống, NXB Văn hóa Dân tộc, tp HCM.
  5. UBND huyện Duy Xuyên, Bảng báo cáo tổng kết tình hình phát triển dâu tằm tơ 3 năm (1999-2001) và phương hướng phát triển dâu tằm tơ năm 2003.
  6. UBND huyện Duy Xuyên, Bảng báo cáo đánh giá thực trạng làng nghề huyện Duy Xuyên và các giải pháp phát triển làng nghề.
  7. UBND huyện Duy Xuyên – Công ty dâu tằm tơ lụa tháng 8/1990, Bảng luận chứng kinh tế kỷ thuật đầu tư phát triển ngành dâu tằm tơ lụa huyện Duy Xuyên.
  8. Tư liệu điền dã.

[1] Dâu cơm: lá dâu nhỏ, tằm ăn rất tốt (cho nhiều lụa ít thao).

Dâu sẽ: lá dâu to hơn, tuy nhiên tằm ăn không tốt bằng dâu cơm (cho ra ít lụa nhiều thao).

[2] Thời gian ngủ là một ngày từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau. Tằm tuổi 1 ăn 3 ngày, ngủ 1 ngày. Tuổi 2 ăn 3 ngày, ngủ 1 ngày. Tuổi 3 ăn 3 ngày, ngủ 1 ngày. Tuổi 4 ăn 3 ngày, ngủ 1 ngày. Tuổi 5 ăn 6 ngày, chín – lên bủa.

[3] Lớp sợi ngoài của kén khi ươm kéo thành sợi góc vì to, dẹp và không đều. Loại sợi này dùng để dệt thao, Tuýt xo. Kế đến là lớp tơ nõn, sợi nhỏ, có màu vàng tươi, mềm mại. Loại này dệt các mặt hàng gấm, the, lụa…còn loại tơ cục tơ mỏng (sợi tơ không đều) kéo thành chỉ để dệt sồi lại nái đũi.

[4] Khung là con lăn bằng gỗ, có hình tứ giác hoặc lục giác đều, ở giữa có trục gắn và tay quay.

[5] Thông thường một bếp ươm có hai người ươm, một người quay guồng (khung tơ). Bếp ươm kiểu này có lợi là cùng một lúc có thể quay được hai cuộn tơ, xong nó cũng có nhược điểm là khi một người ươm dừng lại, thì người kia cũng không làm tiếp được. Ươm xong tơ ướt được phơi khô, cất ở nơi cao, thoáng.

[6] Tơ tốt là loại tơ được nhả ra từ con tằm tốt, khỏe mạnh, có sợi tơ dài và đều.

Tơ xấu là là loại tơ được nhả ra từ con tằm yếu hơn, ăn không được đầy đủ, có sợi tơ ngắn, không đều.

[7] Có hai loại, lụa trơn và lụa hoa, dệt bằng tơ nõn sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải.

[8] Xuyến là mặt hàng kiểu cách, sợi dọc không có gì đặc biệt, chỉ có sợi ngang được dồn thành từng quăng, cứ một quăng thưa lại có một quăng dày thành ra xuyến có sọc ngang, sọc ngang của xuyến dành cho đàn ông lớn hơn xuyến dùng cho đàn bà. Áo dài xuyến người ta có thể nhìn thấy lớp áo lót bên trong, vì vậy người ta thường mặt lót áo quần màu trắng.

[9] Là lụa được nhuộm và cán thật láng. Lãnh mới mặt thường có tiếng kêu sột soạt. Sau một thời gian lãnh mềm mại nhưng tính trơn láng vẫn giữ nguyên. Lãnh được nhiều phụ nữ ưu thích vì làm cho người mặt trở nên dịu dàng và sang trọng.

[10] Là lụa được dệt bằng tơ hoặc lấy đầu tiên từ kén tằm. Những sợi tơ này chưa đều, có chỗ lớn nhỏ và ngắn. Vì vậy, mà mặt hàng này có nhiều mối nối gồ ghề, tuy nhiên thao mặt bền hơn lụa.

[11] Là lụa dệt bằng tơ lấy sau cùng từ kén tằm. Đũi cũng giống như thao là mặt đũi có nhiều mối nối. Đũi cũng chắc như thao lụa. Đũi nguyên thủy óng màu vàng chín của kén tằm. Đũi thì có loại trơn, loại hoa và đũi thọ hỉ. Đũi mộc mạc, thoáng, mát mùa hè, ấm áp mùa đông, dùng may quần, áo và thắt lưng.

[12] Là lụa đậu tư, đậu năm. Nhưng khoảng cách giữa những sợi tơ rộng hơn. Áo lương rất nhẹ, dệt thưa.

[13] Để tránh việc va đập giữa dùi cán và trục vải có thể làm rách mặt vải, người ta phải bọc thân dùi và trục cuộn vải bằng 1 lớp sợi để khi cán có độ đàn hồi.