Coca Cola sở hữu những sản phẩm nào tại thị trường Việt Nam? – Giáo dục Việt Nam
Từ khi được thành lập và đặt trụ sở chính tại Atlanta, bang Georgia, Mỹ năm 1893, tập đoàn Coca Cola hiện đang hoạt động trên 200 nước khắp thế giới.
Ít ai biết rằng đại gia Coca Cola có tới 500 nhãn hiệu nước ngọt tại hơn 200 quốc gia khác nhau và chiếm tới 4 trên 5 sản phẩm đồ uống bán chạy nhất thế giới.
Ngày nay, tập đoàn Coca Cola đã thành công trong công cuộc mở rộng thị trường với nhiều loại nước uống khác nhau ban đầu là nước có gas, và sau đó là nước trái cây, nước tăng lực cho thể thao, nước suối, trà và một số loại khác.
Tại thị trường Việt Nam, theo đánh giá Coca Cola và Pepsi đang gần như thống lĩnh thị trường đồ uống nội địa do thương hiệu sẵn có tiếng cùng truyền thống lâu đời.
Riêng với Coca Cola, bên cạnh sản phẩm truyền thống là nước ngọt có gas, công ty đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác như nước uống đóng chai Joy, nước tăng lực Samurai, bột trái cây Sunfill, đồng thời bổ sung nhiều hương vị mới cho các sản phẩm truyền thống như Fanta Chanh, Fanta Dâu, Soda Chanh…
Khắc tên trên lon Coca Cola: Người tiêu dùng Việt là bầy cừu ngoan?16/07/14 10:45
(GDVN) – Hãy hành xử một cách có lý trí để gửi thông điệp: Người tiêu dùng Việt không phải là bầy cừu ngoan ngoan để các công ty như Coca Cola kiếm lợi nhuận.
Các sản phẩm Coca Cola Việt Nam bao gồm: Coca Cola chai thủy tinh, lon, và chai nhựa; Fanta cam, dâu, trái cây gồm chai thủy tinh, lon, và chai nhựa; Sprite chai thủy tinh, lon, và chai nhựa; Diet Coke loại lon; Schweppes Tonic, Soda Chanh chai thủy tinh, lon; Crush Sarsi chai thủy tinh, lon;
Nước đóng chai Joy chai PET 500 ml và 1500 ml; Nước uống tăng lực Samurai – chai thủy tinh, lon và bột; Sunfill cam, dứa – Bột trái cây; Nước trái cây Minute Maid, Splash; Nước khoáng Dasani; Sữa trái cây Nutriboost.
Được biết, Công ty nước giải khát Coca Cola Việt Nam bắt đầu quá trình kinh doanh lâu dài tại Việt Nam từ tháng 2/1994. Đến tháng 8/1995 Công ty Liên doanh đầu tiên giữa Coca Cola Đông Dương và công ty Vinafimex được thành lập, có trụ sở tại miền Bắc.
Tháng 9/1995, một Liên doanh tiếp theo tại miền Nam mang tên Công ty Nước Giải khát Coca Cola Chương Dương cũng ra đời do sự liên kết giữa Coca Cola và công ty Chương Dương của Việt Nam.
Tháng 1/1998, thêm một liên doanh nữa xuất hiện tại miền Trung – Coca Cola Non Nước. Đó là quyết định liên doanh cuối cùng của Coca Cola Đông Dương tại Việt Nam, được thực hiện do sự hợp tác với Công ty Nước Giải khát Đà Nẵng.
Tháng 10/1998, Chính Phủ Việt Nam đã cho phép các Công ty Liên doanh trở thành Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các Liên doanh của Coca Cola tại Việt Nam lần lượt thuộc về quyền sở hữu hoàn toàn của Coca Cola Đông Dương, và sự thay đổi này đã được thực hiện trước tiên bởi Công ty Coca Cola Chương Dương – miền Nam.
Nhiều người trong ngành cho rằng, động thái lỗ triền miên của Coca Cola chính là chiêu bài hữu hiệu giúp công ty này thâu tóm các đối tác Việt, trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Qua đó, chuyển giá của nhãn hàng này ngày càng tinh vi và khó bị phanh phui.
Dấu hiệu bất thường của Coca Cola từng được phát hiện thế nào?
Tuy thống lĩnh thị phần đồ uống tại Việt Nam, doanh số tăng thẳng đứng, nhưng từ khi đầu tư tại thị trường Việt Nam (tháng 2/1994) đến nay Coca Cola chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào do liên tục khai lỗ.
Năm 2012, Cục Thuế TP.HCM cho biết từ khi thành lập (tháng 2/1994) chưa năm nào Công ty Coca Cola Việt Nam khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm. Năm 2004 doanh thu 728 tỉ đồng, số lỗ là 110 tỉ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỉ đồng.
Năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng. Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Vì thua lỗ nên sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca Cola Việt Nam chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (thực chất là do người tiêu dùng nộp), thuế môn bài, còn thuế thu nhập DN đến nay chưa thu được đồng nào. Nhưng nghịch lý ở chỗ dù thua lỗ, công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất.
Thậm chí cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.
Khi đó, Tuổi trẻ dẫn lời ông Lê Duy Minh, trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM cho biết, so sánh với DN nước giải khát rất nhỏ cùng ngành nghề của Việt Nam là Chương Dương năm 2011, dù chỉ còn thị phần ở hai sản phẩm là soda chai và nước xá xị, doanh thu chỉ có 422 tỉ đồng nhưng lợi nhuận lên đến 30 tỉ đồng với số thuế nộp cho ngân sách lên đến 7,5 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy ẩn đằng sau con số lỗ của Coca Cola có thể là khoản lãi rất lớn hằng năm chảy về cho công ty mẹ dưới dạng tiền trả nguyên phụ liệu.
Nhưng nhìn thấy dấu hiệu bất bình thường ở doanh nghiệp là một chuyện, còn việc đấu tranh để các DN này thừa nhận chuyển giá không phải dễ. Bởi khi thực hiện việc chuyển giá, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ chặt chẽ, hợp đồng có giá trị pháp lý…
Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được những chứng cứ pháp lý để làm rõ nghi vấn chuyển giá của Coca Cola thì người tiêu dùng Việt đã có những hành động cụ thể khi “tẩy chay” những sản phẩm của thương hiệu này. Đặc quyền này của người tiêu dùng chỉ được áp dụng đối với những sản phẩm không mang lại lợi ích gì cho bản thân và đất nước, nhưng quan trọng hơn… khi sản phẩm đã bị tẩy chay, tức hình ảnh của doanh nghiệp đã rất xấu trong mắt người tiêu dùng.
Hồng Anh (Tổng hợp)