Có thật là phụ nữ sống chung sẽ có kinh nguyệt giống nhau?

Nhiều người cho rằng phụ nữ khi sống cùng nhau đủ lâu thì sẽ có chu kỳ kinh nguyệt giống nhau. Điều này có thật không?

Nội dung chính của bài viết:

  • Đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt còn được gọi là hiệu ứng McClintock, được đưa ra dựa trên trên lý thuyết là khi một phụ nữ tiếp xúc thể chất với một phụ nữ khác đang có kinh nguyệt thì sẽ bị ảnh hưởng bởi pheromone của người đó và cuối cùng là chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của hai người sẽ trở nên giống nhau.
  • Hiện nay, nhờ sự ra đời của các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt mà thông tin về chu kỳ kinh của nhiều phụ nữ đã được ghi lại. Và nhiều nghiên cứu mới đã cho kết quả ngược lại với kết luận của McClintock.
  • Có một số nghiên cứu thực sự cho thấy rằng chu kỳ kinh nguyệt có liên hệ hay phần nào đồng bộ với các giai đoạn trong chu kỳ mặt trăng.
  • Cũng như nhiều vấn đề khác về sức khỏe của phụ nữ, đồng bộ hóa chu kỳ kinh nguyệt hiện vẫn là chủ đề đang được quan tâm và nghiên cứu thêm mặc dù rất khó có thể chứng minh hay bác bỏ điều này.

Đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt là một giả thuyết cho rằng những phụ nữ sống cùng nhau hoặc chơi thân với nhau sẽ bắt đầu có kinh vào cùng một ngày mỗi tháng.

Đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt còn được gọi là hiệu ứng McClintock, được đưa ra dựa trên trên lý thuyết là khi một phụ nữ tiếp xúc thể chất với một phụ nữ khác đang có kinh nguyệt thì sẽ bị ảnh hưởng bởi pheromone của người đó và cuối cùng là chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của hai người sẽ trở nên giống nhau. Pheromone là một hóa chất mà cơ thể các loài động vật tạo ra một cách tự nhiên và ảnh hưởng đến hành vi của các cá thể cùng loài xung quanh.

Nhiều người tin rằng đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt là một điều có thật và có người còn khẳng định trong một nhóm bạn chơi chung thì sẽ có một người có mức ảnh hưởng lớn nhất và chu kỳ kinh của những người còn lại sẽ dần trở nên giống với người đó. Nhưng các tài liệu y khoa đều chưa chính thức công nhận điều này. Hãy cùng tìm hiểu xem hiện tượng đồng bộ kinh nguyệt có thật hay không.

Nguồn gốc của giả thuyết

Giả thuyết về hiện tượng đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt đã được nhiều phụ nữ truyền tai nhau từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng giới khoa học chỉ bắt đầu chú ý đến điều này một cách nghiêm túc khi một chuyên gia tâm lý học có tên là Martha McClintock tiến hành một nghiên cứu trên 135 nữ sinh đại học sống trong ký túc xá để xem liệu chu kỳ kinh nguyệt của họ có thực sự giống nhau hay không.

Nghiên cứu không đánh giá các đặc điểm khác của chu kỳ kinh như thời gian rụng trứng mà chỉ theo dõi thời điểm bắt đầu hiện tượng ra máu hàng tháng. McClintock kết luận rằng chu kỳ kinh nguyệt của những người tham gia thực sự được đồng bộ. Từ đó, hiện tượng đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt được gọi là hiệu ứng McClintock.

Kết quả nghiên cứu hiện tại

Nhờ sự ra đời của các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt mà thông tin về chu kỳ kinh của nhiều phụ nữ đã được ghi lại. Vì thế nên hiện nay đã có nhiều dữ liệu hơn để tìm hiểu và xác minh liệu hiện tượng đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt là có thật hay không. Và nhiều nghiên cứu mới đã cho kết quả ngược lại với kết luận của McClintock.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2006 đã thu thập thông tin từ 186 phụ nữ sống trong một ký túc xá ở Trung Quốc. Nghiên cứu này kết luận các trường hợp có chu kỳ kinh giống nhau chỉ là do trùng hợp.

Một nghiên cứu lớn hơn được thực hiện bởi Đại học Oxford và công ty tạo ra ứng dụng theo dõi kinh nguyệt Clue đã đưa ra kết luận về hiện tượng đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt. Dữ liệu từ hơn 1.500 người tham gia đã cho thấy rằng dù sống gần nhau thì phụ nữ cũng không thể ảnh hưởng và làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của nhau.

Tuy nhiên, một nghiên cứu quy mô nhỏ vào năm 2017 lại cho kết quả tương đồng với nghiên cứu của McClintock năm xưa. Cụ thể là, 44% những phụ nữ sống chung với nhau trong nghiên cứu này thật sự có kinh nguyệt vào những thời điểm gần giống nhau trong tháng. Các triệu chứng như đau nửa đầu do kinh nguyệt cũng xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ sống cùng nhau. Điều này cho thấy việc sống chung có thể ảnh hưởng đến nhiều đặc điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ chứ không chỉ có thời gian bắt đầu có kinh.

Chu kỳ kinh nguyệt và chu kỳ mặt trăng

Nhiều người từ lâu đã tin rằng chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có liên quan đến chu kỳ mặt trăng. Và còn có một số nghiên cứu thực sự cho thấy rằng chu kỳ kinh nguyệt có liên hệ hay phần nào đồng bộ với các giai đoạn (pha) trong chu kỳ mặt trăng.

Một nghiên cứu vào năm 1986 được thực hiện ở 826 phụ nữ đã cho thấy rằng hơn 28% người tham gia (có nghĩa là ¼) bắt đầu có kinh trong giai đoạn Trăng Non (New Moon), đây là giai đoạn mà Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nếu áp tỉ lệ trong nghiên cứu này vào toàn bộ dân số thế giới thì cứ 4 phụ nữ sẽ có 1 người bắt đầu có kinh nguyệt trong giai đoạn Trăng Non. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới hơn được thực hiện vào năm 2013 lại đưa ra kết luận không có bất cứ mối liên hệ nào giữa chu kỳ kinh nguyệt và chu kỳ mặt trăng cả.

Tại sao lại khó chứng minh hiện tượng đồng bộ kinh nguyệt?

Có nhiều lý do mà giới khoa học có thể không bao giờ chứng minh được hiện tượng đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt có tồn tại thật hay không.

Lý do thứ nhất là bởi không thể biết chắc chắn liệu pheromone – lời lý giải cho giả thuyết của McClintock – có thực sự ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu kinh nguyệt của người khác hay không.

Pheromone là tín hiệu hóa học mà cơ thể tỏa ra sang những người khác xung quanh. Chất này có ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như sự hấp dẫn hay hưng phấn tình dục nhưng có đúng là pheromone khiến cho kỳ kinh của những phụ nữ sống gần nhau diễn ra vào cùng một thời điểm không? Chẳng có cách nào biết được cả.

Lý do thứ hai là vì kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là không giống nhau. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 28 ngày và hiện tượng ra máu hay hành kinh diễn ra trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Đây là giai đoạn mà niêm mạc tử cung bong ra và đi ra ngoài âm đạo cùng với máu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có chu kỳ kinh nguyệt như vậy.

Nhiều người có chu kỳ kinh kéo dài lên tới 40 ngày và vẫn được coi là bình thường. Trong khi đó, chu kỳ của một số phụ nữ lại ngắn hơn, chỉ khoảng 20 ngày và ra máu trong vỏn vẹn 2 hoặc 3 ngày.

Do đó, hiện tượng đồng bộ hóa chu kỳ kinh nguyệt mà McClintock kết luận rất có thể chỉ là do quy luật xác suất. Ví dụ, nếu bạn bị hành kinh kéo dài một tuần và sống với ba cô bạn gái khác thì ít nhất bạn và một người trong đó sẽ có kinh nguyệt cùng một lúc.