Cơ sở xác định bản quyền tác phẩm văn học tại Việt Nam

Bản quyền hay quyền tác giả, tác quyền (copyright) là khái niệm xác định quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu. Việc nắm bắt đầy đủ các cơ sở xác định bản quyền đối với tác phẩm nói chung và tác phẩm văn học riêng là cần thiết để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học tại Việt Nam. Thực tế hiện nay, các quy định về cơ sở xác định bản quyền tác phẩm văn học là tương đối rõ ràng nhưng vẫn còn tồn tại một số nội dung cần được quan tâm và sớm hoàn thiện trong thời gian tới.

Cơ sở xác định bản quyền tác phẩm văn học tại Việt Nam

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có khái niệm riêng về tác phẩm văn học. Do đó, định nghĩa về tác phẩm văn học được căn cứ theo định nghĩa về tác phẩm quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

Theo Bách khoa toàn thư mở online (Wikipedia) và Từ điển tiếng Việt, khái niệm tác phẩm văn học là sản phẩm trí tuệ, là công trình nghệ thuật của ngôn từ, được tạo thành thông qua quá trình sáng tác, sáng tạo nghệ thuật của cá nhân nhà văn, nhà thơ hoặc kết quả của sự sáng tạo của tập thể tác giả. Tác phẩm văn học có thể là truyện ngắn, tuyển tập truyện, bài thơ, tập thơ, ký sự, tác phẩm kịch…

Như vậy, khái niệm tác phẩm văn học bao gồm 2 yếu tố cơ bản: tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo của tác giả; tác phẩm văn học có thể được “thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Định nghĩa trên cũng tương đồng với định nghĩa tác phẩm trong Công ước Berne năm 1886 tại Khoản 1, Điều 2 Công ước này xác định: “Tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào”.

Hiện nay, việc xác định bản quyền tác phẩm văn học tại Việt Nam dựa trên 2 cơ sở chính là pháp lý và thực tế. Các cơ sở này tồn tại trong quá trình sáng tác, khai thác và bảo vệ tác phẩm văn học. Do đó, hiểu đúng và đầy đủ về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn sẽ giúp tác giả, chủ sở hữu tác phẩm bảo vệ quyền và khai thác hiệu quả các giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Về cơ sở pháp lý

Đây là cơ sở tiên quyết để xác định bản quyền một tác phẩm văn học. Bộ luật Dân sự 2015, Điều 221 đã quy định rõ căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể trong các trường hợp sau: 1) Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; 2) Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; 3) Thu hoa lợi, lợi tức; 4) Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; 5) Được thừa kế; 6) Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên; 7) Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; 8) Trường hợp khác do luật quy định.

Ngoài ra, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các căn cứ đối với tài sản là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như sau: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, bản quyền của một tác phẩm văn học tại Việt Nam được xác định dựa trên 3 yếu tố: 1) Tác phẩm văn học được tác giả sáng tạo, không được sao chép, trích dẫn trái quy định; 2) Dù có đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hay không thì tác giả vẫn được hưởng đầy đủ quyền, nghĩa vụ với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Nói cách khác, bản quyền tác phẩm văn học được xác định không phụ thuộc vào việc tác giả hay chủ sở hữu có thực hiện thủ tục hành chính đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không; 3) Quyền tác giả chỉ được bảo hộ khi nó tồn tại dưới một hình vật chất nhất định, chứ không thể bảo hộ khi tác phẩm chưa thể hiện dưới một hình thức vật chất nào.

Căn cứ pháp lý để xác định bản quyền đối với tác phẩm văn học tại Việt Nam là tương đồng với các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước Berne (tên gọi tắt của công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật). Công ước Berne áp dụng 3 nguyên tắc: đối xử quốc gia; bảo hộ tự động và bảo hộ độc lập trong việc xác định và bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm văn học như các tác phẩm khoa học, văn học nghệ thuật được biểu diễn dưới bất kỳ hình thức nào, theo bất kỳ phương thức nào, có thể là sách, tập in nhỏ, các ấn phẩm khác, các bài giảng, các bài phát biểu, bài thuyết trình và các tác phẩm cùng loại, kịch bản, nhạc kịch, kịch câm…

Ngoài ra, quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập quốc tế đã khiến Việt Nam trở thành thành viên của nhiều hiệp định đa phương, song phương, phát sinh thêm các cơ sở pháp lý cho việc xác định bản quyền tác phẩm văn học.

Về cơ sở thực tế

Ngoài cơ sở pháp lý, cơ sở thực tế cũng là điều kiện quan trọng trong việc xác lập bản quyền một tác phẩm văn học. Các cơ sở thực tiễn để xác định bản quyền tác phẩm văn học chính là việc thực hiện các quyền của tác giả được pháp luật cho phép như đặt tên cho tác phẩm, công bố tác phẩm, đánh dấu bằng tên, bút danh… Các cơ sở này là rất quan trọng khiến tác phẩm không bị nhầm lẫn, giúp tác giả ý thức được về việc sở hữu và cũng hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến tác phẩm văn học.

Việc đặt tên cho tác phẩm cũng là một quyền nhân thân được pháp luật công nhận. Cơ sở này được hình thành khi tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình để truyền tải thông điệp, chủ đề của tác phẩm. Việc lựa chọn một cái tên cho tác phẩm văn học không những xác định tác phẩm này là của ai, do ai sáng tác mà còn có tác dụng định danh, tạo sức hút cho tác phẩm.

Trình bày tác phẩm trước công chúng tồn tại dưới rất nhiều hình thức như thuyết trình, trình bày, biểu diễn, xuất bản, phát thanh, truyền hình, trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, đọc trước công chúng, phát sóng, xuất bản tác phẩm… Tác phẩm được coi là đã công bố, là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm. Tác giả là người có quyền tự mình quyết định có nên công bố, phổ biến tác phẩm hay không. Hay hiểu theo cách khác, việc công bố hay không công bố, công bố ở đâu, thời gian nào, bằng hình thức gì là do tác giả quyết định.

Thực trạng xác định bản quyền đối với tác phẩm văn học tại Việt Nam

Qua quá trình nghiên cứu, trợ giúp các tác giả đăng ký và bảo vệ quyền đối với các tác phẩm văn học, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại một số vấn đề về cơ sở xác định bản quyền tác phẩm văn học tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất (như trên giấy, trên các chất liệu tương tự, trên gỗ, trên ổ đĩa, trên các phương tiện kỹ thuật số) hoặc hình thức phi vật chất truyền thống khác. Nhưng chỉ những tác phẩm nào được định hình dưới một hình thức vật chất mới được pháp luật công nhận còn những tác phẩm được thể hiện bằng hình thức phi vật chất (như bài giảng, bài nói, bài phát biểu) muốn được pháp luật bảo hộ thì phải được định hình, ghi lại bằng một hình thức nhất định như ghi âm, ghi hình, quay phim, trình chiếu… điều này vô hình chung làm giảm đi số lượng tác phẩm văn học được bảo hộ. Thực tế còn rất nhiều bài ca dao, các tác phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số được truyền miệng từ đời này qua đời khác nên quy định về việc tồn tại dưới một hình thức nhất định cần phải có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ hai, mặc dù pháp luật quy định việc đăng ký bản quyền tác giả là không bắt buộc nhưng việc một tác phẩm văn học được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả sẽ có giá trị chứng cứ rất cao trong quá trình giải quyết tranh chấp và khai thác các lợi ích vật chất của tác phẩm. Khi nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL* chỉ yêu cầu người đăng ký tự ký bản cam kết tác phẩm đó là do bản thân sáng tạo, mà không cần tài liệu chứng minh hoặc yêu cầu người làm chứng chứng kiến hoặc biết tác phẩm do tác giả sáng tác, nên đây cũng là một lỗ hổng cần nghiên cứu hoàn thiện để tránh các tranh chấp phát sinh… Thực tế từ 2015 đến nay đã xuất hiện nhiều vụ việc tranh chấp về tác phẩm văn học, ví dụ như vụ án tranh chấp vở diễn “Ngày xưa” giữa đạo diễn Việt Tú với Công ty CP Tuần Châu Hà Nội; tranh chấp quyền tác giả truyện tranh Thần đồng Đất Việt; hay gần đây là việc tranh chấp giữa TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) và TS Vũ Thị Trang đối với những trang trong cuốn “Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại”…

Thứ ba, quy định pháp luật hiện nay chưa có nội dung hướng dẫn về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình khi giao kết hợp đồng liên quan đến tác phẩm văn học. Bởi tác phẩm văn học được bảo hộ tự động hoặc đăng ký nên nhiều doanh nghiệp, tổ chức khai thác tác phẩm thông qua hợp đồng với tác giả sáng tác vẫn bị khởi kiện xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cả Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự 2015 đều không quy định yếu tố lỗi – là căn cứ bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường, nên thiệt hại cho người thứ ba ngay tình khi phát sinh tranh chấp.

Một số kiến nghị, đề xuất

Để giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh liên quan đến cơ sở xác định bản quyền tác phẩm văn học nói riêng và tác phẩm nói chung, chúng tôi xin đưa ra một số nội dung gợi mở liên quan đến các vấn đề còn tồn tại như sau:

Thứ nhất, về việc tác phẩm văn học không được công nhận và bảo vệ nếu chưa tổn tại dưới một hình thức vật chất như các bài giảng, bài nói, bài phát biểu… thực tế có nhiều người tạo ra bài giảng, bài nói và đi giảng dạy ở nhiều nơi nên cũng làm cho nhiều người nghe, thuộc nội dung và truyền tải nó cho người khác. Do đó, nên nghiên cứu thêm việc một bài giảng, một chương trình được nhiều người học, nhiều người biết đến và được nhiều người ghi nhớ cũng là một hình thức tồn tại vật chất nhất định.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam quy định tác phẩm không cần bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên, hiện nay việc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả khá dễ dàng nên cần bổ sung thêm yêu cầu chứng minh tác phẩm đăng ký là do mình sáng tạo. Mặt khác, pháp luật cũng cần có thêm các chế tài đối với các trường hợp đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm không phải do mình sáng tạo ra.

Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về trường hợp người thứ 3 ngay tình là các cá nhân, doanh nghiệp khai thác quyền liên quan của tác phẩm được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp tranh chấp giữa các tác giả với nhau. Trên thực tế, nếu tác phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, nếu không xảy ra tranh chấp thì người khai thác không thể biết tác phẩm có bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không. Việc áp dụng tốt điều này sẽ giúp bảo vệ và khuyến khích các doanh nghiệp khai thác tốt hơn giá trị của tác phẩm văn học tại Việt Nam.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn để các cá nhân, tổ chức áp dụng, xác định bản quyền đối với tác phẩm văn học. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần hoàn thiện nêu trên. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật, hướng dẫn cụ thể hơn về các vấn đề này để việc khai thác, bảo vệ các tác phẩm văn học tại Việt Nam được ngày một rõ ràng và hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www.wipo.int/export/sites/www/sme/en/documents/guides/translation/secrets_of_ip_vi.pdf.

2. Cục Bản quyền tác giả (2010), Các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan.

3. https://www.wipo.int/tk/en/folklore/.

4. https://basico.com.vn/can-bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-trong-tranh-chap-quyen-tac-gia/.