Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ gì?
Cùng với việc xác định rõ ràng, cụ thể các đối tượng sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, hai chủ thể sử dụng đất là cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư được thừa nhận là hai chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật đất đai. Vậy hai chủ thể này có các quyền và nghĩa vụ gì khi sử dụng đất? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Khái niệm cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.
Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai 2013) quy định như sau:
Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ. Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng dân cư đó.
Việc sử dụng đất vào các mục đích chung này thường được thực hiện thông qua những người đại diện. Chính vì vậy, người đại diện phải đảm bảo tuân thủ những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình sử dụng đất. Các quy định của pháp luật về việc sử dụng đất vào mục đích chung của cộng đồng dân cư là cơ sở để khôi phục và giữ gìn truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đảm bảo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.
Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
Đất cơ sở tôn giáo bao gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
2. Các quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất (quy định tại Điều 181, Luật đất đai 2013)
a, Các quyền và nghĩa vụ chung (quy định tại Khoản 1, Điều 181, Luật đất đai 2013)
Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật đất đai 2013, cụ thể như sau:
Các quyền chung được quy định tại Điều 166 như: Quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất, quyền được hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp…
Các nghĩa vụ chung được quy định tại Điều 170 như: sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan…
b, Nghĩa vụ cụ thể (quy định tại Khoản 2, Điều 181, Luật đất đai 2013)
Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; đồng thời cũng không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất với mục đích chung nhằm tôn trọng, bảo vệ, phục hồi các phong tục, tập quán các tinh hoa văn hoá dân tộc cũng như tôn trọng tự do tín ngưỡng của mỗi người dân. Do vậy, việc pháp luật không cho phép định đoạt quyền sử dụng đất thông qua các giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất, nhằm đảm bảo loại đất này được sử dụng một cách phù hợp với mục đích tôn trọng và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống và văn hoá tín ngưỡng trong nhân dân.
Trên đây là các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư. Với các quy định như vậy đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đời sống tinh thần của người dân.
Luật Hoàng Anh