Cơ sở dữ liệu Quốc gia Văn bản quy phạm pháp luật
Khi tiến hành kiểm tra hành chính việc đăng ký tạm trú tại một nhà trọ trong khu vực biên giới cửa khẩu, cảnh sát khu vực và lực lượng dân phòng phường X phát hiện có 2 người đàn ông Trung Quốc nghỉ trọ nhưng chưa được chủ nhà trọ khai báo tạm trú với Công an xã. Chủ nhà trọ khai báo là do có người quen giới thiệu 2 người đến nghỉ trọ nên không yêu cầu họ khai báo tạm trú. Theo tường trình của 2 người Trung Quốc thì họ là cư dân ở xã biên giới của Trung Quốc giáp với tỉnh Lạng Sơn. Một tuần trước đó, họ đã nhập cảnh vào Việt Nam qua trạm kiểm soát cửa khẩu để đi thăm bạn hàng buôn bán ở tỉnh Bắc Ninh nhưng hôm qua khi trở lại Lạng Sơn thì bị mất cắp hành lý, trong đó có giấy chứng minh biên giới và giấy thông hành xuất nhập cảnh, do đó, họ chưa dám đi qua trạm kiểm soát cửa khẩu để về bên kia biên giới. Hiện nay, họ đang nhờ mấy người quen tìm kiếm hộ hành lý và giấy tờ đã mất nên ở lại lưu trú tại nhà trọ này. Lực lượng kiểm tra quyết định yêu cầu 2 người nước ngoài và cả chủ nhà trọ về trụ sở Công an xã để làm rõ sự việc. Công an xã nên giải quyết trường hợp này như thế nào?
Trả lời có tính chất tham khảo
Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và quy định về quản lý biên giới của Nhà nước ta. Đối tượng vi phạm pháp luật bao gồm cả công dân Việt Nam (chủ nhà trọ) và người nước ngoài. Do đó, để giải quyết tình huống này, Công an xã X cần căn cứ vào các quy định trực tiếp tại Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền để xác định chính xác các hành vi vi phạm pháp luật và biện pháp cần áp dụng để giải quyết vụ việc.
Xác định các hành vi vi phạm pháp luật trong vụ việc
– Hành vi vi phạm pháp luật của 2 người nước ngoài: qua xác minh lời khai ban đầu của 2 người nước ngoài có thể khẳng định các đối tượng này cùng lúc đã có 2 hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, đó là hành vi không kịp thời khai báo việc làm mất giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu, thị thực Việt Nam và hành vi cư trú bất hợp pháp ở khu vực biên giới của Việt Nam.
+ Về hành vi không khai báo việc làm mất giấy chứng minh biên giới và giấy thông hành xuất, nhập cảnh.
Theo quy định tại Điều 15 Luật Biên giới quốc gia quy định, việc xuất, nhập cảnh qua biên giới quốc gia được thực hiện tại các cửa khẩu. Người, phương tiện qua cửa khẩu phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, cụ thể là “người cư trú trong khu vực biên giới nước láng giềng khi sang khu vực biên giới Việt Nam phải có giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới theo quy định của Hiệp định và Quy chế biên giới ký kết giữa Việt Nam và nước láng giềng hữu quan” (Điều 7 Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền). Trong trường hợp bị mất các giấy tờ này thì người nhập cảnh có trách nhiệm phải kịp thời trình báo ngay với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Do đó, việc 2 người nước ngoài không trình báo việc mất giấy tờ của mình là đã có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Theo quy định này, hình thức xử phạt được áp dụng là phạt tiền với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
+ Về hành vi cư trú trái phép
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người nước ngoài đủ điều kiện vào khu vực biên giới, vành đai biên giới nếu ở qua đêm phải đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn công an sở tại đăng ký, quản lý tạm trú theo quy định của pháp luật về đăng ký quản lý hộ khẩu. Do đó, việc 2 người Trung Quốc nghỉ lại qua đêm ở nhà trọ trong khu vực biên giới, không khai báo tạm trú tại Công an xã sở tại là hành vi cư trú trái phép, vi phạm Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hành vi này vi phạm điểm e khoản 2 Điều 22 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên với mức xử phạt được quy định là từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Hành vi vi phạm của chủ nhà trọ: theo quy định tại khoản 2; 3 Điều 31 Luật Cư trú 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006:
“2. Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ mười bốn tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.”
Trong trường hợp này, chủ nhà trọ biết rõ 2 người nước ngoài chưa đăng ký tạm trú nhưng vẫn không thực hiện trách nhiệm đăng ký tạm trú cho khách ở trọ theo quy định nói trên. Do đó, hành vi của chủ nhà trọ đã vi phạm quy định về đăng ký tạm trú. Do người tạm trú tại nhà trọ là người nước ngoài nên hành vi không khai báo tạm trú của chủ nhà trọ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 22 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Thẩm quyền xử lý vi phạm
Phân tích trên đây cho thấy, đối với 2 hành vi vi phạm hành chính của người nước ngoài đều có mức xử phạt tối thiểu là 500.000 đồng. Căn cứ khoản 6, 4 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mức phạt tiền này Trưởng công an phường có thể áp dụng để xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. Tuy nhiên, vì tính chất vụ việc chưa được xác định rõ (mới chỉ có thông tin ban đầu qua lời khai của 2 người nước ngoài), cần được xác minh làm rõ bằng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, cũng như xác minh qua cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu biên giới, do đó, Công an xã cần chuyển giao vụ việc lên Công an cấp huyện để xử lý theo thẩm quyền.
Trình tự giải quyết
Sau khi yêu cầu chủ nhà trọ và 2 người Trung Quốc về trụ sở Công an phường thì Cảnh sát khu vực giúp Trưởng công an phường thực hiện các bước sau:
Bước 1: giải thích, phân tích cho 2 người Trung Quốc và chủ nhà trọ biết họ đã vi phạm các quy định pháp luật về quản lý biên giới và các quy định về quản lý hộ khẩu của Việt Nam;
Bước 2: tiến hành lập riêng biên bản về hành vi vi phạm hành chính đối với từng người theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;
Bước 3: chuyển giao ngay biên bản và người vi phạm cho Công an cấp huyện để cơ quan này triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu chưa thể chuyển giao ngay trong đêm thì Trưởng công an phường ra quyết định tạm giữ hành chính trong vòng 24 giờ theo quy định tại Điều 44 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và phải chuyển giao vụ việc ngay khi có thể.