Cơ quan quyền lực nhà nước là gì? Cơ quan quyền lực nhà nước Việt Nam
Cơ quan quyền lực nhà nước là Cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Bài viết phân tích những quy định pháp luật Việt Nam về cơ quan quyền lực nhà nước, cụ thể:
Mục Lục
1. Khái niệm cơ quan quyền lực nhà nước
Quyền lực được vận hành, thực thi thông qua một bộ máy chuyên nghiệp, có sức mạnh đặc biệt là bộ máy nhà nước. Trong đời sống xã hội thường tổn tại những loại hình quyền lực khác nhau, có quy mô, phạm vi, hiệu lực tác dụng khác nhau: có quyền lực gia đình, có quyền lực dòng họ, quyền lực phường hội, đoàn thể, lại có quyền lực kinh tế, quyền lực tôn giáo (hay còn gọi là thần quyền). Đặc trưng riêng biệt của các loại quyên Re KRu là đều có tính bộ phận, đồng thời, trong một xã hội lại có một loại hình quyền lực đặc biệt, được xác định là quyền lực công. Đây là loại quyền lực trùm lên toàn xã hội, có hiệu lực đối với tất cả các chủ thể từ các thể nhân đến các pháp nhân, có tính chung, mang tính chính thức, nhân danh, lấy danh nghĩa toàn xã hội để sai khiến, điều hành mọi công việc xã hội – đó là quyền lực công. Ăngghen trong tác phẩm nổi tiếng: “Nguồn gốc gia đình, quyền tư hữu và nhà nước”, khi chỉ ra ba dấu hiệu đặc trưng của nhà nước với tính cách là một thiết chế xã hội, khác biệt với bất kì một thiết chế nào khác của một xã hội, đã nhấn mạnh đến dấu hiệu “quyền lực công”. Cả bộ máy nhà nước, dù đó là cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp, đều là những cơ quan nhân danh nhà nước thực thi quyền lực công – quyền lực nhà nước, bằng những phương thức khác nhau, đưa quyền lực công, quyền lực nhà nước, vào vận hành, phát huy hiệu lực của mình. Trong ba loại cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thì các cơ quan hành pháp, do tính chất, đặc trưng của phương thức hoạt động, thường xuyên có sự tiếp cận, quan hệ, giải quyết các công việc với dân và công việc của dân một cách trực tuyến, nên trong con mắt của xã hội nói đến cơ quan công quyền, người ta thường trước hết nghĩ đến các cơ quan điều hành, quản lí nhà nước.
Theo Điều 2 Hiến pháp 2013:
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2.Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
3.Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”
Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định:
“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.”
Khoản 1 Điều 7 Hiến pháp 2013 quy định:
“Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.”
Như vậy, có thể hiểu, Cơ quan quyền lực nhà nước là Cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Các cơ quan quyền lực nhà nước đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, được cấu thành từ những đại biểu ưu tú đại diện cho công nhân, nông dân, trí thức, các dân tộc, tôn giáo, các thành phần xã hội khác trong cả nước hay từng địa phương.
Ở Việt Nam, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được gọi là cơ quan quyền lực nhà nước.
2. Hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước
Cơ quan quyền lực nhà nước gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là các cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bàu ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong đó:
– Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. (theo Điều 69 Hiến Pháp 2013) .Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban Quốc hội.
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Là cơ quan thường trực của Quốc hội, do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội,
Về cơ cấu tổ chức, UBTVQH gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc Hội và các ủy viên, được lập ra tại kỳ họp thứ nhất mỗi khóa Quốc hội. Thành viên Ủy ban Thường vụ quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ. Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Điều 74 Hiến pháp năm 2013 và Chương III Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (gồm 13 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn).
+ Hội đồng dân tộc: là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước UBTVQH. Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng dân tộc gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên (Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và Ủy viên khác). Chủ tịch Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu theo đề nghị của UBTVQH; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc do UBTVQH phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc.
Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.
+ Các Ủy ban của Quốc hội: Các Ủy ban của Quốc hội được thành lập theo các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội nhằm giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 thì Quốc hội hiện nay thành lập 9 ủy ban thường trực (gồm có: Ủy ban pháp luật; Ủy ban tư pháp; Ủy ban kinh tế; Ủy ban tài chính, ngân sách; Ủy ban quốc phòng và an ninh; Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban đối ngoại). Nhiệm vụ của các Ủy ban thường trực là nghiên cứu thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, pháp lệnh và các dự án khác, những báo cáo được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban. Cơ cấu của Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên, trong đó có một số thành viên hoạt động theo chế độ chuyên trách. Ngoài các Ủy ban thường trực, Quốc hội có thể thành lập các ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật, dự án nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác do UBTVQH trình Quốc hội hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội; hoặc để điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết. UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Ủy ban lâm thời theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội.
– Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. (Theo Điều 113 Luật Hiến pháp 2013) Hội đồng nhân dân các cấp đều có cơ cấu tổ chức gồm: Thường trực HĐND và các Ban của HĐND.
– Thường trực HĐND: là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Về tổ chức, Thường trực HĐND được tổ chức ở tất cả các cấp chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định khác nhau về tổ chức Thường trực HĐND giữa các cấp, giữa chính quyền ở nông thôn và đô thị.
– Các ban của HĐND: là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Các ban của HĐND có những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể tại Điều 109 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Về tổ chức các ban, các ban của HĐND được tổ chức phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính.
3. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân. Quốc hội là cơ quyền lực nhà nước cao nhất còn thể hiện ở chức năng của Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật. Bằng việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội quy định các vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất về hình thức và bản chất của Nhà nước; ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định các nội dung cơ bản về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc và về tổ chức bộ máy nhà nước. Bằng việc làm luật và sửa đổi luật, Quốc hội điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đó là những chủ trương lớn, những vấn đề quốc kế dân sinh, những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Không một cơ quan nào đứng trên Quốc hội trong xem xét, đánh giá việc thi hành Hiến pháp, luật – những văn bản mà chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành. Các cơ quan do Quốc hội thành lập và người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:
– Trước hết về cách thức thành lập, Quốc hội là cơ quan do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước, được Nhân dân tin tưởng uỷ thác quyền lực nhà nước, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước.
– Về cơ cấu tổ chức, đại biểu Quốc hội là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất cấu thành Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, đại diện cho các tầng lớp Nhân dân và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Quốc hội là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là biểu trưng sức mạnh trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam.
– Chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội được quy định toàn diện trên các lĩnh vực: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm phục vụ cho lợi ích chung của toàn thể Nhân dân. Có thể nói, 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam là 75 năm Quốc hội tận tâm cống hiến vì lợi ích quốc gia và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, hành động theo ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân
Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý nhà nước ở địa phương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước;
2. Tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân;
3. Liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình và chịu sự giám sát của cử tri; có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri;
4. Có trách nhiệm báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp Hội đồng nhân dân, phổ biến và giải thích các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng nhân dân thực hiện các Nghị quyết đó;
5. Có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu các khiếu nại, tố cáo của cử tri để kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết;
6. Có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp;
7. Có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
8. Có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách chung của Nhà nước và những vấn đề thuộc lợi ích chung;
9. Có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
5. So sánh cơ quan hành chính nhà nước với cơ quan quyền lực nhà nước
5.1 Giống nhau
Đều là cơ quan nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước, thay mặt nhà nước thực thi quyền lực nhà nước.
Mục đích cả hai cơ quan này hướng đến đều là nhằm bảo vệ lợi ích công, duy trì trật tự xã hội, bảo vệ những quy định do nhà nước lập ra.
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các cơ quan này đều có quyền ban hành ra các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản áp dụng pháp luật và giám sát thực hiện các văn bản mà mình ban hành.
Có quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết. Khi các cơ quan nhận thấy các quy tắc, quy định trong văn bản pháp luật hoặc nguyên tắc về quản lý nhà nước do mình thiết lập ra bị xâm hại thì các cơ quan này có quyền xử phạt, đưa ra các biện pháp chế tài hợp lý để xử lý các chủ thể có hành vi vi phạm.
5.2 Khác nhau
Nguồn gốc hình thành
Cơ quan quyền lực nhà nước do nhân dân trực tiếp bầu ra.
Cơ quan hành chính do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng bầu ra hoặc hình thành từ tuyển dụng
Đặc điểm
Cơ quan quyền lực nhà nước: cơ quan quyền lực nhà nước có hoạt động chính là lập pháp, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước thành lập từ trung ương đến địa phương do Quốc hội đứng đầu thực hiện ý chí nhân dân.
Cơ quan hành chính: có hoạt động chính là hành pháp, do chính phủ đứng đầu, thực hiện quyền lực nhà nước.
Vị trí pháp lý
Cơ quan quyền lực nhà nước có vị trí pháp lý cao hơn cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng lập ra vì thế cơ quan hành chính có vị trí pháp lý thấp hơn và phải chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước.
Cơ cấu tổ chức
Cơ quan quyền lực nhà nước bao gồm Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, hội đồng nhân dân – ở địa phương.
Cơ quan hành chính: bao gồm chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, bộ cơ quan ngang bộ có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương, ủy ban nhân dân – ở địa phương.
Chức năng chính
Cơ quan quyền lực nhà nước: ban hành văn bản quy phạm pháp luật đưa ra các vấn đề quan trọng của đất nước. Giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.
Cơ quan hành chính: quản lý hành chính nhà nước mọi mặt của đời sống xã hội, thực hiện các hoạt động được tiến hành trên cơ sở luật và để thi hành luật.
tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến
Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ
1900.6162
để được giải đáp thêm.
Công ty luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)