Cơ quan nhà nước là gì? Hệ thống của cơ quan nhà nước?
Cơ quan nhà nước là gì? Cơ quan nhà nước là một thuật ngữ quen thuộc mà chúng ta đã từng được nghe qua hoặc đọc được. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được cơ quan nhà nước là gì? Vai trò của cơ quan nhà nước ra sao. Bài viết sau sẽ làm rõ khái niệm cơ quan nhà nước là gì? Cơ quan nhà nước có đặc điểm gì và được phân loại ra sao? Cung Luật Hùng Sơn theo dõi bài viết để giải đáp vấn đề trên
Quảng cáo
Mục Lục
Cơ sở pháp lý
- Hiến pháp năm 2013;
- Luật tổ chức chính phủ năm 2015.
Cơ quan nhà nước là gì?
Cơ quan nhà nước là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước. Thông thường, kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước là quyết định có tính bắt buộc thi hành đối với những người có liên quan. Trường hợp quyết định không được thi hành, hoặc thi hành không đầy đủ, người có trách nhiệm thi hành sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhà nước, xã hội. Quyền lực của mỗi cơ quan Nhà nước tùy thuộc vào từng vị trí, chức năng của cơ quan đó trong hệ thống cơ quan nhà nước và được thể chế hóa thành các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong pháp luật. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước tùy thuộc vào từng tính chất, nhiệm vụ, chức năng của nó, nhưng đều sẽ theo những nguyên tắc chung, thống nhất.
Do đó, cơ quan nhà nước được định nghĩa như sau: “là một bộ phận (cơ quan) cấu thành bộ máy nhà nước (bao gồm cán bộ, công chức và những công cụ, phương tiện hoạt động…) có tính độc lập tương đối, có thẩm quyền và thành lập theo quy định của pháp luật, nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước”.
Đặc điểm của Cơ quan nhà nước ?
Cơ quan nhà nước sẽ có những đặc điểm sau:
Quảng cáo
- Cơ quan nhà nước là bộ phận cơ bản cấu thành nên nhà nước và đó là những bộ phận then chốt, thiết yếu của nhà nước.
- Mỗi cơ quan nhà nước gồm một số lượng nhất định người, có thể gồm một người (Nguyên thủ quốc gia ở nhiều nước) hoặc một nhóm người (Quốc hội, Chính phủ…).
- Cơ quan nhà nước được thành lập do nhà nước và nhân dân. Tùy thuộc các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, cơ chế tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước… mà chỉ nhà nước có thể thành lập mới, sáp nhập, chia tách hay xóa bỏ một cơ quan nào đó trong bộ máy nhà nước. Nhà nước có thể tổ chức các cuộc bầu cử nhân dân để bầu cử ra các cơ quan nhà nước mới, tức là tổ chức cho nhân dân được tham gia thành lập các cơ quan nhà nước. Ví dụ, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở nước ta.
- Tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước do pháp luật quy định. Pháp luật quy định cụ thể về vị trí, tính chất, vai trò, con đường hình thành, cơ cấu tổ chức, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động… của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
- Mỗi cơ quan nhà nước có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng được pháp luật quy định. Ví dụ, chức năng của Nghị viện (Quốc hội) là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước;… chức năng của Toà án là xét xử những vụ án.
- Mỗi cơ quan nhà nước sẽ được trao cho những quyền năng nhất định để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. Toàn bộ nhiệm vụ và quyền hạn mà một cơ quan nhà nước được thực hiện và phải thực hiện tạo sẽ nên thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó. Cơ quan nhà nước sẽ nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước, sử dụng những quyền năng nhất định để có thể thực hiện thẩm quyền của mình.
Những quyền năng mà cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện thẩm quyền của mình gồm có:
- Có quyền ban hành những quyết định nhất định dưới dạng quy tắc xử sự chung (ví dụ, luật của Quốc hội) hoặc quyết định cá biệt (ví dụ, bản án của Tòa án) là những quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan;
- Có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh những quyết định do nó hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền ban hành;
- Có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quyết định đó;
- Có quyền sử dụng các biện pháp cần thiết, trong đó có cả các biện pháp cưỡng chế nhà nước để bảo đảm thực hiện được các quyết định đó.
Hệ thống cơ quan nhà nước
Theo Hiến pháp năm 2013, trong nước ta có các loại cơ quan nhà nước sau:
- Các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương);
- Các cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm: Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Chính phủ; Các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;
- Các cơ quan xét xử (Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác do Luật định);
- Các cơ quan kiểm sát (Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát nhân dân địa phương).
- Chủ tịch nước là một chức vụ nhà nước, một cơ quan đặc biệt thể hiện sự thống nhất quyền lực, có những hoạt động thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nên sẽ không xếp vào bất kỳ một loại cơ quan nào.
Ngoài ra, Hiến pháp 2013 lần đầu tiên hiến định hai cơ quan là Hội đồng bầu cử Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập.
Trên đây là toàn bộ thông tin của công ty Luật Hùng Sơn về “Cơ quan nhà nước là gì?”. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng!
Vui lòng đánh giá!