Cơ quan nào có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính?

Đơn vị hành chính là một phần của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, được phân định nhằm phục vụ mục đích quản lý. Các đơn vị hành chính có mức độ tự chủ nhất định, hoạt động trong khuôn khổ chính quyền địa phương. Các quốc gia phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn để dễ bề quản lý đất đai và các vấn đề dân sinh. Một quốc gia có thể được phân làm các tỉnh, đến lượt các tỉnh lại được chia làm các khu tự quản. Ở Việt Nam, đơn vị hành chính được quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 như sau:

Điều 2. Đơn vị hành chính

Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

4. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.”

Vậy việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được quy định như thế nào?

1. Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là gì?

Địa giới hành chính là sự giới hạn về đất để phân chia các khu vực hành chính. Đơn giản hơn, ta có thể hiểu địa giới hành chính là đường ranh giới để phân chia các đơn vị hành chính.

Căn cứ tại Khoản 1, 2, Thông tư 48/2014/TT-BTNMT ngày 22/08/2014 của Bộ tài nguyên và Môi trường, đường địa giới hành chính là đường phân chia lãnh thổ các đơn vị hành chính theo phân cấp quản lý hành chính. Đường địa giới hành chính các cấp bao gồm: đường địa giới hành chính cấp tỉnh, đường địa giới hành chính cấp huyện và đường địa giới hành chính cấp xã.

Điều chỉnh địa giới hành chính là cụm từ thường được dùng chung cho việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính của cấp có thẩm quyền. Đây là việc làm thay đổi ranh giới về đất giữa các đơn vị hành chính.

2. Nguyên tắc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch 2017) quy định như sau:

Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;

– Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của từng địa phương;

– Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;

– Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Các tiêu chuẩn này được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

3. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

3.1. Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh:

Khoản 9 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

Điều 70

Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;”

Do đó, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh do Quốc hội quyết định.

3.2. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã:

Khoản 8 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

Điều 74

Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

8. Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;”

Do đó, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

3.3. Trình quyết định điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Khoản 4 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

Điều 96.

Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

4. Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;”

Do đó, Chính phủ có nhiệm vụ trình Quốc hội quyết định điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

4. Xây dựng đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Theo Điểm a Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, theo đó Bộ Nội vụ có nhiệm vụ thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các đề án về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ xây dựng đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc báo cáo Chính phủ.

Kinh phí xây dựng đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ.

5. Lấy ý kiến nhân dân địa phương về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương được quy định tại Khoản 2 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 như sau:

Điều 110.

2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.”

Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri trên địa bàn, số cử tri tham gia lấy ý kiến, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý, các ý kiến khác. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên; báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp tỉnh được gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

6. Thông qua đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Điều 132 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định như sau:

Sau khi lấy ý kiến cử tri về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, nếu có trên năm mươi phần trăm tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính có liên quan để lấy ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến của cử tri địa phương, dự thảo đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do cơ quan chịu trách nhiệm gửi đến, Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh có liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp huyện; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Bộ Nội vụ để tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền quyết định.

7. Thẩm tra đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

Khoản 3 Điều 70 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định Ủy ban pháp luật có nhiệm vụ thẩm tra đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc thẩm tra đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh phải được báo cáo Quốc hội, thẩm tra đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải được báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ thẩm tra gồm có:

– Tờ trình về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

– Đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

– Báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

– Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

– Dự thảo nghị quyết điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy định về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Luật Hoàng Anh