Cơ quan hành chính làm việc từ 8 giờ 30

Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8 giờ 30, được nêu trong dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi, đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Như Thanh Niên đã thông tin, trong dự thảo bộ luật Lao động (LĐ) sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất 2 phương án thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính. Phương án 1: bổ sung vào bộ luật LĐ quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”; thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 – 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án 2: giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong bộ luật LĐ, mà quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP do chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định).

Bộ máy hành chính nhà nước phải chạy thông suốt từ T.Ư đến địa phương, ít nhất là giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi

Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB-XH

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, hiện thời gian làm việc các cơ quan nhà nước thuộc T.Ư và địa phương không có sự thống nhất, mỗi nơi một giờ. Tại các cơ quan T.Ư, giờ làm việc bắt đầu lúc 8 – 12 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu giờ làm việc buổi sáng từ 7 giờ và nghỉ trưa lúc 11 giờ (mùa hè) hoặc 7 giờ 30 – 11 giờ 30 (mùa đông). Chiều từ 13 – 17 giờ hoặc từ 13 giờ 30 – 17 giờ 30. Ngay tại Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng khác nhau.

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, hiện thời gian làm việc các cơ quan nhà nước thuộc T.Ư và địa phương không có sự thống nhất, mỗi nơi một giờ. Tại các cơ quan T.Ư, giờ làm việc bắt đầu lúc 8 – 12 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu giờ làm việc buổi sáng từ 7 giờ và nghỉ trưa lúc 11 giờ (mùa hè) hoặc 7 giờ 30 – 11 giờ 30 (mùa đông). Chiều từ 13 – 17 giờ hoặc từ 13 giờ 30 – 17 giờ 30. Ngay tại Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng khác nhau.

Thay đổi để phù hợp với xu thế chung ?

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 30.4, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB-XH, thành viên Ban soạn thảo dự thảo bộ luật LĐ sửa đổi, nói: “Ở các quốc gia, giờ làm việc của cơ quan hành chính tùy thuộc vào điều kiện mỗi nước, nhưng đa số là thống nhất. Bộ máy hành chính nhà nước phải chạy thông suốt từ T.Ư đến địa phương, ít nhất là giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Đối tượng của cơ quan hành chính là người dân nên cần công khai giờ làm việc thống nhất để người dân và doanh nghiệp biết, không thể để mỗi nơi một giờ như hiện nay”.

Theo ông Thiện, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng cũng không nhiều (khoảng 2,8 triệu người – PV), nên việc quy định giờ thống nhất sẽ không gây tác động lớn. Các cơ quan khác vẫn có điều chỉnh linh hoạt, chẳng hạn: doanh nghiệp làm từ 8 giờ, nhà trường học lúc 7 giờ 30 hoặc 8 giờ. Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ T.Ư đến địa phương, phù hợp với các quốc gia.

Về việc nghỉ trưa chỉ còn 1 giờ, ông Thiện lý giải: “Giờ nghỉ trưa để bổ sung năng lượng cho cơ thể thông qua bữa ăn. Theo các lý thuyết về dinh dưỡng, sức khỏe, 60 phút là đủ cho giờ nghỉ ngơi. Trong đó, thời gian ăn trưa từ 30 – 45 phút, còn lại nghỉ là hợp lý. Hiện nay, các địa phương nghỉ trưa đến 1 giờ 30 phút hoặc 2 giờ, trong khi nhiều doanh nghiệp làm xuyên trưa. Sự thay đổi thói quen sẽ gây ra phản ứng của dư luận xã hội, nhưng quốc tế bây giờ người ta cũng thế, cái gì tốt, cái gì văn minh chúng ta nên học hỏi”.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết thêm: “Thực tiễn cho thấy, việc chênh lệch khung giờ làm việc ở các nơi gây ra sự bất tiện cho người dân trong giao dịch hành chính. Sắp tới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ họp và xử lý công việc trực tuyến, việc điều chỉnh giờ làm việc là một trong các giải pháp giải quyết các bất cập nêu trên”.

“Lấy giờ muộn ngoài Bắc vào trong Nam càng muộn nữa”

Giờ làm việc từ 8 giờ 30 là quá muộn. Vấn đề này để cho các cơ quan ở địa phương thống nhất, họ sẽ biết thời gian bắt đầu và kết thúc như thế nào cho phù hợp nhất

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu

Đề xuất thống nhất

Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước được xem là nội dung mới đưa vào dự thảo bộ luật LĐ sửa đổi. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho hay đây không phải là đề xuất mới. “Từ năm 1994, khi soạn thảo dự thảo bộ luật LĐ sửa đổi cũng đã đưa vấn đề này ra, với mong muốn có sự thống nhất giữa T.Ư và địa phương. Tuy nhiên, khi vào thực tế khó áp dụng bởi do địa lý VN trải dài, qua nhiều vĩ độ. Nếu lấy giờ miền Bắc thì vào trong nam không phù hợp, bởi lấy giờ muộn ngoài bắc vào trong nam càng muộn nữa. Chính vì vậy, lúc đó quyết định không đưa vào luật, giờ làm việc của T.Ư do T.Ư thống nhất, còn giờ địa phương do địa phương quyết định”, ông Huân chia sẻ.

Cho rằng đây là đề xuất không đáng để đưa vào luật, PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Lao động – Xã hội, thẳng thắn: “Giờ làm việc Bộ LĐ-TB-XH đã có quy định chung 8 tiếng/ngày. Bây giờ nhiều quốc gia người ta cho người LĐ tự chọn giờ làm việc linh hoạt, miễn sao anh làm đủ 8 tiếng, đảm bảo năng suất. Quy định này không nhất thiết và không nên đưa vào luật”. Bà Hương cũng lo ngại với kiểu làm việc của công chức VN, sáng “cắp ô đi, tối cắp ô về”, bây giờ quy định giờ đi làm muộn hơn, có thể xảy ra tình trạng ở các địa phương “chưa đi làm đã muốn về nghỉ”.

Đồng tình với ý kiến không nên đưa đề xuất này vào luật, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ LĐ Tổng liên đoàn LĐ VN, bày tỏ: “Đưa vào nội dung bộ luật LĐ là không cần thiết, bởi còn có những vấn đề quan trọng của người LĐ chúng ta còn chưa giải quyết được. Vấn đề này, nên để như hiện tại, không phải cái gì cũng đưa vào luật”.

Nên để địa phương tự quyết

Thừa nhận trong quá trình soạn thảo, khó khăn nhất là xác định thời gian bắt đầu và kết thúc giờ làm việc, ông Mai Đức Thiện cho hay: “Đúng là cũng có ý kiến cho rằng, ở miền Nam đi làm từ 8 giờ 30 thì nắng quá, còn miền núi phía bắc kết thúc giờ làm việc lúc 17 giờ 30 thì trời tối rồi. Tuy nhiên, đây chỉ là dự thảo đưa ra lấy ý kiến. Trong 60 ngày lấy ý kiến, ban soạn thảo sẽ tổng hợp để trình Quốc hội. Chỉ khi Quốc hội quyết định mới áp dụng trên thực tiễn”.

Từng sống và làm việc tại Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho hay tại Mỹ, giờ làm việc của cơ quan hành chính do các tiểu bang tự quyết định và không có giờ thống nhất. Các cơ quan hành chính bao giờ cũng làm việc sớm hơn so với các cơ quan khác. “Ở VN, mỗi địa phương có điều kiện sinh hoạt riêng. Những tỉnh ở vùng sâu vùng xa có xu hướng dậy sớm và về sớm. Còn ở TP, thời gian bắt đầu muộn có thể tránh được kẹt xe. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thống nhất giờ làm chung là không nên. Giờ làm việc từ 8 giờ 30 là quá muộn. Vấn đề này để cho các cơ quan ở địa phương thống nhất, họ sẽ biết thời gian bắt đầu và kết thúc như thế nào cho phù hợp nhất”.

Từng sống và làm việc tại Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho hay tại Mỹ, giờ làm việc của cơ quan hành chính do các tiểu bang tự quyết định và không có giờ thống nhất. Các cơ quan hành chính bao giờ cũng làm việc sớm hơn so với các cơ quan khác. “Ở VN, mỗi địa phương có điều kiện sinh hoạt riêng. Những tỉnh ở vùng sâu vùng xa có xu hướng dậy sớm và về sớm. Còn ở TP, thời gian bắt đầu muộn có thể tránh được kẹt xe. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thống nhất giờ làm chung là không nên. Giờ làm việc từ 8 giờ 30 là quá muộn. Vấn đề này để cho các cơ quan ở địa phương thống nhất, họ sẽ biết thời gian bắt đầu và kết thúc như thế nào cho phù hợp nhất”.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương còn cho rằng: “Riêng cơ quan tiếp dân phải bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, nếu để 8 giờ 30 là quá muộn, không hợp lý”.

TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học VN, phân tích: “Chúng ta muốn quy định có tính đồng đều nhưng thực tế thời tiết, ánh sáng, không khí, nhiệt độ… ở các vùng miền khác nhau. Trước đây, giờ Hà Nội và TP.HCM chênh nhau 1 tiếng, giờ làm từ 8 giờ 30 có thể hợp với Hà Nội nhưng các tỉnh phía nam lại không vì quá muộn. Ngay các địa phương đi làm 8 giờ 30 cũng là vô lý. Bây giờ người ta làm việc bằng mạng nhiều chứ không nhất thiết phải đến chầu chực ở cơ quan hành chính công, nên để địa phương tự điều tiết như hiện nay sẽ phù hợp hơn”.

Ý KIẾN

Cần lấy ý kiến người lao động

Việc điều chỉnh giờ làm việc của cơ quan hành chính mà Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, nếu góp phần giảm ùn tắc giao thông đối với những đô thị lớn như TP.HCM sẽ rất hay, nhưng việc điều chỉnh này cần phải lấy ý kiến của đối tượng bị tác động. Hiện ngành giáo dục bắt đầu học rất sớm, từ 7 giờ sáng; y tế có nơi khám từ 5 – 6 giờ sáng. Vậy việc điều chỉnh giờ làm có điều chỉnh giờ học của các cháu không. Theo tôi biết TP.HCM từng một vài lần đưa phương án điều chỉnh giờ làm ra bàn bạc, nhưng cuối cùng cũng phải áp dụng theo giờ làm cũ.

Cá nhân tôi cũng không ủng hộ giờ làm bắt đầu từ 8 giờ 30, vì như thế là quá muộn. Hiện tại đa phần phụ huynh cán bộ, công chức ở TP.HCM đưa con đi học trước 7 giờ sáng, sau đó lên cơ quan làm luôn. Còn nếu thời gian làm bắt đầu từ 8 giờ 30 như phương án mà Bộ đề xuất, sẽ khiến cán bộ, công chức “lãng phí” một khoảng thời gian vào buổi sáng, trong khi thời gian tan sở

17 giờ 30 phút lại quá muộn. Tôi nghĩ vào buổi sáng năng lượng làm việc của người LĐ nhiều hơn buổi chiều. Gần đến giờ tan sở, người LĐ bắt đầu có tâm lý uể oải rồi. Chưa kể thói quen người dân lên cơ quan nhà nước để làm thủ tục hành chính, giấy tờ cũng trước 4 – 5 giờ chiều.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM

Năng lượng làm việc buổi sáng tốt hơn

Phương án bắt đầu làm từ 8 giờ 30 và kết thúc vào 17 giờ 30 cần tính toán kỹ lưỡng, bởi lẽ điều kiện thời tiết ở miền Nam, nhất là TP.HCM khác các tỉnh miền Bắc, khi 5 – 6 giờ sáng là trời đã sáng trưng và việc vào nhiệm sở lúc 7 giờ 30 là phù hợp. Ngoài ra, năng lượng phục vụ, làm việc của cán bộ, công chức, người LĐ vào buổi sáng luôn nhiều và tốt hơn ở thời điểm buổi chiều.

Quan điểm riêng tôi nghĩ TP.HCM giữ nguyên thời giờ làm việc như bây giờ là phù hợp (buổi sáng từ 7 giờ 30 – 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 – 17 giờ). Một số ít cơ quan nhà nước do đặc thù có thể điều chỉnh thời gian làm việc cho phù hợp nhưng phải đảm bảo ngày làm đủ 8 giờ.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM

Gây thêm áp lực giao thông

Tôi có 2 con, cháu lớn học cấp 2, cháu nhỏ học mầm non. Giờ làm việc của cơ quan tôi vào buổi sáng từ 7 giờ 30 – 11 giờ 30, chiều từ 13 – 17 giờ. Mỗi sáng, tôi phải dậy từ khoảng hơn 6 giờ, chỉ đủ thời gian chở được một cháu đến lớp học, rồi đến cơ quan lúc khoảng 7 giờ 15 để kịp chuẩn bị làm việc; cháu còn lại thì phải nhờ người nhà đưa đi học, bởi nếu đưa cả 2 cháu đi học thì không kịp giờ làm buổi sáng. Buổi chiều, cháu mầm non tan học lúc 16 giờ, cháu cấp 2 là 16 giờ 30, tôi không thể kịp đón được cháu nào, phải nhờ người nhà đón về.

Nếu bây giờ bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30, cá nhân tôi thấy sẽ có thời gian hơn trong việc đưa con đi học, nhưng với điều kiện giờ học của con cũng phải trễ hơn gần với giờ làm việc. Còn giờ vào học vẫn như cũ thì không khéo anh em lại rề rà hẹn nhau cà phê, chạy lòng vòng càng thêm áp lực giao thông hơn nữa. Còn kết thúc giờ làm việc lúc 17 giờ hay 17 giờ 30, thì hầu như công chức có con đi học khó đón đúng giờ tan học ở các trường, nếu không “ăn gian” giờ hành chính.

Anh Ngô Thanh Tú (Q.2, TP.HCM)

Trung Hiếu – Đình Phú (ghi)