Cổ phiếu công nghệ Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 2002
Cổ phiếu công nghệ Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 2002
Dữ liệu giao dịch trong năm 2022 cho thấy sự thống trị của cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể đã kết thúc.
Các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ đang ở giữa chu kỳ giảm lớn nhất trong hơn một thập kỷ. Một số nhà đầu tư, bị ám ảnh bởi vụ vỡ bong bóng dot-com năm 2000, đang chuẩn bị cho những khoản lỗ lớn hơn phía trước.
Lĩnh vực công nghệ thông tin của S&P 500 đã giảm 20% trong năm 2022 tính đến hết thứ Tư, khởi đầu tồi tệ nhất kể từ năm 2002. Khoảng cách của nó với chỉ số S&P 500 chung (giảm 14%) là mức lớn nhất kể từ năm 2004. Sự sụt giảm này khiến các nhà đầu tư rút kỷ lục 7,6 tỷ USD khỏi các quỹ tập trung vào công nghệ tính đến hết tháng 4, theo dữ liệu của Morningstar Direct.
Trong nhiều năm, cổ phiếu của các công ty công nghệ đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng cao và phá kỷ lục. Sự hào hứng đối với những lĩnh vực từ điện toán đám mây đến phần mềm và mạng xã hội thúc đẩy đợt tăng mạnh mẽ các cổ phiếu công nghệ từ lớn đến nhỏ. Vài năm trở lại đây, chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi bắt đầu đại dịch Covid-19 thúc đẩy hơn nữa nhu cầu tài sản rủi ro của nhà đầu tư.
Năm nay, họ phải đối mặt với một môi trường hoàn toàn khác. Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ. Nhiều xu hướng phát triển mạnh trong 2 năm qua – bao gồm giao dịch quyền chọn, công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) và tiền mã hóa – đảo chiều. Trong nhóm S&P 500, chỉ có lĩnh vực năng lượng và tiện ích tăng điểm.
Một số nhà đầu tư cho rằng kỷ nguyên thống trị của công nghệ trên thị trường sắp kết thúc. Các nhà đầu tư giá trị – mua cổ phiếu rẻ dựa trên những chỉ số như thu nhập hoặc giá trị sổ sách – đang thắng thế sau sự trở lại của cổ phiếu các công ty như Exxon Mobil hay Coca Cola.
Chỉ số Giá trị S&P 500 đang vượt trội so với Chỉ số Tăng trưởng S&P 500 – bao gồm các công ty như Tesla, Nvidia và Meta Platforms – 17 điểm phần trăm, biên độ rộng nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, hơn 48 tỷ USD đã rời các quỹ theo dõi cổ phiếu tăng trưởng, theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, trong khi nhà đầu tư đã rót hơn 13 tỷ USD vào các quỹ theo dõi cổ phiếu giá trị.
Đối với nhiều nhà đầu tư, thị trường hiện nay có cảm giác giống như vụ vỡ bong bóng dot-com năm 2000, khi cơn sốt xoay quanh những công ty Internet sau đó phá sản khiến nhà đầu tư lớn nhỏ đều thua lỗ nặng. Khi bong bóng vỡ, Chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm gần 80% trong khoảng thời gian từ tháng 3/2000 đến tháng 10/2002.
Năm nay, một số cổ phiếu công nghệ đã ghi nhận những đợt giảm mạnh nhất từ trước đến nay, với hàng trăm tỷ USD giá trị thị trường bốc hơi – đôi khi chỉ trong vài giờ. Vào cuối tháng 5, cổ phiếu của Snap mất 43% trong một phiên – mức giảm theo tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay – và mất khoảng 16 tỷ USD giá trị thị trường. Sàn tiền mã hóa Coinbase Global mất hơn một nửa giá trị trong năm 2022.
Các công ty đầu ngành cũng không được tha thứ. Những cổ phiếu thuộc nhóm FAANG phổ biến – Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Amazon.com, Apple, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) – đều giảm tỷ lệ phần trăm 2 con số trong năm nay, cao hơn mức giảm của S&P 500.
Ngay cả sau khởi đầu thảm họa trong năm nay, cổ phiếu công nghệ vẫn chiếm mức gần kỷ lục 27% trong S&P 500, dao động gần mức cao nhất kể từ bong bóng dot-com, các chuyên gia của Bank of America viết vào ngày 27/5. Họ cảnh báo rằng còn quá sớm để mua vào cổ phiếu công nghệ.
Chu kỳ tăng lãi suất của Fed chỉ mới bắt đầu. Các nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Điều đó có nghĩa là lợi suất trái phiếu chính phủ có thể tiếp tục tăng, gây thêm áp lực lên các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng khác. Lợi suất tăng khiến dòng tiền trong tương lai của các công ty kém hấp dẫn hơn.
Nếu lãi suất tiếp tục tăng, “thị trường chứng khoán cũng sẽ phải giảm kha khá”, Ben Inker thuộc công ty quản lý tài sản GMO nói. “Nó thực sự phụ thuộc vào điểm đến của lãi suất”.