Cổ phiếu Hoàng Huy vì sao liên tục lao dốc về đáy?
Giá cổ phiếu lao dốc hơn 100% từ đỉnh
Nghịch lý hơn nữa là giá TCH lao đốc đúng thời điểm kết quả doanh thu, lợi nhuận của công ty này được công bố tăng trưởng đột biến. Điều gì đang xảy ra đối với tân binh của VN30 (30 cổ phiếu vốn hoá, thanh khoản cao nhất) này?
Trước hết, về tiểu sử, Công ty CP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH: HOSE) tiền thân là Công ty TNHH thương mại Hoàng Huy, được thành lập từ tháng 10 năm 1995. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh và lắp ráp xe máy, ô tô tải.
TCH bắt đầu có tên tuổi khi chuyển sang nhập khẩu xe đầu kéo Mỹ Navistar vào năm 2016. Cũng trong năm này, TCH bắt đầu tham gia thị trường bất động sản , tích lũy được quỹ đất thông qua các dự án tại Hà Nội, các dự án nhà ở xã hội và dự án BT mà công ty xây dựng, cải tạo các chung cư xuống cấp cho TP.Hải Phòng. TCH hiện đang sở hữu nhiều dự án lớn ở Hà Nội và Hải Phòng với tổng quỹ đất hàng chục héc ta.
Ngày 5.10.2016, TCH chào sàn HOSE với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tháng 7.2020 lọt vào rổ VN30. Sau gần 5 năm lên sàn, TCH trải qua khá nhiều thăng trầm. Thời điểm đầu tháng 2.2020, giá lập đỉnh lịch sử với hơn 44.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng cũng kể từ sau thời điểm đó, TCH lao dốc và hiện đang giao dịch ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu (giảm hơn 131%).
Giá cổ phiếu ngoài các yếu tố nội tại của doanh nghiệp còn do cung – cầu thị trường, cũng như tác động của chỉ số chung Vn-Index. Tuy nhiên, trong giai đoạn mà TCH sụt giảm thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại bùng nổ.
Tháng 7.2020, TCH lọt rổ VN30 , song đây cũng là mã hồi phục kém nhất so với các cổ phiếu khác. “Doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến nhưng giá cổ phiếu lại cứ cắm đầu đi xuống, loanh quanh ở mức đáy, trong khi toàn sàn chứng khoán bùng nổ, nhà nhà người người đều có lãi”, anh T.M.Đ – một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, cho biết.
Biểu đồ kỹ thuật cho thấy giá TCH liên tục lao dốc rồi đi ngang ở đáy
Ảnh chụp màn hình
Phía sau những con số lợi nhuận hoành tráng
Câu trả lời ở đây, bản chất con số doanh thu, lợi nhuận “khủng” chỉ phản ánh bề ngoài hào nhoáng, không phản ánh kết quả kinh doanh thực sự của TCH. Trước hết, nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ mới nhất của TCH (kỳ kế toán từ 1.4 đến 30.9.2020) có thể thấy số liệu rất “khủng”: doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 3.108 tỉ đồng (tăng hơn 300% so với cùng kỳ); lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 805 tỉ đồng (tăng tới gần 164%)… Với kết quả này, lẽ ra cổ phiếu của TCH đã phải có một giai đoạn tăng phi mã.
Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của TCH cho thấy, phần lớn tiền, tài sản thu về lại nằm ở vốn góp thêm, tài sản ngắn hạn chứ không phải bán hàng, cung cấp dịch vụ mà có. Cụ thể, tài sản ngắn hạn dưới 12 tháng cùng kỳ năm trước TCH chỉ có khoảng hơn 5.900 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, năm nay con số này tăng mạnh lên hơn 7.627 tỉ đồng. Tiền mặt tháng 9.2020 của TCH tăng lên gần 350 tỉ đồng (tháng 4 chỉ 275 tỉ đồng). Đặc biệt, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 1.317 tỉ đồng lên tới 3.558 tỉ đồng (2.217 tỉ đồng).
Hai số liệu đáng chú ý khác gồm hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Đây là 2 khoản cho thấy hoạt động của doanh nghiệp có thực sự hiệu quả, dòng tiền thực tế có thu về được hay không. Theo báo cáo, hàng tồn kho của TCH giảm từ mức 3.679 tỉ đồng xuống còn 2.077 tỉ đồng. Trong khi đó, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ 110 tỉ đồng lên hơn 1.215 tỉ đồng.
Nhìn kỹ hơn có thể thấy bức tranh ẩn phía sau con số này như sau: tiền đổ về lên tới 3.558 tỉ đồng chủ yếu do cổ đông bên ngoài góp vốn (hơn 2.000 tỉ đồng) chứ không phải do bán hàng thu tiền. Điều này lý giải vì sao kết quả doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận tăng mà giá cổ phiếu không tăng theo, thậm chí sụt giảm.
Ngoài ra, báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh cho thấy, lợi nhuận trước thuế của TCH đạt hơn 807 tỉ đồng (tăng 165% so với cùng kỳ). Nhưng nó đến từ hoạt động đầu tư hơn 171 tỉ đồng (cùng kỳ chỉ có hơn 72 tỉ đồng), lãi này thực tế chưa thu được đồng nào cả, chỉ là nghiệp vụ bút toán tiền.
Thứ hai, hàng tồn kho sụt giảm, khoản phải thu tăng lên, cho thấy TCH bán hàng ra nhưng chưa thu được tiền (con số này là hơn 982 tỉ đồng, cùng kỳ chỉ có hơn 9 tỉ đồng). Điều này lý giải vì sao dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TCH bị âm hơn 182 tỉ đồng. Vậy khoản tiền này đang nằm ở đâu? Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, các khoản phải thu của TCH hơn 1.215 tỉ đồng, trong đó số dư lớn nhất hiện nằm ở Sở Xây dựng Hải Phòng hơn 980 tỉ đồng.
Thực tế, theo quy luật, chỉ khi nào các khách hàng mua bất động sản, trả tiền thì giá cổ phiếu mới có thể tăng được. Song, với trường hợp của TCH, tiền về chưa chắc giá đã tăng. Vì TCH huy động từ vốn của cổ đông không kiểm soát. Các cổ đông này thực tế “bơm” tiền vào để tạo ra sản phẩm bất động sản, sau đó bán ra thu lãi.
Đáng nói, lợi ích cổ đông không kiểm soát luôn nghịch lý với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ TCH (là lợi nhuận thực tế mà cổ đông kiểm soát có lợi ích trong đó). Ngày 30.9, lợi nhuận sau thuế của TCH hơn 439 tỉ đồng nhưng lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ chỉ còn hơn 393 tỉ đồng (trừ đi 46 tỉ đồng của cổ đông không kiểm soát). Nếu lợi nhuận của cổ đông không kiểm soát tăng lên, lợi nhuận công ty mẹ sẽ sụt giảm, mà lợi nhuận công ty mẹ chính là của các cổ đông đã góp vốn, mua cổ phần của TCH.
Theo chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu, TCH hiện nay dù đã lên sàn nhưng vẫn chủ yếu hoạt động theo mô hình gia đình. Việc các cổ đông không kiểm soát góp vốn có thể khiến nhà đầu tư e ngại vì sự minh bạch và lợi ích thiểu số trong đó. Ngoài ra, dòng tiền âm, hàng tồn kho tăng trong khi con số kinh doanh tăng quá đột biến cũng gây lo ngại là công ty muốn làm đẹp số liệu chứ không phải từ thực chất kinh doanh. Điều đó phản ánh giá cổ phiếu liên tục lao dốc trong khi thị trường chứng khoán bùng nổ.
Công an điều tra vụ tai nạn tại Golden Land 275 Nguyễn Trãi
Liên quan đến dự án Golden Land 275 Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP thương mại Hưng Việt (Công ty Hưng Việt) thuộc Công ty CP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy làm chủ đầu tư, khoảng 18 giờ chiều 4.12, ông Nguyễn Anh Cường (53 tuổi, cư dân tòa B) đi từ thang máy tại tòa B ra, bước hụt chân, bị rơi từ tầng 2 xuống sàn dưới, với độ cao từ 5 – 6 m.
Ngay sau khi phát hiện vụ tai nạn, người dân đã gọi cấp cứu đưa nạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, gãy chân, tay, mất nhiều máu…
Công an Q.Thanh Xuân cho biết đang vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc. Theo đại diện Ban quản trị chung cư Golden Land 275 Nguyễn Trãi, chiếc thang này do chủ đầu tư lắp đặt thêm, không có trong thiết kế ban đầu, và chưa báo Ban quản trị chung cư.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội xác định, chủ đầu tư đã thi công sai giấy phép cải tạo công trình, tự ý “trổ” cửa thang máy ra tầng 2, khu vực nạn nhân rơi xuống.