Có nên chữa ho bằng mẹo dân gian? – VnExpress

Tôi ho nhiều ngày không khỏi, rất mệt mỏi, có nên dùng mẹo dân gian như ngậm chanh mật ong, nước gừng… để chữa? (Vân Anh, 36 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

Về bản chất, ho là phản ứng có lợi nhằm tống xuất đờm, nhầy và các dị vật cản trở đường thở ra khỏi cơ thể. Việc có nên cắt cơn ho hay không, giảm nhẹ cơn ho như thế nào cần căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trường hợp ho do hít phải tác nhân dị ứng (khói, bụi, nấm mốc, hạt gia vị…), hoặc do không may sặc phải dị vật như hạt trái cây, vỏ hạt, thì ho là phản ứng có lợi để tống dị vật ra khỏi đường thở. Người bệnh không nên cố nín ho, dùng thuốc ho hay viên ngậm để ngừng cơn ho, dị vật không thể thoát ra ngoài có thể rơi sâu hơn vào khí quản, phế quản, lúc này rất nguy hiểm và khó xử trí.

Trường hợp ho do các bệnh lý cấp tính như viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm… đa phần cơn ho không đáng ngại, dù đôi lúc gây tâm lý sốt ruột cho người bệnh. Các bệnh này thường gây tăng tiết chất đờm nhầy ở cổ họng, ho giúp đờm nhầy long ra và dễ khạc ra ngoài hơn, nhờ đó thông thoáng đường thở. Nếu cố gắng ngăn chặn cơn ho bằng thuốc có thể khiến đờm tích tụ ở cổ họng gây khó thở, nhiễm trùng nặng lan xuống phổi, thậm chí chuyển thành bệnh mạn tính. Do đó khi mắc các bệnh này, nếu trong ngưỡng vẫn chịu đựng được, người bệnh nên hạn chế dùng thuốc ho, viên ngậm.

Nếu ho nhiều gây mệt mỏi, mất ngủ, người bệnh có thể dùng các phương pháp giảm ho tự nhiên tại nhà như uống nước chanh mật ọng, trà gừng, súc họng nước muối… Đây là những phương pháp được chứng minh có thể làm dịu cơn ho, sát khuẩn nhẹ, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên lưu ý khi sử dụng chanh, gừng, mật ong cần pha loãng với nước, không uống quá đặc vì có thể gây tổn thương cho cổ họng và dạ dày; người có bệnh dạ dày trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, người ho chỉ uống nước hoặc súc họng với nước ở nhiệt độ ấm, không dùng nước lạnh.

Trường hợp cuối cùng, ho là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi, lao phổi… Lúc này, việc cố gắng cắt cơn ho bằng thuốc, viên ngậm hay các nguyên liệu tự nhiên không có ý nghĩa nhiều, thậm chí có thể làm lu mờ triệu chứng, gây khó khăn khi chẩn đoán và theo dõi bệnh. Cơn ho chỉ có thể dứt khi người bệnh được khám, điều trị theo phác đồ phù hợp, tuân thủ chỉ định dùng thuốc, tái khám để kiểm soát bệnh.

Trong trường hợp này, bạn đã ho kéo dài nhiều ngày, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để tìm đúng nguyên nhân gây cơn ho của mình và xử trí phù hợp. Ho kéo dài có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm và không thể tự khỏi với các thuốc biện pháp giảm ho thông thường. Song song, bạn cần chú ý hạn chế tiếp xúc các tác nhân làm nặng lên cơn ho như không khí lạnh, khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất…; giữ ấm mũi, miệng, cổ họng, ngực khi đi ra ngoài trời lạnh; đến những nơi đông người cần đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên.

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội