Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
ĐB Phạm Huyền Ngọc – Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Quang Vinh.
Chưa đủ năng lực kiểm soát dịch vụ đòi nợ
ĐB Phạm Huyền Ngọc – Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận – cho rằng, đòi nợ là một vấn đề khó trong giao dịch dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Bởi vì, nếu sản xuất, kinh doanh thuận lợi, sòng phẳng thì không phát sinh nợ. Chỉ khi sản xuất, kinh doanh thua lỗ, người nợ không có điều kiện và thiếu thiện ý trả nợ thì mới phát sinh nợ. Vì vậy, trong quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia phải tự thỏa thuận giải quyết, hoặc khiếu kiện để Tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thi hành án để giải quyết.
Đối với các vụ việc đã có quyết định bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án thừa phát lại là cơ quan có thẩm quyền thi hành. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104 năm 2007 của Chính phủ và Quốc hội ban hành Luật Đầu tư năm 2014 quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Qua quá trình thực hiện, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật, một số tổ chức, cá nhân đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như những quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội; do khó khăn trong việc đòi nợ nên những hành vi vi phạm phổ biến của dịch vụ đòi nợ là bên đòi nợ đã tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ để hình thành các tổ chức băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội.
Thực tế trong thời gian qua báo chí, dư luận xã hội phản ánh tình trạng xã hội đen núp bóng doanh nghiệp đòi nợ và doanh nghiệp sử dụng xã hội đen đe dọa xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đó là những hoạt động biến tướng của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng như việc một số đối tượng đòi nợ thuê có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người. Phổ biến là các hành vi đe dọa khủng bố đối với người thân, con cái, cha mẹ của các con nợ.
“Có thể nói việc quy định kinh doanh đòi nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thiếu những quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu điều kiện phải tuân thủ pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh tình trạng tín dụng đen trong những năm gần đây, vì cho vay và đòi nợ thuê đều là hoạt động không hợp pháp. Vấn đề là cách thức đòi nợ như thế nào, sử dụng ai để đòi nợ và lãi suất cho vay là bao nhiêu? Trong khi việc xử lý hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự Điều 201 còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc – từ thực tiễn công tác và ý kiến kiến nghị của cử tri, ông Ngọc phát biểu: Việc Chính phủ đề nghị chuyển ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là phù hợp. Ở đây không phải không quản được thì cấm mà vì ngành, nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội như vụ Quân “xa lộ” mấy ngày gần đây. Mới đây nhất là vào ngày 18/11 tại huyện Chư Pa, tỉnh Gia Lai do chồng vay nợ tín dụng đen bị liên tục đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng và rất nhiều vụ việc khác nhưng không có thời gian để dẫn chứng. Nếu Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đưa ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn và hạn chế được hoạt động tín dụng đen. Vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý”.
Đồng tình với việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng: Hiện dịch vụ này đang biến tướng và hại nhiều hơn lợi. Một điều quan trọng về pháp lý, đó là cứ nói là nợ nhưng trước hết có phải là nợ hay không? Những tranh chấp này ra Tòa án giải quyết còn phức tạp, trong khi một bên cứ nói là anh kia nợ tôi, tôi thuê người đến đòi thì có nhiều khoản ngay cả đưa ra tòa cũng chưa xác định được nợ hay không nợ? Do đó một bên thuê là bên kia cứ lấy tiền rồi đi đòi nợ và phát sinh ra rất nhiều hệ lụy. Phải tăng cường hoạt động để giúp cho hoạt động đòi nợ này đi vào nề nếp.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Vinh.
Quản chặt thay vì cấm
Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng mọi vấn đề đều xuất phát từ thực tiễn và cần quy định pháp luật để điều chỉnh chứ không nên theo tư duy không quản được thì cấm. Về vấn đề trên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này. Thay vào đó cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), không nên đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào ngành, nghề cấm kinh doanh vì đây cũng là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu cuộc sống của khách hàng. Thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm. Bởi nếu kiện ra Tòa, thời gian mất rất lâu, chi phí kiện tụng không phải là nhỏ, và nếu như những người đi vay bị xử đi tù thì điều quan trọng nhất là món nợ của họ cũng không đòi được. “Liệu việc quy định này có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra khi hàng loạt các công ty tài chính mọc lên với chức năng là cho vay nặng lãi và sau đó là đòi nợ diễn ra tương đối phổ biến hiện nay. Vấn đề là các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực côn đồ chứ không phải là quản lý không được rồi ngăn chặn và cấm” – bà Thơ cho hay.
Còn theo ĐB Lê Công Nhường (Bình Định), giải thích cho thấy quan điểm việc gì ta không quản được thì cấm, trong khi dịch vụ này là nhu cầu của các công ty trong nền kinh tế thị trường và phân công lao động. Cho dù có cấm ngành, nghề kinh doanh đòi nợ cũng chưa chắc đã hạn chế được các hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi. Thậm chí có khi tình trạng mất an ninh trật tự còn tăng lên vì khi cấm các đơn vị cho vay sẽ hạn chế cho vay để bảo toàn vốn và có khả năng đẩy người vay tiếp cận với các nguồn cho vay nặng lãi nhiều hơn. Báo cáo cũng nêu rõ hạn chế, đó là một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Như vậy, báo cáo tổng kết đã thừa nhận những hạn chế vừa qua xuất phát từ cơ chế, điều kiện và năng lực kiểm soát, đồng thời cũng không có đánh giá tác động về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Từ quan điểm trên, bà Thủy cho rằng, chưa có đủ cơ sở để cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, không thể vì quản không nổi mà cấm.