Cơ hội nào cho các đội châu Á khi nằm ở bảng “tử thần” World Cup 2022?
Thành tích cao nhất của bóng đá châu Á chính là việc Hàn Quốc giành vé vào bán kết World Cup 2002 ở giải đấu nhiều tranh cãi trên sân nhà. Nhật Bản năm đó cũng góp mặt ở vòng 1/8, khi họ là đồng chủ nhà cùng Hàn Quốc.
Những lần bóng đá châu Á vượt qua vòng bảng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Saudi Arabia làm nên lịch sử khi lọt vào vòng 1/8 World Cup 1994 trong lần đầu tiên tham dự. Nhật Bản, Hàn Quốc trong giai đoạn mạnh nhất của mình cũng vào đến vòng 1/8 World Cup 2010, nhưng đều thất bại trước Paraguay, Uruguay.
Nhật Bản là đội duy nhất châu Á vượt qua vòng bảng World Cup 2018, nhưng họ đã thua Bỉ 2-3 ở vòng 1/8 (Ảnh: AP).
Ở World Cup 2014, các đại diện châu Á đều bị loại ở vòng bảng. Ở World Cup 2018, Nhật Bản là đội duy nhất đi tiếp nhưng thua Bỉ 2-3 ở vòng 1/8. Ở giải đấu gần nhất tại nước Nga, Hàn Quốc thắng Đức, Iran hạ Morocco hay Saudi Arabia đánh bại Ai Cập, nhưng cả ba đội châu Á này đều không thể tiến vào vòng 16 đội mạnh nhất.
Tại World Cup 2022, thách thức cho các đại diện châu Á còn lớn hơn. Nhật Bản có lẽ là đội cảm thấy khó khăn nhất, khi họ nằm ở bảng E với hai cựu vô địch Đức, Tây Ban Nha. Đối thủ còn lại là đội thắng ở cặp play-off Costa Rica – New Zealand cũng không hề yếu hơn Nhật Bản.
Hàn Quốc nằm ở bảng H với hai đội bóng rất mạnh là Bồ Đào Nha và Uruguay, khi Son Heung Min có cơ hội chạm trán với những ngôi sao thần tượng như Cristiano Ronaldo hay Luis Suarez. Đối thủ còn lại là Ghana cũng thuộc nhóm hàng đầu châu Phi và sở hữu nhiều ngôi sao đẳng cấp.
Saudi Arabia chạm trán ứng cử viên vô địch Argentina ở bảng C. Hai đối thủ còn lại là Ba Lan và Mexico cũng rất mạnh, nhiều lần đánh bại các đối thủ châu Á ở sân chơi World Cup.
Hàn Quốc gây sốc khi hạ Đức 2-0 ở vòng bảng World Cup 2018, nhưng họ vẫn bị loại từ vòng bảng (Ảnh: AP).
Đội tuyển số một châu Á trên bảng xếp hạng FIFA, Iran cùng bảng B với Anh và Mỹ, vốn rất giàu kinh nghiệm ở sân chơi World Cup. Đối thủ còn lại ở bảng đấu mà một trong ba đội Xứ Wales/Scotland/Ukraine (đá play-off tháng 6) cũng đều ở đẳng cao so với châu Á.
So với các đại diện châu Á khác, Qatar có thể dễ thở hơn ở bảng A. Ngoài Hà Lan ở trình độ cao thì nếu tính toán kỹ từng trận đấu và tận dụng lợi thế chủ nhà, Qatar hoàn toàn có thể nghĩ kết quả khả quan khi đối đầu Senegal và Ecuador.
Nếu một trong hai đội Australia/UAE thắng Peru ở trận play-off vào tháng 6 tới, châu Á sẽ có đại diện thứ 6 ở World Cup 2022. Tuy nhiên, UAE hoặc Australia sẽ nằm ở bảng D rất mạnh, nơi có sự hiện diện của Pháp, Đan Mạch và Tunisia.
World Cup 2022 có 8 bảng đấu và hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé vào vòng 1/8. Giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới diễn ra từ 21/11 đến 18/12 năm nay trên 10 sân vận động tại Qatar.
Kết quả bốc thăm vòng bảng World Cup 2022 (Ảnh: FIFA).