Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lạc

Thứ Tư 18/07/2018 , 15:05 (GMT+7)

Mặc dù lạc là cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhưng việc SX đang rất yếu khâu cơ giới hóa, đặc biệt là thu hoạch vẫn dựa vào thủ công. Cơ giới hóa đồng bộ SX lạc là yêu cầu cấp thiết để hạ giá thành…

Ngán nhất khâu thu hoạch

Là hai huyện có nhiều diện tích chân đất vàn cao, đất pha cát, Ý Yên, Vụ Bản (Nam Định) là vùng SX lạc chủ lực của vùng ĐBSH. Ý Yên có gần 3.000 ha lạc, trình độ thâm canh lạc của nông dân đã được nâng lên rất cao. Tuy nhiên điểm hạn chế nhất đối với SX lạc là khâu gieo hạt, khâu thu hoạch, bứt củ vẫn phải thực hiện thủ công bằng tay, khiến giá thành đội lên cao.

16-28-59_img_9613 Mô hình cơ giới hóa đồng bộ SX lạc tại xã Yên Nhân (Ý Yên, Nam Định) vụ xuân 2018

Giữa đợt nắng nóng thiêu đốt ở miền Bắc, chúng tôi về vùng lạc trọng điểm xã Yên Nhân (Ý Yên) khi bà con tất bật thu hoạch. Mới 8h sáng nhưng đã nắng cháy da, nhà nào cũng che lều bạt giữa ruộng để nhổ lạc. Lạc nhổ xong phải rũ sạch đất, cầm từng nắm một nện xuống chiếc thùng răng bừa để tách củ. Những thửa ruộng bên cạnh, mương thủy lợi đã đổ nước chuẩn bị gieo cấy lúa mùa khiến nhà nào cũng phải cấp tập nhổ lạc, kẻo nước ập vào, lạc thối thì xem như công cốc!

Chị Mai Thị Nhàn ở thôn 1, xã Yên Nhân cho biết: Mùa thu hoạch lạc năm nay đúng đợt nắng nóng khủng khiếp nên phải nhổ lạc cả đêm. Trồng lạc cả vụ khá nhàn, lợi nhuận cao hơn nhiều so với lúa. Mỗi sào đầu tư tiền giống, công làm đất, lên luống, phân bón… chỉ trên dưới 1 triệu đồng, nhưng năng suất bình quân (đã phơi khô) khoảng 1,7 tạ/sào, giá 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng thu lãi 1,5 – 2 triệu đồng. Nhà nhiều có 5 – 6 sào lạc, mỗi vụ kiếm trên dưới chục triệu đồng là dễ.

Tuy nhiên, mỗi sào vừa nhổ, vừa đập củ phải mất 2 công. Thuê lao động ở địa phương 250 – 300 nghìn đồng/công. Những ngày nắng nóng phải nèo nỉ may ra họ mới làm. Nếu thuê người nhổ lạc thì tiền công nhổ, đập đã đi đứt 500 – 600 nghìn đồng/sào.
 

Cơ giới hóa “từ A đến Z”

Nắm bắt được khâu yếu nhất của SX lạc là khâu thu hoạch và gieo hạt, vụ xuân 2018, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với huyện Ý Yên (Nam Định) xây dựng và triển khai mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa SX 15ha lạc tại xã Yên Nhân.

16-28-59_img_9617 Ảnh: L.B

Nông dân xã Yên Nhân lần đầu tiên được chứng kiến các thiết bị như máy thu hoạch, máy tuốt củ. Đây là bộ thiết bị cơ giới hóa thu hoạch chuyên dụng cho cây lạc do một Cty trong nước nghiên cứu SX, được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông tập huấn, phối hợp chuyển giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Yên Nhân tổ chức vận hành.

Ông Trịnh Văn Mậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ý Yên đánh giá: Qua mô hình đưa máy thu hoạch lạc vào SX tại xã Yên Nhân, cho thấy chỉ trong vòng 20 – 30 phút, máy đã thu hoạch xong 1 sào; máy bứt củ có năng suất làm việc trung bình 1 tấn/giờ. Điều này không chỉ giúp nông dân rút ngắn được thời gian thu hoạch để chuyển sang gieo cấy lúa vụ mùa, mà còn giảm chi phí SX, giải quyết bài toán thiếu lao động.

Hiện tại, UBND huyện Ý Yên đang có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho HTX Yên Nhân để mua bộ thiết bị máy thu hoạch – bứt củ lạc, tiến tới chuyển giao cho HTX vận hành trong các vụ tới. Theo đó, HTX sẽ bao trọn gói “từ A đến Z” toàn bộ từ khâu làm đất, gieo hạt bằng công cụ gieo bán cơ giới, phủ ni-lon, thu hoạch – bứt củ lạc bằng máy. Tới vụ, nông dân chỉ việc đưa bao tải thu lạc về phơi sấy.

Theo tính toán, tổng chi phí dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ cho cây lạc mà nông dân phải trả cho HTX chỉ vào khoảng 450 – 500 nghìn đồng/sào/vụ, giảm từ 40 – 50% chi phí SX so với làm thủ công như thường lệ.

“Một số nông dân còn băn khoăn việc áp dụng quy trình cơ giới hóa SX lạc khiến diện tích hàng biên tăng, có thể năng suất giảm. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, việc áp dụng cơ giới, hàng biên thưa không làm giảm năng suất, thậm chí còn tăng 10 – 15% so với thông thường. Vì vậy đây là phương án sẽ được huyện đẩy mạnh trong SX lạc trong thời gian tới”, ông Trịnh Văn Mậu nhận xét.