Cô giáo xứ Đài mặc quần sooc đi dạy gây nhiều tranh luận
Cô giáo cấp 3 ở Đài Trung gây bão trên mạng xã hội với bộ trang phục đi dạy như đi chơi
Cách đây vài ngày, mạng xã hội “bùng nổ” nhiều bình luận chỉ trích sau khi một loạt ảnh đăng tải về cô giáo cấp 3 ở Đài Trung diện trang phục “không chuẩn mực” trong môi trường sư phạm. Cụ thể, nữ giáo viên mặc chiếc quần sooc ngắn hết cỡ, kết hợp áo sơ mi trắng và jacket đen bên ngoài ton sur ton cùng đôi boots da, trong khi cô đang giảng dạy trên lớp.
Được biết, cô giáo tên là Xie Xueer, năm nay 26 tuổi. Trước khi về giảng dạy ở một trường cấp 3 khá nổi tiếng tại đây, cô đã tốt nghiệp trường Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Trung. Bên cạnh công việc dạy học, cô còn được nhiều người biết đến là một ảo thuật gia đường phố.
Không ít người bày tỏ sự xuýt xoa trước nhan sắc xinh đẹp cùng vóc dáng mĩ miều của Xie Xueer: “Trốn học sẽ không bao giờ xuất hiện trong từ điển của tôi, nếu cô ấy là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi”, “Làm sao tôi có thể tập trung học được đây khi mọi ánh nhìn của tôi đều đổ dồn vào chiếc quần ấy”, “Bây giờ tôi đã bắt đầu cảm thấy hối hận vì ngày xưa tôi học toán không được giỏi lắm”, “Nếu ngày xưa cô ấy dạy tôi, chắc hẳn điểm toán của tôi đã cao hơn nhiều”,…
Xie Xueer hiện đang giảng dạy môn Toán ở một trường cấp 3 có tiếng tại Đài Trung.
Trái lại, rất nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự phản đối quyết liệt trước cách ăn mặc quá “gợi cảm” của cô gái này vì nó hoàn toàn không phù hợp trong môi trường sư phạm. Bên cạnh đó, họ còn đề nghị hiệu trưởng phải khắt khe hơn trong các quy định về phục trang của các cô giáo khi đến trường, bởi vì con của họ đều là trẻ vị thành niên, rất có thể cách ăn mặc của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến sự tiếp thu kiến thức của chúng.
Ngoài giảng dạy, cô giáo này còn được biết đến là nhà ảo thuật đường phố.
Trang phục của giáo viên trở thành vấn đề “nổi cộm” trên mạng xã hội
Cách ăn mặc thuộc một trong những quy tắc ứng xử của mỗi giáo viên trong môi trường sư phạm. Ngày nay, trên mạng xã hội bùng nổ rất nhiều những ý kiến trái chiều về trang phục lên lớp của giáo viên. Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục ở điều 4, mục 5 là nhà giáo không sử dụng trang phục gây phản cảm khi đến trường.
Nhiều trường trên địa bàn Hà Nội yêu cầu giáo viên phải mặc áo dài khi đi dạy.
Được biết, không chỉ ở riêng Việt Nam mà rất nhiều trường trên thế giới có quy định về việc này. Tại Anh, không ít trường có quy định rằng giáo viên bắt buộc phải mặc “quần tây, áo sơ mi cổ bẻ, các cô giáo không được mặc áo bó quá sát người, vải quá mỏng, không mặc váy ngắn trên đầu gối khi tham gia các hoạt động giáo dục của học sinh, giày hoặc dép phải có quai hậu”.
Ở Đức, hầu hết các cô giáo không cần mặc đồng phục nhưng phải chỉn chu và không quá nổi bật khi lên bục giảng.
Đa số ở các nước phương Tây, giáo viên thường chọn những bộ trang phục gọn gàng, màu sắc trung tính để tránh khiến cho học sinh mất tập trung bởi màu sắc trên quần áo của cô giáo.
Tại Anh, các giáo viên tiểu học buộc phải mặc áo có cổ khi lên lớp.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều trường vẫn chưa có sự đồng nhất về trang phục của giáo viên. Mặc dù không vi phạm về quy tắc ứng xử nhưng thi thoảng các cô giáo vô tình mặc những chiếc váy ngắn trên đầu gối, khi ngồi xuống thì bị co lên. Nếu như hình ảnh này bị truyền lên các trang mạng xã hội cũng sẽ bị phê phán gay gắt và cho là chưa phù hợp với môi trường sư phạm.
Ăn mặc có chỉn chu, có chừng mực
Tại trường THPT 101 Bắc Kinh, Trung Quốc, nhiều phụ huynh cho biết, con cái của họ thường đi học từ thứ 2 đến thứ 7, chính vì thế thời gian chúng tiếp xúc với giáo viên nhiều hơn bố mẹ. Nên cách ăn mặc cũng như tác phong của các thầy giáo, cô giáo vô hình chung sẽ làm ảnh hưởng đến tụi trẻ.
Hiệu trưởng của trường, ông Lục Vân Tuyền chia sẻ: “Thật ra vẫn có một số cô giáo “điệu đà” thường trang điểm, xịt nước hoa, sơn móng tay, móng chân khi lên lớp. Đối với phụ nữ, làm đẹp là hết sức bình thường. Nhưng trong nội quy của trường có quy định học sinh không được làm những điều đó. Nên nhiều phụ huynh coi đây là sự không đồng nhất giữa học sinh và giáo viên, buộc giáo viên phải thay đổi.
Về việc sử dụng nước hoa thì trường chúng tôi cũng không cấm nhưng các cô giáo nên lưu ý lựa chọn những mùi hương dịu nhẹ, tránh khiến cho học sinh có cảm giác “khó thở” vì cô quá “thơm”, đặc biệt làm các học sinh nam dễ bị phân tâm.
Ngoài ra, do nhiều em nữ đang ở độ tuổi vị thành niên, nếu thấy cô giáo của mình trang điểm đậm, thậm chí có thể về xin tiền cha mẹ để mua mỹ phẩm. Sẽ thế nào khi lớp học bị biến thành sàn diễn thời trang bất đắc dĩ nếu cả cô và trò đều chưng diện?
Không chỉ thế, việc các giáo viên nữ mặc quá đẹp, quá gợi cảm khi lên lớp sẽ gây ra khoảng cách giữa cô và trò. Mục tiêu của trường chúng tôi là khi giáo viên đưa ra câu hỏi thảo luận, tất cả học sinh trong lớp đều có thể trả lời và trao đổi trực tiếp với giáo viên mà không ngại về vấn đề khoảng cách”, ông cho biết thêm.