Cô gái gây tranh cãi dữ dội vì làm clip TikTok dạy học sinh gian lận
Làm video gợi ý thủ thuật gian lận khi học online
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh, sinh viên chuyển sang hình thức học trực tuyến qua phần mềm ứng dụng như Zoom, Teams…
Nắm được “điểm yếu” của một bộ phận học sinh, sinh viên khi học online như: ngủ quên trong giờ học, giáo viên gọi không có mặt; lười thi vấn đáp online… nữ TikToker H.P.N đã làm nhiều video với nội dung gợi ý các thủ thuật giúp học sinh, sinh viên lách luật, gian lận trong học tập.
Nữ TikToker này đưa ra các bước truy cập trang web, sao chép nội dung để khi thi vấn đáp vẫn có thể vừa xem tài liệu, vừa trả lời trôi chảy mà không bị giáo viên “để ý”.
Đáng nói, video với nội dung hướng dẫn gian lận khi thi vấn đáp online đã thu hút 3,1 triệu lượt xem và hơn 3.000 lượt bình luận, tương tác của nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên.
Với một video khác có nội dung “Hack đáp án bài tập online chính xác 100%”, nữ TikToker H.P.N đưa ra các bước sử dụng công nghệ cơ bản giúp tìm ra đáp án chính xác, nhanh chóng cho bài tập khi học online. Với gần 1 triệu lượt xem, nội dung này được khá nhiều bạn học sinh “tâm đắc” qua một số bình luận như: “Sao chị không làm video này sớm hơn”, “Theo dõi chị liền”…
Bên cạnh đó, nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh bình luận chỉ trích TikToker này là “vẽ đường cho hươu chạy” sai hướng, thậm chí có ý kiến cho rằng cô gái này đang góp phần “làm hỏng cả một thế hệ”…
Tài khoản TikTok của H.P.N nhận được nhiều lượt theo dõi và yêu thích của các bạn trẻ là học sinh, sinh viên.
Nhiều nội dung của H.P.N dạy cho học sinh, sinh viên gian lận thu hút hàng triệu người xem.
Theo dõi những video trên tài khoản của H.P.N, người dùng dễ nhận ra đây là một cô gái có hiểu biết về công nghệ thông tin và thành thạo các ứng dụng, trang web điện tử.
Nếu chỉ dừng lại ở nội dung chia sẻ các mẹo sử dụng công nghệ, nữ TikToker này đã không gặp phải nhiều ý kiến chỉ trích và tranh cãi. Tuy nhiên, cô có hàng loạt video khác giúp học sinh, sinh viên gian lận như: cách copy tài liệu trên mạng làm tiểu luận mà không bị lặp lại; cách kéo dài số trang tiểu luận…
Sau khi nhận phải nhiều ý kiến trái chiều, nữ TikToker này đã đăng tải video kèm lời giải thích: “Mình làm clip với nội dung này chỉ với mục đích: Giảm tải bài tập và bài kiểm tra cho các bạn học sinh, sinh viên ở những môn phụ và không đúng chuyên ngành. Nhưng khi nhận được ý kiến trái chiều như vậy, mình cảm thấy rất buồn nên có thể mình sẽ tạm dừng nội dung như vậy tại đây”.
Có nên áp dụng các mẹo “tào lao” với giảng viên?
Trước những video gây tranh cãi của TikToker H.P.N nói trên, Tiến sĩ Chu Đức Hà – giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Bản thân tôi đã từng là sinh viên của ba trường đại học và nay vẫn đang theo học tại một trường đại học thứ tư. Tôi hiểu ngồi trước màn hình thời gian dài mà để hấp thụ khối lượng kiến thức của một môn học là một sự quá tải. Vì vậy, hiển nhiên sinh viên, đâu đó sẽ có nhiều chiêu trò để “lách luật”, tránh sự giám sát trong quá trình học tập và thi cử.
H.P.N. chỉ cách qua mặt giáo viên để ngủ ngon lành trong lớp học online.
Chúng tôi – những người giảng viên, luôn cố gắng tạo điều kiện hết mức trên tinh thần “thương” các em, cùng nhau chia sẻ và tháo gỡ khó khăn về học tập và thi cử trong bối cảnh Covid-19. Với cách nhìn cầu thị như vậy, tại sao chúng tôi phải nghi ngờ những sinh viên của mình? Tất nhiên, cũng xin nhắc với các bạn sinh viên rằng, bản thân tôi đã từng là sinh viên của không chỉ 1 mà là 3 trường đại học, tôi thừa biết các bạn làm gì”.
“Nội dung của bạn nữ trên đăng tải ở một ứng dụng giải trí, vì vậy, hãy cứ coi như đó là vì mục đích giải trí. Xét một góc độ nào đó, tôi cũng thấy rằng, học sinh, sinh viên bây giờ cũng rất sáng tạo để tìm ra những cách luồn lách khi học và thi online.
Tuy nhiên, những nội dung như vậy là không nên và cũng một phần gây ảnh hưởng không tích cực đến các em học sinh và sinh viên. Như tôi đã nói, học tập và thi cử online quả thật ‘cực chẳng đã’ trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay. Phương pháp này vừa là thiệt thòi rất lớn cho các bạn học sinh, sinh viên khi không được đến lớp, vừa gây khó khăn cho công tác giảng dạy của chúng tôi. Vì vậy, những hiện tượng thế này ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần học tập và thi cử của những bạn khác trong lớp”, Tiến sĩ Chu Đức Hà nói.
Tiến sĩ Chu Đức Hà chia sẻ thêm, ở cấp độ đại học, hầu hết giảng viên luôn xây dựng bài giảng theo dạng câu hỏi mở. Vì vậy, sinh viên cũng có thể một phần thoải mái hơn trong thi cử.
“Điều tôi luôn nhấn mạnh với các sinh viên, hãy cố gắng học trên tinh thần cầu thị, cố gắng học để đọng lại một chút kiến thức sau khi thi, ít nhất sau này không bị sếp mắng và đồng nghiệp không xem thường.
Tôi nghĩ rằng, đã là sinh viên đại học thì các bạn thừa tỉnh táo để hiểu chỗ nào là đúng, chỗ nào chưa. Các bạn có thể thử những mẹo “tào lao” đó với chúng tôi nhưng không thể áp dụng nó cho sếp của bạn được”, giảng viên Chu Đức Hà nói.
Không đồng tình với những video có nội dung hướng dẫn cách “lách luật” thi cử trên, bạn Lê Thu Hiền (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình hay lướt TikTok và cũng có xem các video của bạn H.P.N nói trên, mình nhận thấy những “chiêu trò” này rất dễ thu hút các bạn trẻ. Mình không áp dụng và mọi người cũng không nên áp dụng các “mẹo” này vào trong quá trình học vì nó làm cho người dùng bị lệ thuộc và trở nên lười học hơn.
Tuy nhiên, kênh TikTok của bạn nữ trên cũng có những video hữu ích giúp sinh viên tìm kiếm thông tin, kiến thức bổ trợ cho việc học dễ dàng thì nên áp dụng”.