Cơ chế tự chủ tài chính cơ quan hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015) – Kiến thức quản lý tài chính
Kiến thức quản lý tài chính
11 Tháng Chín 2015 2:00:00 CH
Cơ chế tự chủ tài chính cơ quan hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)
PHÒNG TÀI CHÍNH – KẾ HOẠCH QUẬN 8
HƯỚNG DẪN
Cơ chế tự chủ tài chính cơ quan hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP
(Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)
___________________________
1. Mục tiêu thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính
– Tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính một cách hợp lý nhất để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
– Thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng lao động, kinh phí quản lý hành chính.
– Nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí quản lý hành chính, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
– Thực hiện quyền tự chủ đồng thời gắn với trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan và cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Nguyên tắc thực hiện
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
– Không tăng kinh phí quản lý hành chính được giao, trừ trường hợp điều chỉnh biên chế công chức và nhà nước thay đổi chính sách tiền lương, thay đổi định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh tỷ lệ phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quản lý hành chính.
– Quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.
3. Nội dung chi của kinh phí tự chủ
a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.
b) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi phí thuê mướn, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc.
c) Chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam.
d) Các khoản chi đặc thù phát sinh thường xuyên hàng năm theo chức năng, nhiệm vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phân bổ giao dự toán thực hiện.
đ) Chi mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định (ngoài kinh phí sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định: mua xe ô tô phục vụ công tác, sửa chữa lớn trụ sở, mua sắm tài sản cố định có giá trị lớn mà kinh phí thường xuyên không đáp ứng được và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo kế hoạch, kinh phí thực hiện đề án cấp trang thiết bị và phương tiện làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh quy định mua sắm từ 5 triệu đồng/tài sản trở xuống, sửa chữa có giá trị dưới 30 triệu đồng đối với ô tô, máy móc thiết bị và dưới 50 triệu đồng đối với trụ sở làm việc thuộc kinh phí tự chủ.
e) Các khoản chi phục vụ cho công tác thu phí và lệ phí theo quy định.
g) Các khoản chi có tính chất thường xuyên khác.
4. Sử dụng kinh phí được giao để thực hiện chế độ tự chủ
Căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao, trong phạm vi kinh phí được giao tự chủ, thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có quyền hạn và trách nhiệm:
a) Được quyết định bố trí số kinh phí được giao vào các mục chi cho phù hợp, được quyền điều chỉnh giữa các mục chi nếu xét thấy cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm và có hiệu quả.
b) Được quyết định mức chi cho từng nội dung công việc phù hợp với đặc thù của cơ quan nhưng không được vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (trong trường hợp quy định khung mức chi thì không được vượt quá mức chi cụ thể do Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định). Trường hợp các hoạt động đặc thù chưa được quy định tại các văn bản pháp luật thì thủ trưởng cơ quan được vận dụng quyết định mức chi tương ứng với các công việc của các lĩnh vực tương tự đã quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng không được vượt quá định mức chi đã quy định và phải được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ hoặc phải được thủ trưởng cơ quan quyết định bằng văn bản trong trường hợp chưa được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ.
Trường hợp có số chi vượt quá mức quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không vượt quá mức chi do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì Kho bạc Nhà nước chỉ chấp nhận cho thanh toán khi có văn bản đề nghị của thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ.
c) Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định giao khoán toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên cho từng bộ phận để chủ động thực hiện nhiệm vụ. Việc quản lý và sử dụng kinh phí khoán bảo đảm đúng quy trình kiểm soát chi và chứng từ, hóa đơn theo quy định của pháp luật, trừ một số khoản chi thực hiện khoán không cần hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, gồm:
– Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Thanh toán khoán theo định mức phân bổ kinh phí xây dựng văn bản tính trên văn bản hoàn thành.
– Chi công tác phí: Thanh toán theo mức khoán tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ, phương tiện đi lại.
– Chi tiền điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với các chức danh lãnh đạo: Thực hiện thanh toán cho các chức danh lãnh đạo theo quy định của trung ương và thành phố theo mức khoán quy định.
– Chi văn phòng phẩm: Đơn vị căn cứ vào mức kinh phí thực hiện của năm trước liền kề, xây dựng mức khoán kinh phí văn phòng phẩm (bút, giấy, sổ, bìa tài liệu…) theo từng bộ phận, theo từng cá nhân, theo tháng, quý hoặc năm để thực hiện khoán.
d) Được quyết định sử dụng toàn bộ kinh phí tiết kiệm được theo quy định.
đ) Được chuyển kinh phí giao tự chủ cuối năm chưa sử dụng hết sang năm sau tiếp tục sử dụng (đối với các trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện) và phải chi tiết theo từng nhiệm vụ tiếp tục thực hiện vào năm sau.
e) Sử dụng các khoản phí, lệ phí được để lại theo đúng nội dung chi, không được vượt quá mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định tại văn bản hướng dẫn sử dụng phí, lệ phí được để lại. Đối với những mức chi chưa có quy định nhưng cần thiết để phục vụ công việc thì thủ trưởng cơ quan được vận dụng các mức chi tương ứng với các công việc tương tự đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan.
g) Đối với các khoản thu khác (ngoài thu phí, lệ phí được để lại): Cơ quan sử dụng các khoản thu khác theo đúng nội dung chi, mức chi không vượt quá mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định tại văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn thu đó. Trường hợp mức chi chưa có quy định nhưng cần thiết để phục vụ công việc thì thủ trưởng cơ quan được vận dụng các mức chi tương ứng với các công việc tương tự đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và phải được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, hoặc phải được thủ trưởng cơ quan quyết định bằng văn bản trong trường hợp chưa được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ.
5. Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý sử dụng tài sản công
– Các cơ quan có trách nhiệm xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý sử dụng tài sản công sau khi có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn cơ quan và phải được công khai trong toàn cơ quan, gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo quy định, Phòng Tài chính – Kế hoạch để theo dõi, giám sát.
– Thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ quan phải bảo đảm có chứng từ, hoá đơn theo quy định, trừ một số khoản chi thực hiện khoán không cần hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính nêu trên.
– Lưu ý các văn bản được viện dẫn trong quy chế phải còn hiệu lực.
6. Sử dụng kinh phí tiết kiệm được từ kinh phí tự chủ
a) Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm.
– Các hoạt động nghiệp vụ đặc thù; kinh phí mua sắm, sửa chữa thường xuyên giao thực hiện chế độ tự chủ, đã thực hiện xong đầy đủ nhiệm vụ, khối lượng theo dự toán được duyệt, đảm bảo chất lượng thì kinh phí chưa sử dụng hết là khoản kinh phí tiết kiệm.
– Các hoạt động nghiệp vụ đặc thù; kinh phí mua sắm, sửa chữa thường xuyên đã giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ nếu không thực hiện nhiệm vụ đã giao, không thực hiện đầy đủ số lượng, khối lượng công việc, hoặc thực hiện không đảm bảo chất lượng thì không được xác định là kinh phí tiết kiệm và phải nộp trả ngân sách nhà nước phần kinh phí không thực hiện; trường hợp nếu được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện (bao gồm cả trường hợp công việc đang thực hiện dở dang) thì được chuyển số dư kinh phí sang năm sau để tiếp tục thực hiện công việc đó và được phân bổ vào kinh phí giao tự chủ của năm sau; đối với công việc đã thực hiện một phần thì được quyết toán phần kinh phí đã triển khai theo quy định.
b) Kinh phí tiết kiệm được sử dụng cho các nội dung sau:
– Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động.
– Chi khen thưởng: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công việc và thành tích đóng góp ngoài chế độ khen thưởng theo quy định hiện hành của Luật Thi đua khen thưởng.
– Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể: Hỗ trợ các hoạt động đoàn thể; hỗ trợ các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm (kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thương binh liệt sỹ, ngày quân đội nhân dân…), trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất; trợ cấp ăn trưa, chi đồng phục cho cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan; trợ cấp hiếu, hỷ, thăm hỏi ốm đau; trợ cấp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; hỗ trợ cho cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế; chi khám sức khỏe định kỳ, thuốc y tế trong cơ quan; chi xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi.
– Trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức: Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
c) Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan sau khi đã thống nhất ý kiến bằng văn bản với tổ chức công đoàn cơ quan.
7. Chi thu nhập tăng thêm
– Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định (tính trên số biên chế được giao và số lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt) để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động.
Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc). Người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn; không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Mức chi trả cụ thể do thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan.
8. Về tạm chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi và chi khen thưởng
Trong năm, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được tạm ứng từ dự toán đã giao thực hiện chế độ tự chủ để chi thu nhập tăng thêm, chi cho các hoạt động khen thưởng, phúc lợi.
Mức tạm chi:
– Để động viên cán bộ, công chức và người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; căn cứ tình hình thực hiện của quý trước, nếu xét thấy cơ quan có khả năng tiết kiệm được kinh phí; thủ trưởng cơ quan căn cứ vào số kinh phí có thể tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan theo quý. Mức tạm chi hàng quý tối đa không quá 60% quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định trong một quý của cơ quan.
– Trong năm, thủ trưởng cơ quan căn cứ vào số kinh phí có khả năng tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân và hạch toán theo dõi khoản tạm chi.
Kết thúc năm, trước ngày 31/01 năm sau, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải lập báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan mình gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, trong đó cần báo cáo đánh giá rõ các nội dung đã giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ theo nội dung:
– Nhiệm vụ đặc thù; kinh phí mua sắm, sửa chữa thường xuyên đã thực hiện (dự toán giao; khối lượng, số lượng; chất lượng công việc thực hiện).
– Nhiệm vụ đặc thù; kinh phí mua sắm, sửa chữa thường xuyên đã giao dự toán nhưng không thực hiện.
Trên cơ sở báo cáo nêu trên cơ quan thực hiện chế độ tự chủ tự xác định số kinh phí tiết kiệm được của năm trước gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định. Trên cơ sở văn bản đề nghị của cơ quan, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán thu nhập tăng thêm cho cơ quan thực hiện chế độ tự chủ (bao gồm cả thanh toán số đã tạm chi và thanh toán trực tiếp) bảo đảm không vượt quá mức tối đa quy định; quyết toán số tạm chi đối với các hoạt động phúc lợi, khen thưởng.
Khi quyết toán của cơ quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn, cơ quan được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm hoặc chi các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng theo chế độ quy định. Trường hợp số kinh phí tiết kiệm thấp hơn số cơ quan thực hiện chế độ tự chủ xác định, căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của cơ quan thực hiện chế độ tự chủ, thì Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách trừ vào kinh phí tiết kiệm năm tiếp theo của cơ quan.
9. Nội dung chi của kinh phí không tự chủ
– Chi sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định, gồm: Kinh phí mua xe ô tô phục vụ công tác; kinh phí sửa chữa lớn trụ sở, mua sắm tài sản cố định có giá trị lớn mà kinh phí thường xuyên không đáp ứng được và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo kế hoạch; kinh phí thực hiện đề án cấp trang thiết bị và phương tiện làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
– Chi đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế, vốn đối ứng các dự án theo hiệp định (nếu có).
– Chi thực hiện các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao: Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao sau thời điểm cơ quan đã được giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ; kinh phí bố trí để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù (như: Kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng, phụ cấp cho tổ chức, cá nhân ngoài cơ quan đã có chế độ của Nhà nước quy định); kinh phí tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế được bố trí kinh phí riêng; kinh phí thực hiện các Đề án, Chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Chi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù đến thời điểm lập dự toán chưa xác định được khối lượng công việc, chưa có tiêu chuẩn, chế độ định mức quy định của cơ quan có thẩm quyền.
– Kinh phí thực hiện tinh giản biên chế.
– Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
– Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
– Kinh phí nghiên cứu khoa học, kinh phí sự nghiệp kinh tế, kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí sự nghiệp khác theo quy định từng lĩnh vực (nếu có), kinh phí sự nghiệp bảo đảm xã hội, kinh phí thực hiện các nội dung không thường xuyên khác.
– Vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo dự án được duyệt.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc quy định nội dung chi của kinh phí không tự chủ do Ủy ban nhân dân thành phố quy định cụ thể.
* Văn bản pháp lý:
– Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
– Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
– Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
– Thông tư số 18/2006/TT-BTC ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Bộ Tài chính; Thông tư số 84/2007/TT-BTC ngày 17/7/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 18/2006/TT-BTC.
– Quyết định số 102/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với cơ quan nhà nước.
– Công văn số 6338/LS/STC-SNV ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Sở Tài chính và Sở Nội vụ; Công văn số 8487/STC-HCSN ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Sở Tài chính.
_________________________________________
Số lượt người xem:
16592
TIN MỚI HƠN
- Ủy ban nhân dân Quận 8 đưa vào hoạt động hệ thống giữ xe thông minh tự động
- Cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)
TIN ĐÃ ĐƯA
- Một số quy định về quản lý tài sản nhà nước (Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)
- Một số quy định về quản lý tài chính, ngân sách (Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)
- Một số chế độ chi tiêu ngân sách(Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)
- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8 GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
- Thành phố Hồ Chí Minh ban hành chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với những cơ sở thực hiện xã hội hóa
- Về việc điều chỉnh nhân sự Ban chỉ đạo công tác Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Quận 8
- Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII tiếp xúc cử tri (Phường 8 đến Phường 16)
- Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII tiếp xúc cử tri Quận 8 (Phường 1 đến Phường 7)
- Những vấn đề cơ bản về quản lý ngân sách phường (Cập nhật đến ngày 31 tháng 10 năm 2014)
- Cơ chế tự chủ tài chính cơ quan hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (Cập nhật đến ngày 31 tháng 10 năm 2014)
Xem theo ngày