Cô bé chăn cừu trở thành nữ Bộ trưởng Bộ giáo dục đầu tiên của nước Pháp: Bóng hồng giữa chính trường chỉ dành cho những “người đàn ông da trắng”
“Thử thách 20 năm” ngoạn mục
Đầu năm 2019, bức ảnh được cho là hình ảnh thời thơ ấu của nữ Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp đã được cư dân mạng nước này truyền tay nhau và đặc biệt quan tâm. Với “thử thách 20 năm”, Bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem từ cô bé chăn cừu lấm lem nay đã trở thành một trong những phụ nữ quyền lực và có tầm ảnh hưởng trên chính trường nước Pháp khiến nhiều người không khỏi thán phục.
Nhưng hóa ra đó chỉ là ảnh ghép, không phải Vallaud-Belkacem thuở bé. Tuy nhiên, hành trình ngoạn mục của người phụ nữ Hồi giáo ấy lại có thật.
Bức ảnh “xưa và nay” của Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp từng được cộng đồng mạng lan truyền.
Najat Vallaud-Belkacem sinh năm 1977, là con thứ hai trong một gia đình người Hồi giáo có bảy anh chị em ở Ma-rốc. Hoàn cảnh khó khăn, cô bé sớm phải phụ giúp cha mẹ việc gia đình. Ký ức của Belkacem là những lần cùng chị gái đi hàng cây số để lấy nước hay chăn cừu giúp ông nội.
Cha cô, ông Ahmed, đã di cư đến thị trấn phía bắc của Pháp Abbeville trước khi cô được sinh ra. Năm Vallaud-Belkacem lên bốn, ông đã xin vào làm tại nhà máy sản xuất ô tô Pháp Renault, sau đó đưa vợ và hai con gái cùng đi. Định cư tại một vùng ngoại ô của Amiens, khoảng 80 dặm về phía bắc Paris, Vallaud-Belkacem cảm thấy sốc trước môi trường mới. Cô không thể nói được tiếng Pháp và choáng váng trước cảnh quá nhiều ô tô đi lại ngoài đường, điều vô cùng lạ lẫm với một cô gái miền quê.
“Phải rời đất nước, gia đình, là điều vô cùng đau khổ, cha tôi đã tìm được chỗ đứng của mình, nhưng đối với mẹ và tôi, thật khó để có thể làm quen với mọi thứ“, nữ Bộ trường từng chia sẻ.
Nhưng không vì thế mà cô xa lánh thế giới xung quanh. Vallaud-Belkacem chăm chỉ học tiếng Pháp và có thể nói lưu loát chỉ sau một năm. Tốt nghiệp phổ thông, cô nhập quốc tịch Pháp và sau đó ghi danh vào trường Đại học Amiens, ngành luật.
Vallaud-Belkacem muốn dấn thân vào con đường chính trị và hướng tới việc học thạc sĩ ở Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris. Dù giáo viên ra sức khuyên ngăn vì nghĩ điều đó nằm ngoài khả năng của cô nhưng cuối cùng, Vallaud-Belkacem đã vượt qua kỳ thi một cách ấn tượng.
Cũng tại đây, cô gặp gỡ và lên duyên với Boris Vallaud. Sau khi kết hôn vào năm 2005, hai vợ chồng cùng nhau bước chân vào chính trường.
Nữ chính khách quyền lực
Cô gia nhập Đảng Xã hội năm 2002 và nhóm của thị trưởng Lyon Gérard Collomb năm 2003, tham gia các hoạt động nhằm tăng cường dân chủ địa phương, đấu tranh chống phân biệt đối xử, thúc đẩy quyền công dân, tiếp cận việc làm và nhà ở.
Từ năm 2004 đến 2008, Vallaud-Belkacem chủ trì Ủy ban Văn hóa. Năm 2005, cô trở thành cố vấn cho Đảng Xã hội. Cô cũng là phát ngôn viên trong chiến dịch tranh cử của bà Ségolène Royal.
Ngày 16 tháng 5 năm 2012, Vallaud-Belkacem được bổ nhiệm vào nội các của Tổng thống Pháp François Hollande với tư cách là Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và người phát ngôn của chính phủ.
Năm 2014, giai đoạn nhiều Bộ trưởng trong chính phủ Pháp phải từ chức hoặc miễn nhiệm do không đủ đáp ứng công việc nhưng Vallaud-Belkacem vẫn luôn được tín nhiệm vào những trọng trách mới.
Ngày 26-8-2014, Vallaud-Belkacem chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp – người phụ nữ đầu tiên, cũng là người Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử chính trị Pháp giữ cương vị này.
Vallaud-Belkacem được báo chí quốc tế gọi là “gương mặt mới của nước Pháp”, tiêu biểu cho tinh thần của một đất nước đang có nhiều đổi mới.
“Dung hòa với những thứ không thể hòa hợp”
Hành trình trở thành người phụ nữ quyền lực và có tầm ảnh hưởng bậc nhất của Vallaud-Belkacem không hề dễ dàng. Ngay từ thuở bé, khi mới chuyển đến nước Pháp, cô đã phải chịu nhiều sự phân biệt, bắt nạt của bạn bè, cười nhạo vì cách ăn mặc.
Đến khi bước vào chính trường khắc nghiệt, mọi chuyện cũng không hề suôn sẻ. Vallaud-Belkacem bị bao vây bởi những bình luận phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính cùng những tin đồn ác ý từ truyền thông. Thậm chí vì là người Hồi giáo nhập cư, Vallaud-Belkacem bị công kích là “mối nguy hại cho đất nước”.
Nhưng nữ Bộ trưởng luôn giữ phương châm sống: “Dung hòa với những thứ không thể hòa hợp.”. Cô luôn xuất hiện với khuôn mặt và nụ cười rạng ngời và đầy sức sống. Làm việc tại nơi mà dường như chỉ dành cho những người đàn ông da trắng, Vallaud-Belkacem vẫn tự tin, dùng tiếng nói và quyền lực để ủng hộ công bằng cũng như thúc đẩy nền giáo dục Pháp.
Vallaud-Belkacem đã triển khai một kế hoạch đào tạo tiêu tốn 250 triệu Euro để nâng cao hiểu biết của các sinh viên, học sinh về giá trị truyền thống của nước Pháp. Bài học về đạo đức và dân chủ đã trở thành môn học bắt buộc trong giáo dục.
Tổng thống Hollande mô tả những phẩm chất Vallaud-Belkacem rằng: “Tôi biết Najat Vallaud-Belkacem rất lâu. Cô ấy chưa bao giờ chùn bước kể từ khi tham gia sự nghiệp chính trị. Các cam kết của cô chưa bao giờ thất bại vì cô đặt niềm tin và lòng trung thành của mình lên trên hết.”
“Sự thăng tiến của cô ấy rất thú vị.” – nhà báo Audrey Pulvar, người từng tranh luận với Vallaud-Belkacem trong chương trình On n’est pas couché nhận xét. “Cô ấy là người phụ nữ ở một đất nước mà hiếm khi nhìn thấy phụ nữ hoặc những người thuộc các dân tộc khác giữ một vị trí quyền lực. Chính trị ở Pháp luôn là chuyện của đàn ông da trắng”.
Theo Tổng hợp