Có 3 phương thức giáo dục người khuyết tật

Trả lời

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật: “Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi”. Do đó, trường hợp của con bà Nguyễn Thị Vân Lan, năm nay 7 tuổi sẽ đủ điều kiện để được nhập học vào một cơ sở giáo dục mầm non hoặc một cơ sở giáo dục tiểu học nào đó để đảm bảo quyền được đi học của trẻ em.

Theo Luật Người khuyết tật, có ba phương thức giáo dục người khuyết tật: giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt, trong đó giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Người khuyết tật, cha mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển cá nhân của người khuyết tật.

Ngoài ra, Điều 5 của Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/1/2018 quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật thì một trong các nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục là “Phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục”.

Do đó, trong trường hợp ở gần nhà không có cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật thì bà Nguyễn Thị Vân Lan có thể cho con theo học hòa nhập tại một cơ sở giáo dục phù hợp tại địa phương.