Clip nam sinh tát cô giáo: Đức trị hay pháp trị để ngăn băng hoại đạo đức?

Từ chiều 17-2, cộng đồng mạng xôn xao liên tục lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam sinh thẳng tay tát cô giáo giữa lớp học vì bị cô giáo tịch thu điện thoại.

Không nói nên lời khi xem xong clip!

Cụ thể, đoạn clip ghi lại hình ảnh nam sinh ngồi cuối lớp căng thẳng hô lớn “cô phải trả lại”, chửi tục. Sau đó, nam thanh niên đứng dậy bước lên bục giảng mặc bạn bè can ngăn “thôi, thôi”. Khi đến bục giảng, nam sinh cầm lấy chiếc điện thoại đang để trên bàn, quay sang tát cô giáo rồi quay lưng đi thẳng về chỗ ngồi. Vụ việc xảy ra chớp nhoáng, cô giáo không kịp phản ứng gì trong khi cả lớp ồ lên ngỡ ngàng.

Nhiều người dự đoán vụ việc xảy ra ở phía Bắc và đã lâu chứ không phải mới đây. Dù vậy, hầu hết các ý kiến lên án hành vi trên và đề nghị nhà trường có hình phạt thích đáng. 

Tiến sĩ Đỗ Tất Thiên, Phó Trưởng Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP HCM: “Cái đau của cái tát tay vẫn nhẹ hơn nhiều so với sự đau xót về các giá trị ứng xử và cách thức thể hiện trong cuộc sống

Theo nội dung clip, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM), cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được, đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Học sinh đang thể hiện cái tôi bằng cách sai lệch đạo đức, cần chấn chỉnh nghiêm khắc.

Còn thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho biết ông không nói nên lời khi xem xong clip. Thầy Bảo cho biết sự thật nếu đúng như những gì trong clip thì cần xử lý nghiêm học sinh có hành vi xúc phạm thân thể, nhân cách giáo viên. Bởi hành động của học sinh này đã vi phạm quy định trường học và gây ảnh hưởng rất lớn đến bản thân cô giáo. Bên cạnh đó, hành vi quay clip và phát tán lên mạng cũng cần xem xét xử lý. 

“Uy tín của ngành giáo dục Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi tốc độ lan truyền của mạng xã hội là cực kỳ nhanh, nhiều học sinh xem được sẽ học theo. Tinh thần của cô giáo cũng sẽ bị ảnh hưởng, áp lực tâm lý khi tiếp tục giảng dạy ở lớp này” – thầy Bảo nhận định.

Cô Loan, giáo viên tại quận Tân Phú, cho biết hành động của học sinh này cho thấy sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một số học sinh cá biệt. 

Clip nam sinh tát cô giáo: Đức trị hay pháp trị để ngăn băng hoại đạo đức? - Ảnh 2.

Clip nam sinh tát cô giáo: Đức trị hay pháp trị để ngăn băng hoại đạo đức? - Ảnh 3.

Nam sinh tát cô giáo ngay trên bục giảng. Ảnh cắt từ clip

Nên dùng tình thương để cảm hóa

Theo bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, nếu nội dung trong clip là sự thật thì những người còn biết tôn sư trọng đạo thì không bao giờ chấp nhận. “Tất nhiên vấn đề gì cũng có hai mặt, cần xem lại vì sao một học sinh lại dám đánh cô giáo. Người thầy, người cô cũng cần coi lại mình có đối xử, có vấn đề nào đó để học sinh bộc phát hành vi không thể chấp nhận được? Trong vấn đề giảng dạy giáo viên có vấn đề gì không?” – bà Thu đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Trẻ vị thành niên không phải là người lớn cũng không phải là trẻ em nên tâm sinh lý phát triển không được bình thường nên thầy cô cần quan tâm, hướng dẫn, dìu dắt để học sinh đi đúng hướng”.

Bà Thu nhận định thời gian gần đây, đạo đức xã hội có phần xuống cấp khi ngày càng xuất hiện nhiều clip bạo hành nên việc giáo dục trong gia đình đóng vai trò cốt lõi, là nền tảng của xã hội. Tuy nhiên, việc giáo dục trong gia đình ở thời đại mới có phần bị xem nhẹ và đặt nặng trách nhiệm lên đôi vai người thầy, người cô. Về chế tài những học sinh vi phạm chuẩn mực, đạo đức và đánh thầy cô thì bà Lê Thị Thu cho rằng nhà trường cần phối hợp với gia đình có biện pháp giáo dục thích hợp để định hướng cho trẻ phát triển lành mạnh, giúp học sinh nhận ra cái sai của mình.

“Tôi không bao giờ chấp nhận những hình thức kỷ luật nặng nề như buộc thôi học các cháu. Khi một sự việc xảy ra mà nhà trường buộc thôi học thì vô tình đã đẩy các cháu ra bên ngoài xã hội, là dấu ấn xấu trong cuộc đời của một đứa trẻ. Cô và thầy nên gần gũi hơn với học sinh để học trò có thể nói ra vì sao chúng lại hành động như vậy. Chỉ có tình thương, trách nhiệm mới cảm hóa được những trẻ chưa tốt, giúp chúng hoàn thiện nhân cách và phát triển thành người tốt sau này” – bà Lê Thị Thu chia sẻ.

Bình luận về vụ việc, Tiến sĩ Đỗ Tất Thiên, Phó Trưởng Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng cần thiết phải nhìn nhiều mặt, tìm hiểu tận nguồn cơn và hơn hết là xem xét từ nhiều phía cũng như cả bối cảnh của tình huống. “Có thể cần tìm hiểu cái sai xuất phát từ đâu, vấn đề đang tồn đọng là gì trong mối quan hệ hai chiều nhưng chắc chắn nỗi niềm sẽ tồn đọng xâu xa trong tâm khảm chúng ta là xót xa cho nghề dạy học, xót đau cho nhân cách của một người trẻ…” – Tiến sĩ Thiên chua xót.

Về mặt ứng xử, theo ông Thiên, nếu đó là chuyện đã rồi, cô giáo vẫn phải bình tĩnh để người có nguy cơ bạo lực có cơ hội rời đi. Bởi phản ứng bạo lực tiếp theo dù là lời nói hay hành vi đều không thể hiệu quả. “Ngay sau đó, cần nhìn lại cả quá trình tương tác và giao tiếp, đối diện vấn đề một cách thật văn minh và khách quan, bao dung. Có thể sẽ có sự đánh giá nhiều chiều nhưng quan trọng nhất là chúng ta thấy mình đã hết lòng và hết sức…” – ông Thiên nhận định. 

Đức trị không đủ sức răn đe

Trên trang cá nhân của mình, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng có những bình luận về vụ việc. Ông cho rằng việc học sinh ngang nhiên tát cô giáo chỉ vì bị thu giữ điện thoại trong lớp học là sự băng hoại đỉnh điểm về đạo đức xã hội. “Hành vi ấy xâm phạm nghiêm trọng đến khách thể mà Nhà nước cần bảo vệ, đó là mục tiêu giáo dục nhân cách con người có ích cho xã hội và bảo đảm duy trì trật tự xã hội”.

Do đó, ông cho rằng không thể lấy quy phạm đạo đức để điều chỉnh sự xuống cấp, băng hoại trong các quan hệ đạo đức, mà phải sử dụng pháp luật để trừng trị mới đủ sức răn đe.

“Tất nhiên, sự hư hỏng của trẻ em không thể thoát ly vai trò, trách nhiệm của người lớn, đặc biệt, tấm gương của các nhóm chủ thể trụ cột, là các vị lãnh đạo, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Tương tự như vậy, cần rà soát lại các hành vi vi phạm khác trong quan hệ đạo đức giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa người lớn tuổi và người trẻ tuổi trong xã hội, giữa thầy và trò trong nhà trường… đã đến mức báo động, phải trừng trị bằng pháp luật, thay vì các quy tắc xử sự bằng đạo đức không hiệu quả. Nếu lẫn lộn giữa đức trị và pháp trị, thì mục tiêu quản lý xã hội sẽ không đạt được, không thể tránh khỏi sự tha hoá, băng hoại về văn hoá, đạo đức như tình trạng đã và đang xảy ra” – ông Lê Thanh Vân viết.

Hành vi quay clip thật sự đáng trách

Bà Lê Thị Thu cho rằng khi clip lan truyền trên mạng thì câu chuyện đã đi quá xa bởi vì đó không phải là phổ biến mà là cá biệt. Khi clip bị phát tán thì cả cô giáo và nam sinh đều cảm thấy bị tổn thương. “Cô giáo cũng cảm thấy rất tổn thương vì không biết tại sao lại như vậy và cảm thấy bị xúc phạm trên diện rộng, còn nam sinh cũng cảm thấy hối hận sau hành vi bộc phát đánh cô. Chắc chắn rằng sau khi hành động đường đột như vậy, nam sinh sẽ cắn rứt về chuyện đã xảy ra. Nếu clip trở thành dư luận lớn thì nó sẽ trở thành một lời phê phán rất nặng nề” – bà Thu nói.

Cũng như vậy, ông Đỗ Tất Thiên cho rằng hành động quay phim mà chưa thể bảo vệ cô giáo cũng là điều đáng trách. “Việc tổn thương trong cái tát tay có lẽ là 10 thì nỗi đau vì sự ứng xử trước những hành vi và ứng xử trước cái clip quay hình lại lên đến vài chục lần…” – ông Thiên nhận xét.