Chuyện trùng hợp ngẫu nhiên
Câu chuyện cách đây đã hơn 10 năm mà vẫn cứ nằm lòng trong tôi như mới xảy ra. Năm 2012 là kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị và 40 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ. Vì vậy trong tháng tư năm đó tất cả các sở, ban, ngành đều chuẩn bị cấp tập mọi công việc để chào mừng sự kiện trọng đại của quê hương và của tỉnh nhà.
Xem youtube Nghe Podcast
Lúc đó tôi đang làm quản lý ở Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị. Ngày 20/4/2012, Cục Điện ảnh Việt Nam đã trao tặng tỉnh nhà một món quà rất quý, đó là bộ phim truyện Mùi cỏ cháy của tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Nguyễn Hữu Mười do Hãng Phim truyện Việt Nam vừa sản xuất.
Theo kế hoạch, tối 22/4/2012 là khởi chiếu tại Thành Cổ Quảng Trị, mục đích là để báo cáo với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây và phục vụ cán bộ, Nhân dân ở thị xã, bởi nơi này đã xảy ra trận đánh lớn gần 3 tháng trời trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ năm 1972. Sau chiến dịch đó, toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng hoàn toàn; chỉ còn sót lại một cửa hướng đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Để bảo vệ Thành Cổ, hàng vạn anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, mang theo tuổi thanh xuân, mang theo bao ước nguyện hy sinh tại trận địa này, xương máu của các anh đã hóa thân, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị.
Thành Cổ Quảng Trị cách Tp. Đông Hà khoảng 13km
Nội dung phim được tái hiện chân thực không khí hào hùng, bi tráng xoay quanh câu chuyện của bốn chàng sinh viên Hà Nội là Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi 20, khi đang còn trên ghế giảng đường đại học, cuộc đời vừa bắt đầu chớm nở nhưng sống trong thời kỳ đất nước đang bị quân thù giày xéo. Họ đã tình nguyện rời xa cuộc sống sinh viên, để lại thầy cô, bạn bè và người thân phía sau cùng lên đường nhập ngũ. Chiến trường Quảng Trị ngày đó được ví như cối xay thịt người khốc liệt, ghê rợn.
Bốn chàng sinh viên được biên chế vào lực lượng bảo vệ Thành Cổ, họ luôn sát cánh bên nhau trong tình cảm đồng hương, đồng chí và đồng đội. Lúc đã vượt được sông Thạch Hãn qua bờ Nam chiến đấu rất ngoan cường, bỗng nhiên Long đã bị đạn của quân thù và anh dũng hy sinh ở khu vực Thành Cổ. Hoàng, Thành và Thăng đã tận tay đào đất chôn đồng đội gấp gáp tại trận địa trong cơn mưa xối xã như trời đất cùng than khóc, đồng cảm với người bạn thân thương của mình. Xong việc, họ vội vàng đặt lên mộ một hòn đá lớn để làm dấu tích và cùng hứa với bạn cứ yên nghỉ, sau này khi đất nước bình yên chúng tớ sẽ quay lại nơi đây tìm kiếm để đưa cậu về nơi quê mẹ vĩnh hằng.
Trích đoạn bộ phim “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, với chi tiết đặt hòn đá lớn để làm dấu tích
Chiều hôm đó, chúng tôi đang dựng màn ảnh, ráp phim, máy móc và các dụng cụ kỹ thuật để chuẩn bị cho buổi chiếu phim lúc đêm xuống thì bất ngờ ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Trị từ Hà Nội vào viếng Thành Cổ, ông đến thăm chúng tôi và hỏi han lý do đêm phục vụ. Khi nghe giải thích xong ông rất phấn khởi sẽ được xem tác phẩm Mùi cỏ cháy của người bạn thân thiết là nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và ông đã điện thoại ngay cho tác giả.
Một chi tiết góp ý của ông rất hay và ý nghĩa, đó là kỷ niệm 40 năm thì nên có 40 ghế trống đặt phía trước hàng ghế đại biểu và trên ghế có ngọn nến để tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và lưng ghế móc một mũ tai bèo. Chúng tôi thực hiện ngay ý tưởng đó và trước lúc chiếu phim cũng có mâm lễ vật đặt trên tượng đài ngôi mộ chung rất trang trọng. Mọi thủ tục khai mạc đã xong thì buổi chiếu phim vừa bắt đầu.
Một màn đêm yên tĩnh nơi cõi thiêng với không khí trầm lặng, huyền ảo. Các đại biểu cùng khán giả xem phim rất chú ý và trật tự, lúc vui thì cùng cười sảng khoái và lúc buồn rất xúc động, khán giả đã rơi nước mắt và khóc nhiều khi xem những cảnh diễn đau đớn, tang thương. Phim dài gần hai tiếng đồng hồ mà không một ai ra về lúc màn ảnh đang còn chiếu sáng. Đúng là một sự thu hút đặc biệt của khán giả đang mong đợi được xem những gì ngày ấy được tái hiện qua màn ảnh rộng trong đêm nay.
Khoảng 22h30’, chúng tôi thu dọn đồ đạc lên xe để về lại đơn vị thì có hai thanh niên đến gặp và hỏi chuyện, người anh cả tên là Hoàng Quốc Sương ở khu phố 2, phường II, thị xã Quảng Trị. “Các chú có phải ở Đoàn làm phim không? Mẹ cháu vừa đi xem về bảo rằng trong phim có những tình tiết giống hệt như ở gia đình cháu”. Hai anh đã kể lại câu chuyện thật say sưa và cảm động.
Sau đó, ngày 29/4/2012 chúng tôi được đón tiếp Cục Điện ảnh, Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim Quân đội và tất cả các diễn viên trong phim vào thăm và giao lưu với khán giả Quảng Trị tại thành phố Đông Hà. Chúng tôi mời hai anh đến và kể lại câu chuyện này trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Ngay chiều hôm đó tác giả, đạo diễn cùng Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã vào thăm gia đình của hai anh tại thị xã Quảng Trị.
Chuyện xảy ra vào năm 2009, tại gia đình bà Mai Thị Nuôi, mẹ của anh em Hoàng Quốc Sương ở trong một con hẻm đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị, cả gia đình cùng ở chung một ngôi nhà cấp bốn khiêm tốn.
Một đêm bà mơ thấy “anh bộ đội Nguyễn Văn Long”, quê quán xã Xuân Lộc, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về báo mộng rằng: Tôi lớn lên ở với chị dâu vì không có cha mẹ, đến tuổi trưởng thành trong thời kỳ đất nước chiến tranh, xin được nhập ngũ để vào chiến trường phía Nam, chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị và đã hy sinh tại vườn nhà của chị. Khoảng ba ngày tới tôi sẽ trở lại hướng dẫn cụ thể địa điểm để chị lấy xác tôi lên cùng với 8 đồng đội ở bên cạnh, xong nhờ chị trình với chính quyền địa phương đưa vào nghĩa trang thị xã. Riêng tôi vẫn muốn ở lại đây một thời gian với nhiều đồng đội đang nằm trong vườn nên chị cố gắng đắp cho tôi một phần mộ tại đó và chị nhớ khi đào tôi lên sẽ có hòn đá bên cạnh, đừng bỏ đi và hãy cất giữ lấy.
Đúng vào ngày 23/7/2009 (tức ngày 01/6/ÂL) gia đình đã bắt đầu đào ở vị trí mà “liệt sĩ Long” đã hướng dẫn, khi đào xuống được 1 mét đã thấy hòn đá cuội nằm trên đầu như trong phim Mùi cỏ cháy mà các anh Hoàng, Thành và Thăng đã làm dấu vết. Khi lấy được hộp sọ và xương cốt phần trên rồi thì không thấy chân, bà Nuôi đã mua tiểu sành và giấy đỏ cùng các lễ vật để đưa vào, che rạp rồi làm nghi lễ cải táng. Sau 3 ngày, gia đình đặt lại xuống vị trí cũ đồng thời xây mộ và trên tấm bia cũng ghi tên tuổi như liệt sĩ đã cung cấp.
Khoảng nửa tháng sau, bà Nuôi lại mơ thấy “liệt sĩ Long” trở lại đứng ngoài cửa, trời lạnh và run cầm cập mà không bước vào nhà, anh cầu xin bà đào lấy tiếp hai chân đang nằm dưới tường nhà bên cạnh, đó là nhà anh Đậu Minh Hảo và chị Nguyễn Thị Hoà. Thời gian này anh Hảo đang công tác tại Thị đội thị xã Quảng Trị, cả hai vợ chồng cùng đang ở trong quân đội, anh xin nghỉ phép để cùng với gia đình bà Nuôi đập phá tường rào nhà mình lấy lên các xương ống chân cùng với dép cao su của người đã khuất. Lúc này chính quyền địa phương mới công nhận là liệt sĩ, bởi đã đầy đủ chứng cứ.
Một lần nữa, xác của “liệt sĩ Nguyễn Văn Long” được đào lên và đưa phần chân vào tiểu sành, nghi lễ của thị xã và UBND phường II tổ chức khá trang trọng, chu đáo và đưa vào nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị cùng với đồng đội, mộ anh được mang số hiệu 506. Trước khi đưa anh đi, gia đình bà Nuôi xin lại bảy nắm đất trong tiểu sành đưa vào cái om đất để tiếp tục mai táng tại vườn nhà theo lời nguyện ước của người đã khuất cùng với hòn đá.
Thời gian sau đó, trong vườn bà Nuôi cũng tìm được thêm 9 liệt sĩ nữa, nhưng hai liệt sĩ đã được gia đình xin đón về quê ở Hà Tây là Phạm Xuân Hậu và Phạm Xuân Mùa, còn lại bảy người cũng được đưa vào nghĩa trang thị xã.
Một điều khó tin có thật, trong thời gian bà Nuôi cải táng các liệt sĩ, mặc dù gia đình bà thực sự khó khăn, chồng cũng là bộ đội đã mất từ lâu nhưng bà vẫn tìm cách xoay xở để mua sắm các lễ vật và đồ dùng cần thiết, chị Hoà và bà con lối xóm đã tiếp sức cho chị hoàn thành tâm nguyện. Những lần như vậy bà lại mơ thấy “liệt sĩ Long” về động viên, chị cứ yên tâm vì sẽ có người trả tiền cho chị, không để chị thiệt thòi đâu. Những lúc chị may sắm áo quần để cúng bái hoặc đi chùa, thì chỉ vài hôm sau có đoàn Cựu chiến binh phía Bắc đến thăm viếng và dâng lễ vật cúng. Bà Nuôi hết sức vui mừng như có “liệt sĩ Long” luôn phù hộ và đang ở trong nhà.
Hiện nay do con cái đã khôn lớn, đã có gia đình riêng nên khu đất đó đã chia làm hai phần cho hai con trai, cả hai nhà đều được xây mới thay cho căn nhà cấp bốn năm nào. Phần mộ của “liệt sĩ Long” đã được đưa vào nghĩa trang dòng họ của gia đình, nằm bên cạnh mộ chồng bà Nuôi, thật sự ấm áp. Vào đầu tháng bảy năm nay, hơn 10 năm sự kiện đã chứng kiến, tôi lại vào thắp hương ở khuôn viên gia đình bà Nuôi, từ bàn thờ tổ tiên đến quanh khu vườn cũ. Cảnh vật bây giờ đã thay đổi nhiều, mộ anh “Long” không còn ở trong vườn như ngày trước, nhưng bà Nuôi đã dựng lên hai miếu thờ nhỏ trước sân để luôn luôn ngày đêm hương khói.