Chuyện ông Hoàng Lệ Mật và Thập Tam Trại

Chuyện ông Hoàng Lệ Mật và Thập Tam Trại

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 7km về phía Đông Bắc, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, làng Lệ Mật xưa nay nổi tiếng về nghề bắt rắn và chế biến đặc sản thịt rắn. Chính cái nghề truyền thống này nó gắn với truyền thuyết về một Thành hoàng làng đó là Phúc thần Hoàng Ngọc Trung với câu chuyện về ông Hoàng Lệ Mật và Thập Tam Trại mà sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã dẫn.

 Viết về làng Lệ Mật cùng câu chuyện ông Hoàng Lệ Mật và Thập Tam trại, sách Làng cổ Hà Nội đã dẫn từ các nguồn tư liệu dân gian và sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, mục “Phủ Thuận An – Kinh Bắc”, của Phan Huy Chú đã ghi: Vào đời Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054), ở làng Lệ Mật có một cặp vợ chồng sinh được một người con trai vào năm Bính Dần (1026), 13 tuổi đặt tên là Quý Công, 16 tuổi đã trở thành người tài giỏi xuất sắc hơn người, sức mạnh tuyệt vời, là Giám quan trong triều. Khi ấy, trong triều có công chúa nhan sắc tuyệt vời, một ngày đi chơi sông Thiên Đức bị đắm thuyền chết đuối. Khi ấy nhà vua sai các thuyền đi tìm nhưng không thấy. Quý Công một mình liều thân lặn xuống đáy sông giao đấu với các loài thủy tộc, tìm được xác công chúa đưa lên bờ. Vua thấy ông là người tài giỏi, lập tức ban thưởng tước lộc, phong làm Thái giám nội thị tự khanh, thưởng vàng 100 cân, lụa 100 tấm gọi là ân thưởng. Nhưng ông không nhận, làm tờ biểu tâu vua cho dân nghèo ở bản quán được phân bổ về phía tây thành Thăng Long, phía sau chùa Bảo Tự lập thành 13 trại. Việc hoàn thành tốt đẹp. Quý Công mất vào năm Kỷ Hợi (1119), ngày 12 tháng 10, ở tuổi 93. Vua vô cùng thương tiếc vị công thần, bèn thưởng lụa là, sai quần thần đưa thi hài về bản quán ở Lệ Mật. Việc chưa xong đã thấy giun đùn thành mộ thiêng. Vua bèn thưởng cho dân các trại 300 quan tiền để làm tiền hương hỏa, cho dân các trại lập miếu đền để tế tự, muôn đời cúng lễ.

Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Ba âm lịch, dân Thập Tam Trại lại kéo nhau từ “Kinh quán” về “Cựu quán” để tổ chức mừng ngày đức “Thánh Tổ” họ Hoàng đưa dân 13 trại sang khai hoang lập ấp ở phía tây Kinh thành: Nhớ ngày 23 tháng Ba/Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/Kinh quán, Cựu quán đề huề/Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Hầu hết các trại ở đây đều lưu truyền câu chuyện trên. Họ tự nhận mình là con cháu của Hoàng Phúc Trung (Hoàng Lệ Mật), sang đây từ thời Lý để khai hoang, lập ấp ở mảnh đất xưa thuộc vườn Tây Cấm.

Còn về Thập Tam trại thì theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đây là vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long. Vùng đất này về cơ bản tương đương với tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận xưa; nay nằm chủ yếu trên địa bàn quận Ba Đình, rải rác ở các phường: Cống Vị, Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Ngọc Hà; riêng trại Hào Nam thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. GS,TS. Nguyễn Quang Ngọc viết: “Nhân dân vùng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên giải thích đây là 13 trại quân thời Lý (?). Ông Hoàng Lệ Mật là người có công với vua, được vua cho phép đem người nhà, người làng đến vùng Thập Tam Trại và làm các công việc phục vụ cho triều đình…”. Thập Tam Trại là một không gian lịch sử – văn hóa hình thành trên cơ sở của nhiều nhân tố, có cả yếu tố lịch sử, có cả yếu tố dân gian. Trong tiềm thức nhân dân ở đây, Thập Tam Trại tồn tại như một “vùng văn hóa” trọn vẹn với những đặc trưng riêng của nó. Thập Tam Trại gồm: trại Ngọc Hà, trại Hữu Tiệp, trại Đại Yên, trại Liễu Giai, trại Vĩnh Phúc, trại Cống Yên, trại Cống Vị, trại Thủ Lệ, trại Vạn Phúc, trại Kim Mã, trại Ngọc Khánh, trại Giảng Võ, trại Hào Nam, trại Xuân Biểu.

Các trại có đền thờ đức ông Hoàng Lệ Mật (Đức Thánh Lệ Mật) là: đình Liễu Giai thuộc trại Liễu Giai; đình Cống Vị thuộc trại Cống Vị; đình Vĩnh Phúc thuộc trại Vĩnh Phúc; đình Ngọc Khánh thuộc trại Ngọc Khánh; đình Kim Mã Hạ thuộc trại Kim Mã.

Dân gian còn nói rõ các khía cạnh về ông Hoàng Lệ Mật, rằng: Cảm ơn chàng trai dũng cảm, nhà vua đã đồng ý cho dân chúng Lệ Mật cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà sang khai khẩn phía tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu “Thập Tam Trại”. Sau khi khai lập được 13 trại, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ rất trù phú, nên gọi là làng “Trù Mật”. Để tưởng nhớ đến chàng trai họ Hoàng – người đã khai đất lập làng, khi chàng mất, người dân đã lập đình thờ chàng ở rìa phía nam làng Lệ Mật, bên bờ nam sông Đuống, suy tôn chàng là Đức Thành hoàng. Hằng năm, cứ đến 23 tháng Ba âm lịch, người dân Lệ Mật lại tổ chức hội làng nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và suy tôn Thành hoàng làng. Theo gương chàng, dân chúng Lệ Mật ngoài việc nhà nông, còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn.

Mặc dù Thập Tam trại nay chỉ còn là khái niệm, tên gọi nhưng lễ hội cũng như nghề bắt rắn, nuôi rắn và chế biến đặc sản rắn thì ở Lệ Mật vẫn còn. Tuy nghề không phát triển mạnh như xưa, người dân làng Lệ Mật không còn đi khắp nơi để bắt rắn, nhưng để thưởng thức đặc sản thịt rắn, hay muốn có hũ rượu ngâm rắn thì người dân Hà Nội cũng như vùng đồng bằng Bắc bộ vẫn tìm về Lệ Mật.

Linh Ánh