Chuyện nhà báo vạch trần gian lận trong đấu thầu

Xâm nhập “ma trận” làm giá, bảo vệ thầu

Gần như đã thành “luật bất thành văn”, trong không ít dự án trước khi đưa ra để mời thầu, đấu thầu, đều có một đội ngũ trong “thế giới ngầm” đứng ra “bảo vệ thầu” nhằm đảm bảo cho một nhà thầu nào đó trúng thầu.

“Thế giới ngầm” này, có thể là sự câu kết giữa cán bộ thuộc Ban Quản lý (BQL) dự án với nhà thầu, cũng có thể là nhà thầu với “xã hội đen”, hoặc có thể cả 3, mà giới “thầu bè” gọi là “lợi ích nhóm” trong làm dự án. Mức phí “bảo vệ thầu” đưa ra cũng rất “hậu hĩnh”, khiến cho giới “bảo vệ thầu” rất manh động và bất chấp thủ đoạn để ngăn cản, bảo vệ bằng được gói thầu đó cho “thân chủ”. Thông thường, một gói thầu có giá trị trên 100 tỉ đồng thì người đứng ra “bảo vệ thầu” được hưởng 1%, còn dưới 100 tỉ thì từ 1-2%, tuỳ theo nguồn vốn. 

Chính vì sự liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn này mà rất nhiều nhà thầu đi mua HSDT đã phải “nhận trái đắng”. Phóng viên, nhà báo xâm nhập, tác nghiệp những vụ việc liên quan, cũng thường xuyên đối mặt với hiểm nguy.

Năm 2017, qua đường dây nóng và nguồn tin báo mà các nhà thầu tố cáo, gói thầu thi công công trình xây dựng cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 387 (Lương Tài – Bãi Sậy) có giá trị gần 200 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông Hưng Yên (Ban QLDA) làm chủ đầu tư, có nhiều đối tượng “xã hội đen” cản trở nhà thầu mua HSDT, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã vào vai đại diện một doanh nghiệp tới Ban QLDA để mua HSDT. Ngày đầu tiên đến mua HSDT, đúng như dự tính, ngay trước cổng BQL dự án xuất hiện nhiều đối tượng xăm trổ án ngữ, dò xét người đi mua hồ sơ. Riêng cán bộ BQL thì tìm cách trì hoãn, không bán hồ sơ, hẹn qua tuần sau.

Đúng hẹn, PV trong vai người đi mua hồ sơ xuất hiện tại BQL dự án, ngay lập tức nhiều đối tượng xông thẳng vào phòng đe doạ, ngăn cản không cho mua hồ sơ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, PV mua đã được HSDT, tuy nhiên khi lên xe ra về thì ngay lập tức hàng chục đối tượng xăm trổ vây quanh xe ôtô, ghi hình PV và đe doạ, yêu cầu “để hồ sơ lại không sẽ cho xe đâm chết”. Vì đã lường trước tình huống này nên Phóng viên đã gọi điện cho đồng chí Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên. 5 phút sau, hơn chục chiến sĩ Phòng PC45 (nay là PC02) do một đồng chí Phó Trưởng phòng trực tiếp có mặt. Các đối tượng “xã hội đen” nhanh chóng bỏ chạy nhưng cũng đã kịp bị nhận mặt. 

leftcenterrightdel

 Lễ mở thầu một số gói thầu tại tỉnh Điện Biên.

Gần đây nhất, là vụ cướp hồ sơ dự thầu tại Quảng Bình mà Báo Bảo vệ pháp luật đã có loạt bài phản ánh, kết quả là Ngân hàng phát triển Châu Á, UBND tỉnh Quảng Bình đã hủy thầu và yêu cầu đấu thầu lại qua mạng.

Vụ cướp HSDT này xảy ra ngày 08/3/2019. Lúc nhận được tin báo của nhà thầu, PV ngay lập tức đến hiện trường. Trước đó, do đã biết có rất nhiều đối tượng “xã hội đen” vây quanh khu vực BQL, PV đã gọi điện thông báo cho lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị cử lực lượng đến hiện trường, cũng là để bảo vệ nhà thầu và PV. Không ngoài dự đoán, khi PV đến hiện trường, thì nhà thầu nghi vấn đứng sau gói thầu đã tiếp cận PV với đề nghị không thông tin vụ việc. Tuy nhiên, PV kiên quyết tác nghiệp, vì vụ việc gây dư luận xấu tại địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp và môi trường đầu tư, xây dựng dự án tại địa phương.

Trong quá trình PV ghi hình, phỏng vấn những người liên quan, nhà thầu nghi vấn này cùng những đối tượng lạ mặt cố tình cản trở, xô đẩy. Đỉnh điểm là nhà thầu này đã lao vào đe dọa và đấm người đang được PV phỏng vấn, không quên đe dọa nhóm PV đang tác nghiệp.

Sự đe dọa không dừng lại ở đây, khi bài phản ánh đầu tiên được lên trang, PV đã nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại lạ đề nghị dừng phản ánh, không quên cho biết: “đã biết hình ảnh PV, địa chỉ nhà riêng…”. Những lời đe dọa này xuất hiện liên tiếp những ngày sau, cùng với những đề nghị kiểu “viên đạn bọc đường”. Tuy nhiên, PV cương quyết từ chối và đi đến cùng sự việc. Và để tự bảo vệ mình, PV đã làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo cơ quan Công an đề nghị có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ.

Tình trạng các nhóm “xã hội đen” quây thầu tại các gói thầu lớn là một vấn đề nhức nhối chưa được quan tâm giải quyết triệt để. Lý do chính mà lực lượng “xã hội đen” này can dự vào công tác đấu thầu đó là việc chủ đầu tư và cả nhà thầu không muốn cạnh tranh trong đấu thầu, đấu thầu hình thức nên các nhà thầu dùng lực lượng “xã hội đen” để hạn chế lẫn nhau. Hiện nay, hệ thống pháp luật về đấu thầu đã có quy định rất chặt chẽ và nghiêm minh đối với những hành vi cản trở, không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ, cản trở là hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Vì lợi ích kinh tế không nhỏ nên các đối tượng “xã hội đen” sẵn sàng manh động, liều lĩnh. Do đó, theo kinh nghiệm khi đi tác nghiệp của các Phóng viên khi xâm nhập vào những nơi nguy hiểm là phải dự đoán trước tình hình, phát huy tối đa sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là không được tác nghiệp đơn lẻ mà phải có sự phối hợp với các đồng nghiệp. Nhìn nhận về hiệu quả thực thi quy định của pháp luật, các chuyên gia đấu thầu nhận định: “Quy định đã có, chúng ta phải thực hiện nghiêm, kiên quyết xử lý để có tính răn đe cao”. Khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng phải thu thập chứng cứ để buộc tội đối tượng đang cản trở tính cạnh tranh trong đấu thầu. Nếu bên nào vi phạm có thể xử lý ở mức độ cao hơn. Đối với địa phương tổ chức công tác đấu thầu để xảy ra chuyện cướp HSDT, có sự can dự của lực lượng “xã hội đen” thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm.  

Vướng mắc trong quy định việc báo chí giám sát đấu thầu

Trong quá trình tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, Phóng viên nhận thấy một số dấu hiệu có thể đặt nghi vấn thông thầu, gian lận thầu tại không ít gói thầu như: hạn chế bán hồ sơ mời thầu (HSMT); chỉ có 3 nhà thầu tham dự thầu, trong đó 2 nhà thầu đưa ra giá dự thầu cao hơn giá gói thầu; các HSDT “quân xanh” cố tình sai ở những chi tiết rất “ngớ ngẩn”, như đề sai thời gian có hiệu lực của HSDT, quên ký tên trong đơn dự thầu…; bảo lãnh dự thầu giả mạo hoặc sai lệch; HSDT giống nhau; giá dự thầu của một số nhà thầu bị thổi phồng; xoay vòng nhà thầu được lựa chọn; bên bị loại trở thành thầu phụ; số lượng nộp HSDT thấp;… Ngoài ra, điều kiện tiên quyết không hợp lý; những tiêu chí đánh giá điều kiện năng lực, kinh nghiệm trong HSMT quá cao so với quy mô gói thầu; tiêu chí kỹ thuật bất thường như: quá cụ thể hoặc quá chung chung, không phải điều thực sự cần; tiêu chí chấm điểm có vấn đề, dường như ủng hộ 1 nhà thầu, nhà cung ứng hoặc thương hiệu cụ thể; loại nhà thầu có giá thấp nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vì lý do tiểu tiết, hoặc lý do không nêu trong HSMT;… cũng là những dấu hiệu đáng nghi vấn.  

leftcenterrightdel

Cần bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu. 

Tuy nhiên, khi Phóng viên đến gặp chủ đầu tư để yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan gồm HSMT, HSDT, báo cáo đánh giá HSDT thì thường bị cản trở, gây khó khăn trong việc tiếp cận, nhất là đối với HSDT. Phổ biến nhất là chủ đầu tư căn cứ vào nội dung giải đáp thắc mắc bạn đọc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH – ĐT) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo đó, Bộ KH – ĐT có ý kiến, chủ đầu tư có trách nhiệm bảo mật các tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, trường hợp gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thì các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu theo quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, trường hợp, các quy phạm pháp luật khác liên quan có quy định cụ thể về việc chủ đầu tư, bên mời thầu phải cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông (trong đó có thông tin về hồ sơ dự thầu của nhà thầu) thì chủ đầu tư, bên mời thầu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đó. Trong trường hợp này, do HSDT có chứa đựng các thông tin riêng của nhà thầu như: năng lực, kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự… nên trước khi cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông phải có sự đồng thuận của nhà thầu.

Như vậy, chủ đầu tư sẽ buộc phải cung cấp HSMT, báo cáo đánh giá HSDT vì đó là những nội dung công khai thuộc về trách nhiệm quản lý cũng như chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư sẽ từ chối cung cấp HSDT của đơn vị trúng thầu với lý do là phải đợi xin ý kiến của nhà thầu. Điều này vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí vì theo khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016, nhà báo có quyền được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. HSDT của đơn vị trúng thầu không nằm trong danh mục tài liệu mật, có rất nhiều nội dung công khai, nộp ở nhiều nơi khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên chỉ có những phần liên quan đến bí mật công nghệ thì mới được coi là thông tin riêng (mà đa phần HSDT đều không có nội dung này). Nhiều nhà thầu đã làm giả hồ sơ năng lực để đấu thầu và trúng thầu nên có một điều chắc chắn là không bao giờ họ đồng thuận với việc cho báo chí tiếp cận HSDT của mình. Hơn nữa, việc trả lời của Bộ KH – ĐT trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ chỉ là một văn bản mang tính tham khảo chứ không phải văn bản pháp quy. Do đó, việc chủ đầu tư từ chối cung cấp thông tin, hồ sơ sẽ có thể coi là hành vi cản trở báo chí tác nghiệp.

Hậu quả doanh nghiệp phải đối mặt khi gian lận

Những nhà thầu có hành vi gian lận nêu trên hầu hết đã phải nhận những hình phạt thích đáng. Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ KH – ĐT ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Với khoảng thời gian bị “cấm cửa” này, nhiều nhà thầu sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa, phá sản. Không chỉ có vậy, nếu chiểu theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì còn có nguy cơ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số nhà thầu, những trường hợp bị phát hiện và đưa ra ánh sáng còn rất ít so với thực tế. Hầu hết các vụ việc bị phát hiện chỉ khi có đơn tố cáo, hoặc chủ đầu tư có ý định “bới lông tìm vết” hòng loại nhà thầu, chứ không phải hoàn toàn do công tâm và có trách nhiệm. Sở dĩ nhiều nhà thầu vẫn liều lĩnh vi phạm là vì một số chủ đầu tư phớt lờ, bao che cho nhà thầu vi phạm, hoặc chưa xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Mặt khác, những cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự bị khởi tố trên thực tế là rất hiếm.