“Chuyên nghiệp hóa việc đòi nợ thuê thay vì cấm”
Theo thống kê của cơ quan chức năng, cuối năm 2022, Việt Nam chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, trên toàn quốc có tới hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Các chuyên gia tài chính, kinh tế cho rằng các dịch vụ kinh doanh cầm đồ “mọc” lên khắp nơi bởi khách hàng là sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp, chỉ vay số tiền vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Các hiệu cầm đồ giải ngân trong thời gian ngắn mà không phải thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Về việc này, tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đây là nhu cầu thực sự của cuộc sống. Khi tổ chức tín dụng vay chính thức không đáp ứng hết thì cần có sự song hành giữa phát triển cho vay chính thức, phát triển các định chế gắn với tài chính vi mô và ”uốn nắn” các hoạt động cho vay phi chính thức để đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu mặt trái của quá trình phát triển. Để làm được việc này, cơ quan chức năng phải hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý hoạt động cho vay này minh bạch để “hạn chế hệ lụy xã hội không mong muốn”.
Đồng tình, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho rằng việc vay và cho vay là nhu cầu cần thiết trong đời sống. Trên thực tế, các hoạt động cho vay cầm đồ ngoài xã hội rất nhiều vì thủ tục cho vay nhanh gọn để được giải ngân.
“Hiện việc cho vay dân sự, trong đó có hoạt động cầm đồ, phải tuân thủ giới hạn lãi suất không quá 20% theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, hiện nay người vay bị phụ thuộc nhiều vào người cho vay. Họ đặt ra các quy định nào về vấn đề thu phí khi xét duyệt hồ sơ hay các vấn đề về thu hồi nợ, giới hạn đòi nợ, thu giữ tài sản… Nên cần thiết các cơ quan chức năng phải quy định rõ ràng về vấn đề này để không bị biến tướng”- luật sư Bình nói.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng việc đòi nợ thuê đã bị cấm từ năm 2015 theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, thực tế các hoạt động đòi nợ thuê không hề mất đi theo quy định nghiêm cấm của luật, mà biến tướng từ hình thức này sang hình thức khác, trong khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia.
“Đáng lẽ phải chuyên nghiệp hóa việc đòi nợ thuê thay vì cấm một nhu cầu vô cùng chính đáng, cần thiết như vậy. Để như bây giờ còn khó quản lý hơn”- luật sư Đức nhấn mạnh và cho rằng nếu cho phép hoạt động đòi nợ thuê thì cần phải quản lý một cách bài bản, chặt chẽ. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh để giảm thiểu việc vi phạm điều kiện kinh doanh và trật tự trị an.
Để hạn chế tình trạng người dân phải vay tiền từ các tiệm cầm đồ hoặc vay rồi không trả, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội Luật sư Trần Xuân Tiền, cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp, các ngân hàng… tạo môi trường an toàn, lành mạnh, dễ tiếp cận cho nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn. Đặc biệt, cần siết chặt thủ tục xác minh thông tin cá nhân của người vay khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thông tin chính xác để có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết, hoặc để cung cấp cho cơ quan điều tra. Điều đó góp phần rút ngắn thời gian xác minh đối với công tác điều tra nhằm kịp thời xử lý tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vay.