Chuyện hài hước về bao cao su: Không bao? Xin chào!
Là đàn bà con gái, tôi ngại tìm hiểu chuyện “bờ cờ sờ”, dù biết chúng rất hữu ích. Nhưng rồi một chút thương cảm cộng tò mò khiến tôi thay đổi.
Năm 2011, khi xem phim Trung Quốc “Wuxia” (Võ hiệp) của đạo diễn Trần Khả Tân, tôi rất ngạc nhiên trước cảnh nữ chính A Ngọc (Thang Duy thủ vai) lọ mọ tuốt tuốt, rửa rửa bong bóng cá, rồi sau đó nam chính Kim Hỷ (Chung Tử Đơn đóng) nói: “Không cần đâu, anh biết là em sợ mùi tanh mà”. Chiều chồng, A Ngọc bảo sẽ dùng thuốc của thầy lang. Thương vợ, Kim Hỷ bảo đừng dùng, vì thuốc chứa thủy ngân, hại cho sức khỏe. A Ngọc tần ngần: Nếu lại mang bầu thì sao?
Chi tiết nhỏ ấy khiến tôi mắt tròn mắt dẹt và nó ám tôi mãi. Sao người phụ nữ khổ thế? Sao lại có phương pháp tránh thai thô sơ thế?
Thương cho những người như A Ngọc, cũng thương thân mình kém hiểu biết, tôi lao vào tìm hiểu thế giới con-đầm (condom). Hóa ra, trường hợp của A Ngọc (đầu thế kỷ 20) gần giống trường hợp sử dụng bờ cờ sờ đầu tiên mà con người biết đến. Trên vách động ở Pháp có bức tranh 12.000-15.000 năm tuổi vẽ một người đàn ông dùng “áo mưa”.
Thời cổ đại, người Ai Cập dùng bàng quang, ruột hoặc da động vật để làm “áo mưa”. Rồi có loại làm từ bong bóng cá, vải lanh, da, lụa… Sau này, con-đầm được làm từ mủ cao su nước (latex), hoặc polyurethane, polyisoprene (dành cho người dị ứng với cao su).
Con-đầm có thể phình to, chứa được khoảng 4 lít nước mà không rách. Tuy nhiên, không được dùng chất bôi trơn tan trong dầu như Vaseline, các loại kem chống nắng, dưỡng da… để bôi thêm vào bờ cờ sờ latex, vì làm vậy, “áo mưa” dễ rách. Ngoài ra, không được lồng 2 “áo mưa” khi “lâm trận”, vì như thế không an toàn hơn, mà trái lại, khiến chúng cọ xát dễ dẫn đến thủng, rách.
Càng tìm hiểu bờ cờ sờ, tôi càng phát hiện nhiều điều thú vị liên quan, nhất là về quân đội. Ngay từ cuối thế kỷ 19, quân nhân Đức đã được phát “áo mưa”. Giai đoạn 1927-1931, tất cả lính Mỹ đều được phát con-đầm, nhờ vậy, tỷ lệ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục giảm đáng kể.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nảy ra một sáng kiến “tối” nhằm phục vụ chiến tranh tâm lý. Đó là sản xuất con-đầm cỡ lớn nhưng ghi nhãn là cỡ vừa rồi cho máy bay thả xuống lãnh thổ Liên Xô.
Nếu ý tưởng này được hiện thực hóa, không biết lính Nga có tự ti về “súng ống” của mình không nhỉ? Không biết phụ nữ Nga có nghĩ là “hàng họ” đàn ông Mỹ “xịn” hơn không nhỉ? Tôi cứ vô duyên nghĩ thế, nhưng không thể kết luận vì CIA đã không thực hiện kế hoạch đó.
CIA không thực hiện thì tôi thực hiện vậy. Nói thế cho sang cái mồm tí thôi. Kỳ thực, tôi chỉ tham gia một cuộc thi sáng tác khẩu hiệu và clip quảng cáo cho nhãn hàng con-đầm.
Từng là “nạn nhân” của mùi bờ cờ sờ không mấy dễ chịu đời xưa, đời cũ kỹ, tôi nghĩ ngay đến vấn đề mùi vị. Thế là slogan đầu tiên ra đời: “Không mùi không vị, cần như không khí”.
Nhiều đêm nằm ngẫm nghĩ, tôi thấy đàn ông con trai hay lăn tăn chuyện dày mỏng và giá cả. Thế là khẩu hiệu thứ hai được khai sinh: “Mỏng như không có, giá rẻ như cho”.
Nhưng mình là phụ nữ, chả nhẽ cứ lo cho bọn đàn ông đàn ang suốt thế! Phải tập trung chăm lo chị em chúng mình chứ!
Thế là bờ cờ sờ không chỉ ám tôi vào ban đêm (nghĩa đen) mà còn theo tôi vào bữa ăn sáng, giấc ngủ trưa, lúc trà chiều (nghĩa bóng). Cuối cùng, tôi gửi cho Ban tổ chức thêm 50 slogan với nội dung đứng về phe phái đẹp. Chính xác hơn là cổ động tình dục an toàn.
Giờ tôi có tuổi rồi, không nhớ hết mình gửi những gì, chỉ mang máng: “Chưa áo mưa, chưa yêu”, “Áo mưa rồi mới mây mưa”, “Không bao? Xin chào!”…
Thế nhưng, bao tâm huyết của tôi tan thành mây khói. Nói theo ngôn ngữ bờ cờ sờ là xẹp lép, vứt đi. Các clip quảng cáo của tôi bị loại vì thiếu tính sáng tạo.
Ai bảo các ông ra quy định quảng cáo bờ cờ sờ mà không được cho diễn viên hở da hở thịt? Quy định thế, tôi biết dựa vào đâu mà sáng tạo?
Chắc thấy tôi lu loa ăn vạ như thế, Ban tổ chức thương tình, trao giải khúc khích. Dành cho thí sinh nhiều tuổi nhất gửi nhiều slogan nhất. Giải thưởng là mỗi slogan một nhãn hàng con-đầm dùng cho một năm.