Chuyên đề phát triển chương trình giáo dục mầm non

Đặc biệt, các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sửa đổi một cách bài bản và chất lượng.

Nhập cuộc với tâm thế tốt

Nhà giáo Vũ Quốc Long Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở GDMN nghiêm túc thực hiện song song nhiệm vụ kép dạy học và chống dịch. Hoạt động dạy học tuân thủ tuyệt đối nội dung chương trình khung, sáng tạo và gắn hiệu quả với nội dung sau đổi mới của cấp học này.

Trấn Yên là huyện miền núi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên chúng tôi cũng yêu cầu các trường đặc biệt quan tâm đến việc giúp trẻ làm quen với tiếng Việt. Cùng với đó là việc bảo đảm an toàn nuôi dạy trẻ, đây là quan tâm hàng đầu của các nhà trường trong năm học chứ không chỉ riêng thời điểm có dịch Covid-19.

Theo bà Vi Bích Hạnh Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), bên cạnh việc thực hiện các chỉ đạo của ngành, đẩy mạnh thực hiện Chương trình GDMN sau sửa đổi, bổ sung là điều các trường cần phải thực hiện nghiêm túc, bài bản và trách nhiệm trong năm học này.

Các cơ sở GDMN phải quán triệt những nội dung, yêu cầu mới trong Chương trình GDMN sửa đổi, bổ sung đồng thời tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả nhất. Đối với khối mẫu giáo 5 tuổi, phải chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1 tiểu học. Các nhà trường phải quan tâm đến tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong cơ sở GDMN, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.

Nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, Trường MN Hưng Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) chú trọng gắn chất lượng với thực hiện Chương trình GDMN sửa đổi. Cô Nguyễn Thị Thanh Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để hiệu quả như mong muốn, nhà trường tập trung chỉ đạo giáo viên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục và vui chơi.

Nhà trường khuyến khích cô giáo tuyên truyền giới thiệu với phụ huynh cùng trẻ xem chương trình Dạy con học tiếng Việt lớp 1 trên kênh VTV7. Đây là chương trình bổ ích trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, như: Dạy những cách cầm bút, tư thế ngồi, cách tô, viết từng nét cơ bản và 29 chữ cái vào vở ô li, vào bảng con

Chuyên đề phát triển chương trình giáo dục mầm non

Để trẻ tự tin vào lớp 1

Theo cô Trần Thị Hiền giáo viên Trường Mầm non Hưng Dũng I, TP Vinh (Nghệ An), để chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1, Ban giám hiệu và các giáo viên trong trường đã thực hiện tốt chủ đề Trường tiểu học trong chương trình giáo dục trẻ 5 tuổi.

Điều này giúp trẻ 5 tuổi sẵn sàng, tự tin vào lớp 1, bởi chủ đề Trường tiểu học tổng hợp tất cả kiến thức, kỹ năng, thái độ xuyên suốt cả năm học. Điểm nhấn của chủ đề này là hoạt động dự giờ giữa giáo viên khối 5 tuổi trường mầm non và giáo viên khối lớp Một trường tiểu học. Tại đây, những khó khăn, vướng mắc được nhìn nhận và tháo gỡ. Các cô cùng tìm ra những giải pháp phù hợp, giúp trẻ dễ dàng hòa nhập, thích ứng với môi trường mới ở trường tiểu học.

Chủ đề Trường tiểu học cũng được Trường Mầm non Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) thực hiện khá tốt. Theo cô Phạm Hiền Giang Hiệu trưởng nhà trường, việc bảo đảm chất lượng nuôi dạy trẻ 5 tuổi được thực hiện bài bản. Thông qua các biện pháp tuyên truyền, nhà trường, giáo viên phối hợp với phụ huynh cùng thực hiện tốt chủ đề Trường tiểu học và chuyên đề Tổ chức hoạt động hỗ trợ trẻ 5 tuổi giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

Hoạt động trên giúp phụ huynh hiểu sự khác biệt và yêu cầu cần đạt giữa 2 cấp học, từ đó cùng giáo viên có điều chỉnh phù hợp. Nhiều phụ huynh đã tăng cường nói với trẻ về môi trường học tập mới để tạo sự háo hức. Có gia đình cùng con tham gia buổi trải nghiệm ở trường tiểu học, đưa con đi mua sách, đồ dùng học tập, làm quen với anh chị lớp 1 giúp trẻ tự tin, nhanh hòa nhập khi bước vào lớp 1.

Chuyên đề Tổ chức hoạt động hỗ trợ trẻ 5 tuổi giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học giúp giáo viên trường mầm non hiểu được yêu cầu của trường tiểu học để điều chỉnh nội dung dạy và hoạt động cho trẻ quen dần, đặc biệt là kỹ năng, thực hiện nội quy lớp học.

Giáo viên trường tiểu học qua đó có thêm cơ hội hiểu tâm lý trẻ, từ đó có biện pháp tiếp cận phù hợp. Với phụ huynh, hiểu được sự khác biệt của các cấp học đã chủ động phối hợp với giáo viên để có biện pháp hỗ trợ con tốt nhất, nhất là giai đoạn đầu năm học, cũng như không gây áp lực cho con.

Sáng tạo và làm mới các nội dung chương trình là điều nhận thấy ở cơ sở GDMN trong việc giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1. Nhiều nhà trường đã chủ động phối hợp với phụ huynh giúp cô và lớp, cung cấp nguyên liệu cho trẻ hoạt động. Chuẩn bị một số đồ dùng dụng cụ học tập của học sinh lớp 1 để trẻ thực hành các kỹ năng.

Cùng với đó, giáo viên trao đổi với phụ huynh việc tập cho trẻ thói quen chế độ sinh hoạt ở trường tiểu học như: Ăn, ngủ đúng giờ, tự phục vụ bản thân. Ngoài ra, phụ huynh cần xây dựng góc học tập cho trẻ, tập cho trẻ thói quen ngồi vào bàn học, tô viết đúng tư thế, cách cầm bút, tập cho trẻ tự chuẩn bị đồ dùng của mình. Đặc biệt hoạt động giao lưu tham quan trải nghiệm với trường tiểu học đã tạo tâm thế háo hức sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.

Theo GDTĐ

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-sau-sua-doi-bai-ban-va-chat-luong-FOROCzI7g.html