Chuyên đề 11: Đạo đức của giáo viên mầm non trong xử lí tình huống sư phạm ở trường mầm non

Chuyên đề 11: Đạo đức của giáo viên mầm non trong xử lí tình huống sư phạm ở trường mầm non

CHUYÊN ĐỀ 11: 

ĐẠO ĐỨC CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON TRONG XỬ LÝ TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM Ở TRƯỜNG MẦM NON

NHÓM HỌC VIÊN

TT

Họ tên

Ngày, tháng, năm sinh

Đơn vị công tác

 

 

 

 

Phần 1: Lý thuyết

Câu hỏi:

 Phân tích vai trò của đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non hiện nay.

Trả lời:

Đạo đức nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ, năng lực công tác của giáo viên mầm non – người “chiến sĩ” trên mặt trận tri thức, khoa học và văn hóa muốn thực hiện được nhiệm vụ giáo dục của mình cần trau dồi cả “đức” và “tài” hay phẩm chất và năng lực. Phẩm chất là yếu tố nền tảng có ý nghĩa định hướng, định vị cho mỗi người, là một trong những điều kiện chủ quan để phát triển và sử dụng tốt năng lực. Năng lực là yếu tố quan trọng, hữu dụng đối với xã hội, thể hiện tính tích cực xã hội của mỗi cá nhân. Trong công việc giảng dạy, năng lực trí tuệ được thể hiện ở trình độ học vấn, trình độ tư duy, khả năng suy nghĩ và hành động hợp lí, khả năng thích nghi với những biến đổi của hoàn cảnh. “Đức” thể hiện trong đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non chính là lòng yêu nghề, yêu trẻ, tinh thần tận tụy với công việc; thực hành tốt các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong công việc và cuộc sống hàng ngày; có tinh thần đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp, chấp hành tốt kỉ luật của ngành, của nhà trường, hoàn thành trách nhiệm công dân.

 Đối tượng chăm sóc và giáo dục của giáo viên mầm non là trẻ em từ 3-6 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ chưa tự chăm sóc bản thân mình, tư duy logic chưa phát triển, cách hành xử thường dựa trên bản năng nên phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc và giáo dục của cô giáo và nhà trường. Do đó, giáo viên mầm non phải có tính kiên nhẫn trước những hành động non trẻ đó, tỉ mỉ, tận tình, định hướng suy nghĩ và hành động đúng đắn cho trẻ. Nếu cô giáo thiếu tôn trọng trẻ, quát mắng, định kiến với trẻ sẽ làm tổn thương trẻ về mặt tinh thần, làm mất đi sự mạnh dạn, hồn nhiên, những xúc cảm tích cực ở trẻ, khiến trẻ sợ sệt, mặc cảm, thiếu tự tin ở bản thân. Nếu lòng yêu nghề, yêu trẻ không đủ lớn cùng với sự thiếu kiên nhẫn, trước áp lực nghề nghiệp đặc thù, giáo viên mầm non rất dễ vi phạm đạo đức nghề giáo, vi phạm lí tưởng mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu” của mình. Chính đạo đức nghề nghiệp là động lực giúp cho người giáo viên mầm non hăng say học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tri thức khoa học; không ngừng đổi mới chất lượng giờ giảng, sáng tạo đồ dùng dạy học giúp trẻ dễ quan sát, nhớ lâu bài học. Bởi vậy, việc phân chia “đức”, “tài” chỉ có ý nghĩa tương đối. Trong nghề dạy học, nhất là ở bậc học mầm non, “tài” và “đức” luôn phải song hành; giáo viên mầm non có chuẩn mực về đạo đức cần có chuyên môn vững vàng; ngược lại, một người giáo viên mầm non đạt được nhiều danh hiệu thi đua cao quý, nhiều sáng kiến kinh nghiệm lại càng cần giữ gìn và phát huy đạo đức nhà giáo.

 Như vậy, ở giáo viên mầm non phải hội đủ cả đạo đức và năng lực chuyên môn để làm tốt nhiệm vụ của mình là đặt những viên gạch đầu tiên nhằm hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ, vì “tất cả những cái gì mà đứa trẻ sẽ có sau này khi trở thành người lớn đều thu nhận được từ trong thời thơ ấu”. Chỉ có toàn tâm, toàn ý, không ngừng học tập trau dồi nghề nghiệp, giáo viên mầm non mới thể hiện được đạo đức của mình trong công việc; Ngược lại, giáo viên mầm non tự thấy bổn phận trách nhiệm của mình tất yếu phải ra sức học tập, rèn luyện về đạo đức, phẩm chất, nhân cách, thể hiện qua suy nghĩ, hành động của bản thân trong giáo dục trẻ mầm non. Để làm được điều đó, mỗi nhà giáo một mặt phải biết học tập những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, làm chuẩn mực cho các tác động sư phạm của mình; Mặt khác phải tích cực rèn luyện nhằm hình thành những tính cách và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần thiết, phù hợp với các hoạt động sư phạm. Chính trong quá trình chủ động, tích cực tự giáo dục, rèn luyện như vậy, nhân cách của giáo viên mầm non được hình thành, phát triển, được kiểm chứng và khẳng định trên thực tế. Theo nghĩa đó, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non là yếu tố cơ bản hình thành và củng cố nền tảng nhân cách người thầy.

Đạo đức nghề nghiệp là mục tiêu, động lực để giáo viên mầm non vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện chiến lược “trồng người”.Trong giáo dục mầm non với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức nghề nghiệp chịu sự ảnh hưởng và tác động của tồn tại xã hội, đồng thời cũng tác động mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Sau hơn 30 năm đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đất nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, điều kiện sống của nhân dân được sự cải thiện rõ rệt về mọi mặt. Chính sự tiến bộ đó đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục mầm non; công tác xã hội hóa giáo viên mầm non đã dành được sự quan tâm của nhiều tổ chức xã hội. Hàng loạt trường mầm non chất lượng cao ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội. Tại các trường mầm non công, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, thông minh, khu vui chơi của trẻ cũng được quan tâm trang bị đồng bộ. Những điều kiện này đòi hỏi giáo viên mầm non phải luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên bồi dưỡng lí tưởng và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của ngành GD-ĐT và của xã hội. Thực tế, nghề giáo viên mầm non là một nghề vất vả, đặc thù, nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, tận tâm, cẩn thận trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Giáo viên mầm non phải thường xuyên uốn nắn, sửa chữa cho trẻ từng động tác, hành vi, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ. Công việc trên lớp chiếm phần lớn thời gian trên lớp; Ngoài giờ dạy trên lớp, họ còn phải làm đồ dùng dạy học trực quan, soạn giáo án, hồ sơ chuẩn bị cho buổi dạy sau. Với tình yêu nghề nghiệp, các cô vẫn yêu thương trẻ mầm non, yêu trường, luôn cống hiến hết tài năng và niềm đam mê nghề nghiệp cho sự nghiệp giáo dục con người. Đó là động lực bên trong thôi thúc người giáo viên mầm non phấn đấu không ngừng rèn luyện chuyên môn, trau dồi phẩm chất đạo đức trong sáng hướng tới mục tiêu hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ mầm non. Mặt khác, dưới tác động của kinh tế thị trường, nhiều loại hình giáo viên mầm non ra đời đáp ứng yêu cầu của xã hội, của người dân. Ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập của đồng bào dân tộc ít người còn thấp, sự quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non chưa cao. Ngược lại, ở thành phố, đồng bằng, người dân có thu nhập sẵn sàng chọn những loại hình giáo viên mầm non chất lượng cao cho con em họ, đi liền với đó là những đòi hỏi khắt khe hơn đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

 Chính ý thức đạo đức nghề nghiệp đã chi phối hoạt động sư phạm của giáo viên mầm non, dù ở bất cứ môi trường giáo dục nào, họ vẫn tích cực tham gia vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà với ý thức trách nhiệm cao, tự nguyện, tự giác trong chăm sóc và giáo dục trẻ mà không chịu sức ép của bất kì tác động nào bên ngoài. đạo đức nghề nghiệp đã giúp giáo viên mầm non luôn chủ động, sáng tạo, tự giác rèn luyện các phẩm chất đạo đức nhà giáo, tự giác chấp hành các nội quy của ngành, của trường, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi hoàn cảnh. 

Đạo đức nghề nghiệp có tác dụng giáo dục, nêu gương, xây dựng các giá trị đạo đức mới cho giáo viên mầm non Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất nhấn mạnh đến “nêu gương” trong giáo dục. Người khẳng định, trong giáo dục trẻ em, phương pháp “nêu gương” có vai trò rất quan trọng, bởi vì “trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách… phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm” , “học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”. Nhân cách học sinh phản ánh trực tiếp kết quả của quá trình giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Người giáo viên mầm non có đạo đức nghề nghiệp sẽ luôn tự soi mình vào, nhắc nhở bản thân, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, kém; có ứng xử và hành vi phù hợp với chuẩn mực nghề giáo, thống nhất giữa “lời nói với việc làm”, “phải có sự kết hợp giữa nhận thức và thực tiễn” là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho trẻ mầm non học tập theo. 

Tuy nhiên, để hình thành được đạo đức nghề nghiệp thì đối với mỗi giáo viên mầm non phải trải qua một cuộc chiến “khổng lồ”, phải thường xuyên suốt đời, kiên trì, bền bỉ rèn luyện cho mình các phẩm chất đạo đức nhà giáo, không được chủ quan, tự mãn, bằng lòng với kết quả mà mình đã đạt được. Mặt khác, đạo đức nghề nghiệp là “bộ lọc” giúp mỗi giáo viên mầm non lựa chọn, tiếp thu những giá trị tiến bộ, loại bỏ những giá trị thấp kém trong đời sống hàng ngày. Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã làm xuất hiện và thúc đẩy quá trình xâm nhập giữa các giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và tính quốc tế; những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nguy cơ bị lấn át bởi các giá trị ngoại lai. Vì thế, giáo dụcđạo đức nghề nghiệp giúp người giáo viên mầm non giữ vững lập trường tư tưởng chính trị trước những biến động của cuộc sống, bồi đắp lí tưởng cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của dân tộc; Xây dựng các phẩm chất đạo đức tốt đẹp của nhà giáo: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, từng bước bồi dưỡng lối sống lành mạnh có văn hóa phù hợp với chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam.

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những “thước đo” về năng lực đối với giáo viên mầm non, là động lực tinh thần giúp người giáo viên mầm non làm tròn trách nhiệm “dạy người”, “dạy chữ” của mình, xứng đáng là “anh hùng vô danh” trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng trong bồi dưỡng và phát triển nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ ở những giai đoạn đầu tiên. Ý thức được vai trò quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, mỗi giáo viên mầm non cần tích cực rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển. 

Phần 2: Vận dụng giải quyết tình huống thực tế

Tình huống 1: Học sinh A trong lớp do bạn trực tiếp giảng dạy, bị các bạn khác xa lánh, không chơi cùng. Học sinh B thường không tham gia các trò chơi với bạn và đôi khi không nghe lời cô giáo. Bạn xử lý thế nào trong tình huống này?

Giải quyết tình huống

Nếu học sinh lớp tôi trực tiếp giảng dạy có học sinh A bị các bạn khác xa lánh, không chơi cùng và học sinh B thường không tham gia các trò chơi với bạn, đôi khi không nghe lời cô giáo thì tôi sẽ xử lý như sau:

* Trường hợp của học sinh A bị các bạn khác xa lánh, không chơi cùng.

Với trường hợp này, Tôi sẽ tìm hiểu bằng cách quan sát kỹ hơn học sinh A hàng ngày để tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh A lại bị các bạn khác xa lánh, không chơi cùng để có hướng giải quyết thích hợp. 

Về cư xử có thể học sinh A thường hay tranh giành đồ chơi, đồ ăn với các bạn, không nhường nhịn chia sẻ với các bạn hay là nói tục, đánh bạn hoặc có thể do hoàn cảnh của học sinh A đặc biệt không giống như các bạn trong lớp. Trong trường hợp này, tôi phải hướng trẻ hòa đồng bằng cách khuyên nhủ và giáo dục học sinh A cũng như tất cả học sinh trong lớp rằng các bạn đến lớp học phải hòa đồng với nhau, cùng nhau vui chơi và không nên tranh giành đồ chơi, đồ ăn với các bạn. Vì tranh giành đồ chơi, đồ ăn với các bạn là xấu, không tốt, như vậy là không ngoan.

Tôi cũng thường xuyên tổ chức trò chơi tập thể để các học sinh trong lớp cùng tham gia vàcác học sinh khác dần có cảm tình hơn với học sinh A  và tự nhiên sẽ chia sẻ với nhau.

* Trường hợp của học sinh B thường không tham gia các trò chơi với bạn, đôi khi không nghe lời cô giáo thì tôi sẽ xử lý như sau:

Trước hết là Tôi sẽ đến gần học sinh B nhẹ nhàng hỏi xem tình hình sức khỏe của học sinh đó ra sao và vì sao lại không tham gia các trò chơi với bạn, và vì sao lại không nghe lời cô giáo?

– Nếu vì lý do sức khoẻ của học sinh B không tốt thì tôi sẽ có biện pháp chăm sóc cho phù hợp cho học sinh đó. Ví dụ như: Cho trẻ nghỉ ngơi

– Nếu do chủ đề chơi không phù hợp với nhu cầu, ý tưởng chơi của học sinh B thì Tôi sẽ trò chuyện với trẻ để nắm bắt được ý tưởng chơi của trẻ, thông qua đó biết cách chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ tham gia chơi cùng các bạn.

– Nếu do học sinh B thiếu kỹ năng chơi thì Tôi cùng trò chuyện và chơi cùng học sinh B, kịp thời khen ngợi, động viên trẻ để tạo hứng thú chơi cho học sinh B.

Và Tôi cũng nói chuyện với phụ huynh của học sinh  để phát hiện kịp thời. Có thể ở nhà học sinh B không có không gian vận động, thường xuyên xem tivi, đồ chơi công nghệ quá nhiều thường mắng mỏ…

– Tôi thường xuyên động viên và dành lời khen khi N tham gia các trò chơi cùng với các bạn và khi N nghe lời cô giáo.

Tình huống 2: Bé N là học sinh lớp bạn trực tiếp giảng dạy luôn có hành vi đánh bạn trên lớp nhưng không nhận lỗi khi bạn mách cô giáo, N không thừa nhận ngay. Khi bị đưa ra chứng cớ thì lúc đó N mới nhận lỗi và xin lỗi. Tuy nhiên, khi bạn vắng mặt, N lại tiếp tục đánh bạn. Các mặt khác của bé N bình thường và tuân theo các quy định, yêu cầu của cô giáo trong giờ học. Bạn xử lý thế nào trong tình huống này?

Giải quyết tình huống

Nếu bé N là học sinh lớp tôi trực tiếp giảng dạy luôn có hành vi đánh bạn trên lớp nhưng không nhận lỗi khi bạn mách cô giáo, N không thừa nhận ngay. Khi bị đưa ra chứng cớ thì lúc đó N mới nhận lỗi và xin lỗi. Tuy nhiên, khi Tôi vắng mặt, N lại tiếp tục đánh bạn thì Tôi sẽ xử lý tình huống này như sau:

– Tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân vì sao N lại đánh các bạn bằng cách hỏi N: Vì sao con lại đánh bạn? Có việc gì cần cô sẽ giải quyết, thế nên trình bày với cô để cô giúp đỡ.

– Tôi sẽ giải thích cho trẻ hiểu không nên đánh bạn vì đánh bạn như vậy là một hành vi xấu không nên làm, các bạn trong lớp phải chơi đoàn kết với nhau.

– Giáo dục cho N và cả lớp phải luôn yêu thương, quý mến nhau và biết nhường nhịn, giúp đỡ, hòa đồng với nhau và phải biết nhận lỗi khi làm sai thì mới là trẻ ngoan, mới được cô giáo và bạn bè yêu quý.

– Trong mọi hoạt động Tôi luôn lồng ghép việc giáo dục trẻ không được đánh bạn và phải biết nhận lỗi và sửa lỗi khi làm sai.

– Nếu N vẫn tiếp tục có hành vi đánh bạn khi không có tôi ở đó thì Tôi sẽ trao đổi với phụ huynh của N để cùng phối hợp tìm ra nguyên nhân và giải pháp giúp N hòa đồng với các bạn, không đánh bạn nữa.

– Luôn dành những lời động viên, khen ngợi N khi N có hành vi tốt, hòa đồng với bạn bè.