Chuyện bây giờ của “người rừng” Hồ Văn Lang
(Báo Quảng Ngãi)- 7 năm trước, “người rừng” Hồ Văn Lang trở về làng trong sự lạ lẫm. Mọi thứ trong mắt Lang như chiếc xe máy, con trâu, đứa trẻ… đều xa lạ. Bảy năm sau, chuyện ở làng với người đàn ông này cũng đã khác. Một sự đổi thay và cái tên “người rừng” với người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần này giờ cũng chỉ để gợi nhớ trong mắt dân làng…
Bắt nhịp cuộc sống mới…
Trưa những ngày chớm hạ. Vùng đất Trà Phong (Trà Bồng) trời nắng chang chang. Dưới tán lồ ô tỏa bóng nơi trại nuôi nhốt trâu trên núi, “người rừng” Hồ Văn Lang hì hục chặt từng thớ mít nhỏ cho 3 chú trâu của mình. Dân làng đi làm rẫy về, băng qua khu nuôi nhốt trâu của anh Lang ai cũng phải ngoái nhìn. Bởi cách bài trí, rào chắn nuôi nhốt trâu rất đặc biệt của một người từng được coi là “người rừng” như anh Lang.
Anh Lang vẫn miệt mài lao động và không bỏ làng đi vào rừng nữa.
Ông Hồ Văn Diệu, người cùng làng với anh Lang, chỉ vào hàng rào bằng lồ ô chạy vòng quanh khu rẫy nuôi nhốt trâu của anh tấm tắc khen. “Bà con trong làng thấy thằng Lang nó rào chắn quanh mấy sào đất rẫy bằng cả ngàn cây lồ ô này thì đều nói nó giỏi. Cứ tưởng nó ở rừng về làng chẳng biết làm gì hết. Vậy mà, sau mấy năm giờ nó biết rất nhiều việc, nó cũng làm được gần như tất cả những thứ mà người dân ở làng làm”, ông Diệu cho hay.
Anh Lang lại cặm cụi ôm đống cỏ mới cắt về từ trên núi mang tới cho 3 con trâu. Đó là tài sản lớn nhất của Lang. Anh Hồ Văn Tri, em ruột của Lang, cười bảo: “Coi vậy chứ anh Lang còn sợ trâu lắm. Anh ấy rất thích nuôi trâu, nhưng lại sợ trâu. Vậy nên, anh mới làm cái khu nuôi nhốt trâu này. Mỗi ngày anh ấy đi kiếm cỏ về đứng trên cái sạp này do anh dựng lên để cho trâu ăn thôi. Hồi đầu bảo nuôi trâu, anh Lang nói nuôi làm chi vậy. Tôi nói nuôi trâu sau này trâu lớn lên bán có tiền, nhưng anh ấy không biết tiền để làm gì. Nhưng giờ thì anh đã hiểu được mọi chuyện, biết nuôi trâu để bán lấy tiền, biết tiền để mua cái này cái kia. Thấy anh Lang như vậy mình cũng mừng”.
Nhả bã trầu khỏi miệng, anh Lang đưa tay đeo gùi củi lên vai rồi ra hiệu cho người em trai của mình rời khỏi khu nuôi nhốt trâu trở về làng. Ngày nào đi rẫy, Lang trở về làng cũng mang về một gùi củi khô để chụm trong mùa đông. Chất xong đống củi khô, anh lại lọ mọ vào khu bếp sau nhà vo gạo nấu cơm. Phía sau nhà là một vườn rau do anh trồng gồm đủ loại như cây mì, rau lang, ớt và có cả một cây mít Thái đã cho sai quả.
Anh Lang giờ đã thật sự hòa nhập, bắt nhịp với cuộc sống mới sau 7 năm rời rừng.
Anh Lang bứt một bó đọt lá mì cầm trên tay. Để làm gì vậy anh? “Lá mì để nấu ăn!”, Lang bập bẹ vài câu tiếng Kinh không tròn vành rõ tiếng rồi trở ngược vào gian bếp. Nhà hết dầu ăn, anh lặng lẽ rời nhà đến ngay tiệm tạp hóa mua dầu, rồi mua thêm 1 chục trứng gà. “Giờ ổng biết cầm tiền đi mua dầu ăn, mua trứng gà là giỏi lắm rồi chứ hồi xưa mấy chuyện này ổng đâu có hiểu, có biết gì đâu”, chị chủ tạp hóa cạnh nhà anh Lang vui cười.
Sau vài chục phút thì anh cũng tự tay lo xong bữa cơm trưa cho gia đình gồm món lá mì luộc, trứng chiên, cá kho, muối ớt. Chị Hồ Thị Nhung, em dâu của anh Lang, kể rằng: Phải tập, phải bày trong suốt thời gian dài thì ảnh mới rành rọt chuyện nấu ăn như bây giờ. Hồi mới về bảo ảnh nấu ăn thì món nào ảnh cũng đổ nguyên cả nồi nước nên không ai ăn được. Giờ thì ảnh nấu ăn rất ngon.
7 năm trước, chính quyền địa phương và người dân xã Trà Phong, huyện Trà Bồng (trước là huyện Tây Trà) đã lội vào rừng sâu đưa anh Hồ Văn Lang và cha là ông Hồ Văn Thanh từ rừng trở về làng sau hơn 40 năm họ sống trong rừng sâu, biệt lập với cuộc sống. Người cha Hồ Văn Thanh và người con trai Hồ Văn Lang dựng túp lều trên cây, mặc khố, sống như thời nguyên thủy giữa rừng. Khi được đưa từ rừng sâu về làng, mọi thứ đều rất mới lạ đối với cha con “người rừng”. Ông Thanh và anh Lang được địa phương làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hỗ trợ để hòa nhập với cuộc sống ở làng. Năm 2017, người cha Hồ Văn Thanh qua đời. Anh Lang hiện tại đang sống cùng với gia đình em trai của mình trong căn nhà được các nhà hảo tâm xây tặng.
Không bỏ làng…
7 năm cho một cuộc trở về và “người rừng” Hồ Văn Lang đã thật sự “cởi bỏ” cái danh xưng hí họa – “người rừng” – của 7 năm về trước. Bây giờ, cuộc sống của người đàn ông này cũng như bao người dân trong làng. Ban ngày, anh đi rẫy kiếm cỏ cho trâu, phát dọn rẫy chuối, rẫy keo ở rừng. Chiều muộn lại rời rừng, rời rẫy trở về làng. Đêm xuống, anh đến nhà hàng xóm ngồi nhai trầu trò chuyện.
Món gà luộc do anh Lang tự tay nấu thết đãi chúng tôi.
“Anh Lang bây giờ khác xưa rồi. Tiếng Kinh thì anh Lang nói chưa rành, nói được vài câu, chứ còn tiếng Cor thì anh nói được hết rồi. Hồi mới từ rừng về làng, gia đình cứ nghĩ chắc sẽ chăm lo và nuôi ảnh đến suốt đời vì khi đó ảnh như một đứa bé. Vậy mà bây giờ, cái gì ảnh cũng biết hết. Đi rẫy đốn chuối về ảnh cũng biết đem đi bán. Hái củi về cũng biết đem đi bán. Biết làm mọi việc nên cũng nhờ đỡ nhiều lắm. Giờ chỉ mong anh ấy luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng mình thôi”, anh Tri chia sẻ.
Trong túp lều dựng giữa núi cao để làm rẫy, anh Tri quay sang hỏi anh Lang bằng tiếng Cor đại ý rằng “Về làng bây giờ anh thấy có vui hơn không? Có bỏ làng vào rừng sống không?”. Nghe xong anh Lang bật cười rồi nói một lèo tiếng Cor với anh Tri. “Anh Lang ảnh nói là ở làng vui lắm. Ở làng được nhìn thấy xe máy, được nuôi trâu, được gặp các đứa trẻ nhỏ, được ngồi ăn trầu với mọi người. Hồi trước kia sống trong rừng rất là buồn, chỉ toàn nghe tiếng chim, tiếng thú rừng. Giờ sống ở làng quen rồi, sẽ không bỏ làng để vào rừng nữa”, anh Tri dịch lại.
Nhắc đến “người rừng” Hồ Văn Lang, Chủ tịch UBND xã Trà Phong Trương Ngọc Đông bảo rằng, anh Lang bây giờ đã bắt nhịp được với cuộc sống mới. “Ngày mới rời rừng về đây, anh Lang chưa quen với cuộc sống mới. Nhưng sau 7 năm, được sự hỗ trợ từ địa phương, người dân và gia đình nên anh Lang đã có nhiều thay đổi, hòa nhập rất tốt với cuộc sống hiện tại”, ông Đông nói.
Rời rừng năm 44 tuổi, năm nay anh Hồ Văn Lang bước sang tuổi 51. Tuổi ấy với người đàn ông này cũng chỉ mới bắt đầu cho một cuộc hành trình vui sống ở làng như con suối rừng cuộn chảy…
Bài, ảnh: VÕ MINH HUY