Chuyên De 6: xây dựng môi trường tâm lý xã hội trong giáo dục trẻ ở trường mầm non

Từ tháng 2/2017 Trường Mầm non Yên Lãng đã tổ chức thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm theo kế hoạch số 84/KH-PGDĐT ngày 13/02/2017 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ. Trong những năm qua Trường Mầm non Yên Lãng luôn làm tốt công tác chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường nghiêm túc, tích cực thực hiện có hiệu quả chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Chuyên đề có ý nghĩa rất lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy học và hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tại trường Mầm non Yên Lãng.

Trong quá trình thực hiện chuyên đề, trường Mầm non Yên Lãng đã bám sát vào 5 tiêu chí xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm và đã có những bước tiến tích cực: Về môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; Vai trò, trách nhiệm của Cán bộ quản lý nhà trường; Năng lực dạy học của giáo viên; Khả năng học tập của học sinh; Trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non…

Về môi trường giáo dục: Vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đến nay Trường Mầm non Yên Lãng đã có một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện đáp ứng với nhu cầu học tập và khả năng phát triển của trẻ mầm non. Môi trường vật chất trong nhà trường được quy hoạch, sắp xếp phù hợp từ đồ dùng, thiết bị, dụng cụ học tập, vui chơi, tập luyện đến cảnh quan môi trường, các khu vực chơi ngoài trời của trẻ đều được bố trí sắp xếp một cách khoa học, tận dụng không gian cho trẻ hoạt động, khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau, tạo cơ hội cho trẻ được học tập, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá về thế giới xung quanh. Môi trường vật chất trong lớp học được các cô giáo trường Mầm non Yên Lãng xây dựng sáng tạo, linh hoạt theo hướng mở, các góc chơi, các khu vực chơi của trẻ trong lớp được bố trí, sắp xếp phù hợp giữa động và tĩnh, có sự tác động qua lại với nhau thúc đẩy trẻ tích cực học tập và phát triển. Với những đồ dùng, đồ chơi tự tạo, các nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có tại địa phương được lựa chọn, sắp xếp tại các góc chơi thuận tiện cho trẻ sử dụng, tạo điều kiện cho trẻ học mà chơi, chơi bằng học. Môi trường tâm lý trong lớp học tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển một cách toàn diện, mối quan hệ giữa cô và trẻ trong trường Mầm non Yên Lãng luôn là mối quan hệ tình cảm thân thiện, yêu thương và trừu mến. Các cô luôn yêu thương trẻ bằng tình yêu thương của người mẹ, chăm sóc, quan tâm tất cả trẻ trong lớp. Cô giáo luôn là người hướng dẫn, gợi mở và tạo cơ hội học tập cho trẻ, không ép buộc, áp đặt trẻ theo suy nghĩ chủ quan của cô. Trẻ thường xuyên được giao tiếp và thể hiện suy nghĩ của bản thân. Hành vi, cử chỉ Mối quan hệ thân thiết, chia sẻ giữa trẻ với trẻ là yếu tố quan trọng giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, thể hiện bản thân.

Tạo môi trường ngoài trời cho trẻ

Các góc hoạt động củatrẻ ở trong lớp

Về xây dựng kế hoạch giáo dục: Kế hoạch giáo dục thể hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung và các hoạt động giáo dục trẻ trong cả năm học. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Đại Từ, các giáo viên trường Mầm non Yên Lãng đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các mục tiêu giáo dục được lựa chọn phản ánh được kết quả mong đợi theo chương trình Giáo dục mầm non, đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo giai đoạn. Các nội dung giáo dục trong kế hoạch thể hiện đầy đủ nội dung chương trình Giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các nội dung giáo dục không cứng nhắc, áp đặt mà có thể linh hoạt điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của trẻ trong giai đoạn hiện nay. Việc cung cấp kiến thức, kĩ năng cho trẻ luôn đảm bảo theo hướng tích hợp, coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống cho trẻ.

Về tổ chức các hoạt động giáo dục: Các hoạt động giáo dục được các thầy cô giáo trường mầm non Yên Lãng tổ chức với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phương pháp giáo dục phát huy được tính tích cực, chủ động học tập của trẻ, trẻ học bằng chơi, chơi mà học. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục luôn động viên, khuyến khích trẻ sáng tạo, tự tìm tòi, khám phá và bộc lộ hết khả năng của bản thân. Giáo viên luôn giữ vai trò là cầu nối giữa trẻ với kiến thức, kịp thời phát hiện những thiếu hụt của trẻ để bổ sung, điều chỉnh. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ luôn giữ vai trò chủ động, giáo viên chỉ là người điều khiển, hướng dẫn trẻ thực hiện và hỗ trợ trẻ khi cần thiết, giáo viên không làm thay trẻ.

Về đánh giá sự phát triển của trẻ: Đánh giá trẻ nhằm mục đích nhận biết sự phù hợp của Chương trình giáo dục Mầm non với khả năng phát triển của trẻ em để từ đó có những bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi tiến hành đánh giá trẻ, giáo viên đã đánh giá đúng khả năng của từng trẻ, tôn trọng sự khác biệt và ghi nhận những thay đổi của bản thân đứa trẻ. Căn cứ để đánh giá trẻ chính là những mục tiêu giáo dục mà giáo viên đã lựa chọn, mục tiêu giáo dục phải phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp, địa phương.

Về công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm: Cha mẹ trẻ và cộng đồng xã hội luôn là lực lượng có vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Để thực hiện tốt chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trường Mầm non Yên Lãng đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các cấp lãnh đạo và cộng đồng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tích cực tuyên truyền tới các bậc cha mẹ trẻ tham gia lao động cải tạo môi trường giáo dục, ủng hộ nguyên vật liệu làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẵn có tại địa phương. Phụ huynh học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể trong những ngày lễ hội tại trường mầm non. Những hoạt động nhân đạo như ủng hộ các ngày hội ngày lễ của trẻ, ủng hộ áo ấm tình thường và các hoạt động tài trợ khác trong nhà trường cũng được phụ huynh tích cực tham gia.

Sau 5 năm thực hiện chuyên đề, trường Mầm non Yên Lãng đã thu được những kết quả như sau:

– Cơ sở vật chất: Trường hiện có 19 phòng học, trong đó 14 phòng học cao tầng, 5 phòng học cấp 4 đúng mẫu, đầy đủ trang thiết bị dạy học. Khuôn viên rộng 4634m2 , có bếp ăn một chiều đúng quy định và phòng chức năng dành cho trẻ, sân trường rộng rãi, được lát gạch sạch sẽ.

– Môi trường giáo dục: Môi trường giáo dục trong nhà trường luôn đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện cho cô và trẻ. Môi trường vật chất trong và ngoài lớp học được bố trí sắp xếp khoa học, phù hợp các hoạt động của trẻ, có các khu vực chơi ngoài trời dành cho trẻ, lớp học được trang trí đẹp mắt, các góc chơi trong lớp bố trí hài hòa, phù hợp, có nhiều đồ dùng, đồ chơi tự tạo, nhiều nguyên liệu thiên nhiên làm học liệu cho trẻ. Giao tiếp, ứng xử trong nhà trường luôn gần gũi, thân thiện và cởi mở, cô và trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động.

– Cán bộ quản lý: Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý được nâng cao, có nhiều sáng tạo trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch trong quá trình thực hiện chuyên đề, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

– Giáo viên: Có kiến thức và kĩ năng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, trang trí môi trường nhóm lớp, làm đồ dùng đồ chơi. Đặc biệt năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục của giáo viên có sự phát triển rõ rệt, các thầy cô luôn chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn và tổ chức các hoạt động cho trẻ.

– Trẻ: Trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tự tin, mạnh dạn trong học tập và giao tiếp. Khả năng tìm tòi, khám phá, trải nghiệm và phản biện của trẻ được nâng lên, thường xuyên tích cực chủ động tham gia vào mọi hoạt động. Trẻ thích được quan sát và tìm ra những thay đổi của sự vật, hiện tượng xung quanh và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh.


– Cha mẹ trẻ: Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ. Tích cực chủ động phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, sẵn sàng tham gia các hoạt động của nhà trường và sưu tầm, đóng góp nguyên vật liệu, kinh phí, ngày công lao động… cùng nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại địa phương.

Với những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của trường Mầm non Yên Lãng đã được nâng lên đáp ứng được đòi hỏi của giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Mầm non Yên Lãng sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tiếp theo.