Chương trình môn Giáo dục công dân

Mục tiêu chung của môn Giáo dục công dân là góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực của người công dân Việt Nam, đặc biệt là năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế – xã hội.

Ở cấp tiểu học, môn Đạo đức bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm; trung thực; có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân; nhận biết và điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi của bản thân; biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước và các hành vi ứng xử; biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân, hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.

Ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục công dân giúp học sinh có hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức, pháp luật cơ bản và giá trị, ý nghĩa của các chuẩn mực đó; tự hào về truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc; tôn trọng, khoan dung, quan tâm, giúp đỡ người khác; tự giác, tích  cực học tập và lao động; có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện trong đời sống; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội, công việc và môi trường sống; có tri thức phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật; đánh giá được thái
độ, hành vi của bản thân và người khác; tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè, người thân điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; thực hiện được các công việc để đạt mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân; biết cách thiết lập, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh, thích ứng với xã hội biến đổi và giải quyết các vấn đề đơn giản trong đời sống của cá nhân, cộng đồng phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật và lứa tuổi.

Ở cấp trung học phổ thông, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật giúp học sinh có hiểu biết, tình cảm, niềm tin về những giá trị đạo đức của dân tộc và thời đại, đường lối phát triển đất nước của Đảng, quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tích cực, tự giác học tập và tham gia lao động, sản xuất phù hợp với khả năng của bản thân; có trách nhiệm công dân trong thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng quyền, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; nhận thức, hành động theo lẽ phải và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống các hành vi, hiện tượng tiêu cực trong xã hội; phân tích, đánh giá được thái độ, hành vi của bản thân và người khác; tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ người khác điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; lập được mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân và thực hiện được các công việc học tập, rèn luyện để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra; có kiến thức phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật; vận dụng được các kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, xử lí các hiện tượng, vấn đề, tình huống trong thực tiễn cuộc sống; có khả năng tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân; có kĩ năng sống, bản lĩnh để tiếp tục học tập, làm việc và thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Chương trình môn Giáo dục công dân tuân thủ các định hướng đã nêu trong Chương trình tổng thể và nhấn mạnh các quan điểm là: bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính thực tiễn, tính hệ thống; chú trọng tích hợp các nội dung giáo dục trong nội bộ môn học và tích hợp các chủ đề giáo dục xuyên môn; được xây dựng theo hướng mở.

Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật. Ở cấp trung học phổ  thông, nội dung chủ yếu là giáo dục kinh tế, pháp luật; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống.

Về phương pháp giáo dục, Chương trình môn Giáo dục công dân chú trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để học sinh khám phá, phân tích, khai thác thông tin, xử lí tình huống thực tiễn của cuộc sống; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học; sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động của người học; tăng cường thực hành, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội.

Về đánh giá kết quả giáo dục, Chương trình môn Giáo dục công dân kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày; kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh.

Về thiết bị dạy học, môn Giáo dục công dân cần được trang bị các tư liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học phù hợp với đặc trưng của môn học và điều kiện thực tế như: tranh, ảnh, tài liệu tham khảo, video,… có nội dung giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế và pháp luật, với sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu và Internet./.

                                                                                                                                               BBT

(Nguồn: Trích tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý sở/phòng giáo dục và đào tạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).