Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025

Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được bắt nguồn từ những năm đầu thập niên 70 tại Nhật Bản, Chương trình đã được hình thành với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị. Sau khi Chương trình được thực hiện thành công ở Nhật Bản, đến nay có trên 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng Chương trình này.

Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, ngày 07 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), với mục tiêu: “Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn”.

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28 tháng 01 năm 2019 Ủy ban nhân dân đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, theo đó, xác định rõ những sản phẩm cần tập trung phát triển, gồm: phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố: rau; hoa cây cảnh; bò sữa; heo; tôm nước lợ; cá cảnh; phát triển 06 sản phẩm thuộc 06 làng nghề truyền thống: làng nghề đan đát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ); phát triển 04 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành Thành phố: khô cá dứa một nắng Cần Giờ; khô cá đù một nắng Cần Giờ; khô cá sặc một nắng Củ Chi; tổ yến Cần Giờ; và phát triển 01 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần Giờ: sản phẩm xoài (Long Hòa – Cần Giờ). Xác định các sản phẩm này là những sản phẩm OCOP của Thành phố.

Để phát triển sản phẩm OCOP, thành phố đã triển khai áp dụng các giải pháp hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn tín dụng phát triển sản xuất, hỗ trợ liên kết phát triển sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập hộ dân vùng nông thôn. Cuối năm 2019, thu nhập của người dân vùng nông thôn đạt 63,096 triệu đồng/người/năm tăng 58,85% so với năm 2015 và tăng 172,32% so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,6%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.

Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế – xã hội cho tất cả các tỉnh Thành phố, chương trình cần phải được triển khai thường xuyên liên tục và nhân rộng. Vì vậy, ngày 08 tháng 6 năm 2022 Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND về đề án chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và phát triển bền vững có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

– Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, cụ thể:

+ Năm 2022: 41 sản phẩm (dự kiến có 22 sản phẩm đạt 3 sao và 19 sản phẩm đạt 4 sao).

+ Năm 2023: 27 sản phẩm (dự kiến có 15 sản phẩm đạt 3 sao và 12 sản phẩm đạt 4 sao).

+ Năm 2024: 28 sản phẩm (dự kiến có 14 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao).

+ Năm 2025: 28 sản phẩm (dự kiến có 14 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao).

– Đến năm 2025, 100% xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố đều có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.

– Ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Đề án Chương trình OCOP.

– Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP của Thành phố.

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ nhà nước trong hệ thống OCOP (thành phố, huyện, xã) và lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia Đề án Chương trình OCOP.

3. Nhiệm vụ trọng tâm của đề án

3.1. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái; ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0; phát triển sản xuất kết hợp với khai thác, phục vụ du lịch, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.

3.2. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường

* Chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương:

– Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn;

– Chuẩn hóa các sản phẩm mới được hình thành dựa trên nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc. Trong đó ưu tiên: (1) sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được các nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; (2) sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ đặc sản, nguyên liệu địa phương, tri thức bản địa nhằm thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm; (3) các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố.

* Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương…), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng; bảo vệ môi trường;

– Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP;

– Sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

– Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP.

* Thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế số gắn với thị trường xuất khẩu, gắn với lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng khu vực;

* Nâng cao năng lực quản trị; kỹ năng đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; kiến thức và năng lực về sở hữu trí tuệ; tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm nông thôn.

3.3. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP

– Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng tham gia Đề án Chương trình OCOP;

– Thực hiện quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP tiềm năng.

3.4. Phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP, giám sát sản phẩm OCOP

– Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, tăng cường áp dụng công nghệ, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;

– Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc áp dụng chính sách, quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm tại các địa phương, duy trì điều kiện và chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận;

3.5. Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Đề án Chương trình OCOP

– Gắn Đề án Chương trình OCOP với Chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể, kết nối du lịch;

– Phối hợp với đơn vị tư vấn nhằm hình thành mạng lưới tư vấn Đề án Chương trình OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực toàn diện, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai Chương trình trên địa bàn Thành phố;

3.6. Tăng cường chuyển đổi số trong Đề án Chương trình OCOP

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu Thành phố về chương trình OCOP;

– Tham gia hệ thống thương mại điện tử OCOP quốc gia, hỗ trợ chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng livestream…

4. Giải pháp triển khai đề án

Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đề án Chương trình OCOP.

Thứ hai, tổ chức và kiện toàn bộ máy triển khai Đề án Chương trình OCOP.

Thứ ba, tổ chức triển khai chu trình OCOP linh hoạt và phù hợp.

Thứ tư, hỗ trợ về khoa học công nghệ.

Thứ năm, cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Đề án Chương trình OCOP

Thứ sáu, huy động nguồn lực./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại- VIOIT