Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP: Những vấn đề cần quan tâm

 

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2022

Theo đó, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Bộ tiêu chí OCOP) là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm 06 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Cũng theo nội dung Quyết định, đã có sự thay đổi về điểm của Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP so với Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm ( gọi tắt là Quyết định 1048/QĐ-TTg), như sau:

Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng. (Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg là 35 điểm).

 Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm (không thay đổi so với Quyết định 1048/QĐ-TTg). 

Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế (Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg là 40 điểm).

Nội dung quyết định quy định cụ thể về tiêu chí từng nhóm, phân nhóm sản phẩm tại Phụ lục III kèm theo Quyết định 148/QĐ-TTg, với tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 05 hạng. Trong đó, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu. Hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao. Hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. Hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao. Hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Về công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 03 cấp: Cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Cụ thể, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả. Chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 4 sao, tổ chức công bố kết quả. Chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.

Một số sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang

Như vậy, bên cạnh sự thay đổi về điểm của Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg, còn có sự thay đổi về công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở 03 cấp: Cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương (Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở 02 cấp: Cấp tỉnh và cấp trung ương).

Để tổ chức thực hiện Chương trình OCOP theo nội dung Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ vào điều kiện thực tế, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Đồng thời, Quyết định cũng quy định rõ, đối với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg trước ngày Quyết định này có hiệu lực, được bảo lưu trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận.

Đối với các sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá đạt tiềm năng 5 sao, có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao trước ngày 31 tháng 12 năm 2022, tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chí theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ./.