Chương trình máy tính là gì? Pháp luật về sáng chế liên quan chương trình máy tính tại Việt Nam?

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

1. Chương trình máy tính là gì?

“Chương trình là một tập hợp các câu lệnh được mô tả bằng bất kỳ ngôn ngữ, mã hay hệ thống ký hiệu nào và được thể hiện hoặc lưu trữ trong các vật mang tin (có hoặc không kèm theo các thông tin liên quan), được dùng trực tiếp hoặc dùng gián tiếp sau khi qua một hoặc hai khâu sau:

– Chuyển đổi sang một ngôn ngữ, mã, hệ thống ký hiệu khác;

– Tái tạo sang một vật mang tin khác; làm cho một dụng cụ có khả năng xử lý thông tin thực hiện một chức năng nào đó.”

Theo khoản 1 Điều 22 Luật SHTT 2005:             

“Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể“.

Qua các khái niệm trên cho ta thấy, dưới góc độ kỹ thuật CTMT không chỉ đơn thuần là các PMMT được sử dụng trong MĐT mà còn được sử dụng trong các thiết bị điện tử, viễn thông khác nữa. Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý thì hai khái niệm trên đã bộc lộ sự không đồng nhất: trong khi Quyết định 128/QĐ-TTg quy định phạm vi của CTMT không chỉ là những chương trình được sử dụng trong MĐT thì khoản 1 điều 22 Luật SHTT 2005 giới hạn trong CTMT chỉ sử dụng cho MĐT.

Tuy nhiên, về nguyên tắc thì các quy định trong Luật SHTT vẫn có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định 128/QĐ-TTg nên có thể hiểu CTMT là chương trình được lập trình để điều khiển hoạt động của MĐT, là một chuỗi thông tin chứa các lệnh điều khiển máy tính thực hiện một hay nhiều nhiệm vụ nhất định. CTMT được xây dựng dưới dạng mã nguồn trên cơ sở một ngôn ngữ lập trình nhất định và thường được lưu trữ dưới dạng mã máy.

Nói cách đơn giản, Chương trình máy tính là một dạng hoạt động thủ công nhưng được chuyển đổi sang dạng yêu cầu thành một thứ mà máy tính có thể thi hành được. Trong thực tiễn thường có sự nhầm lẫn giữa khái niệm CTMT và khái niệm
PMMT. Đối với nhiều người sử dụng, khái niệm CTMT và PMMT hầu như không có gì khác biệt.

Dưới góc độ kỹ thuật, kết cấu của PMMT bao gồm ba phần: phần thứ nhất là CTMT gồm mã nguồn và mã máy, phần thứ hai là cấu trúc dữ liệu gồm cấu trúc làm việc và cấu trúc lưu trữ; phần thứ ba là các tài liệu liên quan gồm hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu tham khảo và tài liệu phát triển. Trong ba yếu tố trên thì CTMT là yếu tố hạt nhân quan trọng nhất, nó giống như vai trò của động cơ trong một cỗ máy, các yếu tố còn lại là dữ liệu và tài liệu chỉ đóng vài trò bổ sung cho CTMT.

2. Phân biệt Chương trình máy tính và phần mềm

Để làm rõ sự khác nhau giữa chương trình máy tính và phần mềm, có thể đưa ra 3 góc nhìn như sau:

– Dưới cách tiếp cận theo góc độ pháp lý:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ: “Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.”

Căn cứ theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006, sửa đổi bổ sung 2017 khoản 12 Điều 4: “Phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định”.

Có thể thấy, “Chương trình máy tính” và “Phần mềm” là hai khái niệm pháp lý không tương đồng, không thể thay thế cho nhau. “Phần mềm” mang nội hàm rộng hơn “Chương trình máy tính” vì trong định nghĩa luật định xác định phần mềm bao gồm cả chương trình máy tính.

– Dưới cách tiếp cận về kỹ thuật lập trình, phần mềm bao gồm chương trình máy tính, hướng dẫn cài đặt và các tài liệu ghi chú, trong một phần mềm bao gồm từ hai chương trình trở lên. Có thể thấy mối tương quan giữa phần mềm và chương trình máy tính như sau: “Phần mềm” là một sản phẩm trong khi đó “Chương trình máy tính” là một bộ phận có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ để thực hiện các chức năng quan trọng nhất trong phần mềm.

– Dưới góc nhìn của người sử dụng, phần mềm và chương trình máy tính đều hướng đến chức năng sử dụng của sản phẩm nên thuật ngữ phần mềm được sử dụng khá phổ biến vì tính ngắn gọn, dễ phân biệt với phần cứng của máy tính (hardware).

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thuật ngữ pháp lý ghi nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chương trình máy tính.

3. Pháp luật về sáng chế liên quan chương trình máy tính tại Việt Nam

Những diễn biến trên thực tế đã đặt ra yêu cầu thay đổi cách nhìn nhận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính. Nếu như Khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019, pháp luật đã không công nhận bảo hộ chương trình máy tính dưới hình thức sáng chế, thì Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành vẫn cho phép cấp văn bằng bảo hộ sáng chế cho những giải pháp kỹ thuật liên quan đến chương trình máy tính.

Căn cứ theo quy định tại Mục 5.8.2.5 Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế năm 2010, pháp luật xác định chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kĩ thuật và thực sự là một giải pháp kĩ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kĩ thuật bằng một phương tiện kĩ thuật để tạo ra một hiệu quả kĩ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng lại không được sử dụng cụm từ “chương trình máy tính” hay “phần mềm” trong đơn yêu cầu cấp sáng chế.

Thực tế áp dụng cho thấy, nếu đơn xin cấp bằng sáng chế được mô tả và yêu cầu cấp bảo hộ sản phẩm của nhà sáng chế được đưa ra một cách chung chung, không rõ ràng thì đối tượng được yêu cầu cấp sáng chế có thể sẽ được phân loại thành một ý tưởng trừu tượng. Tuy nhiên, nếu mô tả và yêu cầu bảo hộ với chi tiết kỹ thuật quan trọng và tập trung vào các kỹ thuật tạo ra chương trình máy tính thì có thể sẽ được xem là không phải một ý tưởng trừu tượng.

Theo thống kê, từ năm 1999 đến nay, tại Việt Nam chỉ có 43 đơn xin cấp sáng chế liên quan đến chương trình máy tính trong đó có 7 sáng chế liên quan chương trình máy tính là của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là công dân, tổ chức Việt Nam, số còn lại của các nhà các sáng chế từ nước ngoài xin cấp bảo hộ tại Việt Nam. Một hạn chế là cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ hơn 10 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dựa trên nội dung của Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành tại Điều 5, Mục 5.8.2.5. 

4. Chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng gì?

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể (theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Bên cạnh đó, Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:

– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

– Cách thức thể hiện thông tin;

– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

– Giống thực vật, giống động vật;

– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Theo đó, chương trình máy tính thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế được quy đinh trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính mà không được bảo hộ dưới dạng các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.

5. Vì sao chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học?

Sở dĩ chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học bởi lẽ:

– Khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ và Điều 4 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) nêu rõ:

Các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971).

Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Berne. Theo đó, các quốc gia thành viên Công ước Berne đều phải tôn trọng ngay lập tức quyền tác giả của chương trình máy tính vào thời điểm nó được công bố tại một trong các quốc gia thành viên nên khi chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học sẽ là một lợi thế trong quá trình hội nhập.

– Đối với một tác phẩm quyền tài sản quan trọng nhất là quyền sao chép tác phẩm, do đó việc bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm văn học sẽ  là cơ chế mạnh để ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp chương trình máy tính.

– Bên cạnh đó, bảo hộ quyền tác giả tức là không bảo hộ ý tưởng của chương trình máy tính, tức là sẽ không cản trở người sử dụng chương trình máy tính tiến hành các phân tích ngược để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của chương trình máy tính nhằm mục đích phát triển chương trình máy tính.

Khi đó, người tiến hành phân tích ngược thành công là chủ sở hữu của chương trình máy tính mới. Việc này có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm.

– Không giống như các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, khi giá trị của nó là ở việc áp dụng sản xuất sản phẩm và thu lợi từ sản phẩm đó thì phần mềm máy tính khó tạo ra một sản phẩm cụ thể.

Chính vì vậy không có đối tượng nào của quyền sở hữu công nghiệp là phù hợp để bảo hộ phần mềm máy tính, chỉ sáng chế là có khả năng nhưng đã bị loại trừ khỏi phạm vi cấp bằng bảo hộ. Việc bảo hộ phần mềm máy tính như tác phẩm văn học là hợp lý nhất.