Chương trình lớp 10: Người trong cuộc “lơ mơ” về thông tin đổi mới
–
Thứ hai, 28/03/2022 16:44 (GMT+7)
Chỉ vài tháng nữa, học sinh lớp 10 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng phần đa các em mới chỉ “biết sơ sơ” hoặc “chưa nắm được” việc này.
Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai từ năm học 2022 – 2023 với học sinh lớp 10. Ảnh: T.V
Học sinh “lơ mơ” về chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở bậc THPT sẽ được triển khai từ năm học 2022 – 2023 với lớp 10. Điểm nổi bật của chương trình mới so với chương trình hiện hành là tính định hướng nghề nghiệp rất cao. Theo đó, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.
Cụ thể, thay vì học 17 môn như hiện nay, từ năm học tới, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Cùng với đó, các em có quyền chọn 5 môn học trong 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (trong Nghệ thuật có Âm nhạc và Mĩ thuật)).
Dù là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng khi được hỏi, phần đa các em học sinh nói rằng, mọi thông tin các em có được chỉ dừng lại ở mức “nghe qua”, “biết sơ sơ” hay thậm chí chưa hề biết đến.
Em Mai Trà My, học sinh lớp 9 tại Cầu Giấy, Hà Nội nói rằng, em được cô giáo chủ nhiệm thông báo lên lớp 10 sẽ được học sách giáo khoa mới, chương trình mới và được quyền tự chọn môn học. Tuy nhiên, cụ thể việc lựa chọn như thế nào thì em chưa nắm được.
“Em chỉ biết, nếu được chọn môn, giảm kiến thức thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn. Em vui vì điều đấy” – Trà My vui vẻ nói.
Cũng như Trà My, em Tuệ Tâm – học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ, em cũng có “nghe qua” về việc đổi mới chương trình.
Tuệ Tâm cho rằng, việc đổi mới giúp em được theo đuổi những môn hợp với sở trường, sở thích của mình, được phát triển hết năng lực, tài năng mình có, từ đó, định hướng nghề nghiệp tốt hơn.
Nếu như Tuệ Tâm, Trà My đã “nghe qua” về chương trình GDPT mới thì em Thiều Thị Thùy, lớp 9 ở Thanh Hóa tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về việc lựa chọn môn học.
“Em chưa hề nghe thầy cô giáo phổ biến. Ở vùng nông thôn, việc tìm kiếm, tiếp cận nguồn thông tin của chúng em khá hạn chế, chủ yếu thông qua giáo viên chủ nhiệm. Chưa kể, thời điểm này, chúng em chỉ chú tâm vào việc ôn luyện để thi đỗ cấp 3” – Thùy bày tỏ.
Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai từ năm học 2022 – 2023 với học sinh lớp 10. Ảnh: T.V
Phụ huynh cũng… bất ngờ
Không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi lần đầu “lần đầu nghe thấy” chương trình mới chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12), dù kế hoạch này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ cuối năm 2018.
Chị Bùi Thị Hà, sống ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ giáo viên chủ nhiệm hay từ nhà trường về thay đổi này. Do đó, chị hoàn toàn không nắm được những thông tin về việc áp dụng chương trình GDPT mới đối với lớp 10 từ năm học 2022-2023.
“Thực tế, thời điểm này tôi cũng không quan tâm lắm đến việc đổi mới chương trình hay chọn lựa môn học. Điều tôi quan tâm là con đỗ được vào trường THPT công lập theo mong muốn. Khi con trúng tuyển rồi mới tìm hiểu sau” – chị Hà chia sẻ.
Trước quan điểm đợi thi đỗ vào trường THPT mới tìm hiểu thông tin sau, nhiều thầy cô nhận định, nếu không biết đến sự thay đổi từ sớm, các gia đình và học sinh không đủ thời gian trao đổi, cân nhắc, dễ dẫn đến lựa chọn không phù hợp.
Hiệu trưởng một trường THCS công lập ở nội thành Hà Nội cho hay, do học sinh lớp 9 ôn thi lên lớp 10 trong giai đoạn chuyển cấp nên trách nhiệm thông tin về việc đổi mới chương trình sẽ do các trường THCS đảm đương.
“Chúng tôi chỉ có thể thông báo để phụ huynh, học sinh nắm được tinh thần chung là sang năm sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Còn việc thực thi như thế nào phải do trường THPT thông báo, tuyên truyền. Bên cạnh đó, phụ huynh, học sinh cũng cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin” – vị này cho biết.
Là giáo viên bậc THPT, cô Quý Hoa (Hà Nội) lại cho rằng, với chương trình, giáo trình mới, đến người trong cuộc còn phải dành thời gian nghiên cứu nhưng chưa tỏ tường thì phụ huynh không rõ là chuyện… bình thường.
“Có nhiều bộ sách, mỗi trường chủ động lựa chọn, riêng chương trình, học sinh được lựa chọn môn học,… còn nhiều vấn đề mà chúng tôi phải nghiên cứu trước khi bắt đầu năm học mới” – cô Hoa chia sẻ.