Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học cần tài liệu gì?
Theo yêu cầu vị trí công việc, chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học được tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng các chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy, phẩm chất, đạo đức và năng lực của giáo viên tiểu học. Vậy chương trình bồi dưỡng này sẽ cần những tài liệu gì? Luật Minh Khuê sẽ làm rõ các vấn đề cơ bản về chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học trong bài viết sau đây:
Mục Lục
1. Thế nào là chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học
Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã chỉ ra rằng, chất lượng giảng dạy của giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của các cấp bậc giáo dục nói chung và của cấp tiểu học nói riêng. Do vậy, với sự thay đổi không ngừng của xã hội, năng lực của giáo viên cũng cần được cải thiện, nâng cao và bồi dưỡng không chỉ ở bước đầu mà còn phải xuyên suốt trong quá trình công tác giảng dạy. Và hiểu được vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành riêng Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT quy định chi tiết về Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có đối tượng áp dụng là giáo viên tiểu học để nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giáo dục không ngừng đổi mới hiện nay.
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học được triển khai nhằm mục đích bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng về kiến thức và ký năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên cơ sở giáo dục tiểu học. Từ đó làm căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn những tài liệu phục vụ cho công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm ngân cao phẩm chất cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học.
Việc đào tạo và bồi dưỡng là hai quá trình kế tiếp nhau. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền giáo dục cũng như đáp ứng tư duy đổi mới của xã hội thì việc bồi dưỡng thường xuyên cho các cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục nói chung và cho giáo viên tiểu học nói riêng là điều thiết yếu, vô cùng cần thiết.
2. Nội dung của chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học
2.1. Chương trình bồi dưỡng hàng năm
Nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm nên chương trình bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên tiểu học sẽ bao gồm ba chương trình như sau:
+ Chương trình bồi dưỡng 01: Diễn ra với thời lượng khoảng 01 tuần/ năm học (tương đương với khoảng 40 tiết/năm học). Đây là chương trình bồi dưỡng về cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục tiểu học cũng như chương trình giáo dục, nội dung các môn học và hoạt động giáo dục khác.
+ Chương trình bồi dưỡng 02: Giáo viên tiểu học thực hiện chương trình bồi dưỡng 02 với thời lượng tương đương với chương trình bồi dưỡng 01. Chương trình với nội dung chính là cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ ở mỗi địa phương.
Thời lượng của hai chương trình bồi dưỡng 01 và 02 có thể thay đổi tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của địa phương trong từng năm học.
+ Chương trình bồi dưỡng 03: Diễn ra với thời lượng 01 tuần/năm học (40 tiết/năm học). Đây là chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm. Giáo viên tiểu học sẽ tự lựa chọn các modun bồi dưỡng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Số lượng modun tự chọn phải đảm bảo quy định về thời lượng ở trên. Và thời lượng này không được thay đổi như hai chương trình bồi dưỡng 01 và 02. Các modun bồi dưỡng được quy định cụ thể tại Mục III Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT
2.2. Các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học
Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học được đưa ra nhằm hỗ trợ các giáo viên lựa chọn, tham khảo khi thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cũng như là một loại tài liệu quan trọng giúp thầy cô thực hiện tốt những quy chế được quy định trong Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên khối tiểu học sẽ bao gồm 45 tài liệu được phân làm các nhóm tài liệu như sau:
2.2.1. Tài liệu tiểu học 01
Đây là nhóm tài liệu bồi dưỡng về các vấn đề tâm lý dạy và học trên giảng đường, nắm bắt được tâm lý học tập của học sinh. Nhóm tài liệu bồi dưỡng này giúp giáo viên hiểu rõ được hoạt động học tập của học sinh để từ đó có cách điều chỉnh phương thức giảng dạy sao cho phù hợp đối với từng đối tượng học sinh của mình, nhằm nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy tiểu học. Nhóm tài liệu bao gồm:
– TH1: Một số vấn đề tâm lý học dạy học ở tiểu học, những giải pháp sư phạm
– TH2: Đặc điểm tâm lý của học sinh dân tộc ít người, học sinh có nhu cầu đặc biệt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn
– TH3: Đặc điểm tâm lý của học sinh yếu kém, học sinh cá biệt, học sinh giỏi và năng khiếu
2.2.2 Tài liệu tiểu học 02
Đây là tập hợp các tài liệu hướng dẫn về việc tổ chức giảng dạy lớp học ghép và xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi với học sinh:
– TH4: Môi trường dạy học lớp ghép
– TH5: Tổ chức học tập cho học sinh ở lớp ghép
– TH6: Kế hoạch dạy học ở lớp ghép
– TH7: Xây dựng môi trương học tập thân thiện
– TH8: Thư viện trường học thân thiện
– TH9: Hướng dẫn, tư vấn cho học sinh tiểu học
– TH10 Giáo dục hòa nhập
– TH11: Tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ có khó khăn về nghe
2.2.3. Tài liệu tiểu học 03
Nhóm tài liệu này tập trung bồi dưỡng về việc xây dựng, lên kế hoạch, phương pháp giảng dạy ở tiểu học theo hướng tích cực và việc tổ chức dạy học tích hợp là một trong những quan điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông của một số nước trên thế giới:
– TH12: Lập kế hoạch dạy học tích hợp các nội dung giáo dục ở tiểu học
– TH13: Kỹ năng lập kế hoạch bài học theo hướng dạy học tích cực
– TH14: Thực hành thiết kế bài học theo hướng dạy học tích cực
– TH15: Một số phương pháp dạy học tích cực ở tiểu học
– TH 16: Một số kỹ thuật dạy học tích cực ở tiểu học
2.2.4. Tài liệu tiểu học 04
Nhóm này bồi dưỡng giáo viên tiểu học kỹ năng sử dụng, áp dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ cơ bản vào quá trình giảng dạy. Với thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì việc sử dụng các thiết bị công nghệ thành một phương pháp dạy học là một điều tất yếu. Điều này giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình hình thành kiến thức, giúp chjo học sinh lĩnh hội kiến thức một cách dễ dàng hơn, chính xác hơn và bền vững hơn:
– Th17: Sử dụng thiết bị dạy học ở tiểu học
– TH18: Lắp đặt, bảo quản thiết bị dạy học ở tiểu học
– TH19: Tự làm đồ dùng dạy học ở tiểu học
– TH20: Kiến thức, kỹ năng tin học cơ bản
– TH22: Ứng dụng phần mềm trình diễn Microsoft Powerpoint trong dạy học
– TH23: Mạng Internet – Tìm kiếm và khai thác thông tin
2.2.5. Tài liệu tiểu học 05
Nhóm tài liệu này đề cập đến các phương thức đánh giá kết quả học tập cho học sinh tiểu học. Việc đánh giá tri thức được xem là một phần không thể thiếu trong quá trình dạy học. Việc đánh giá giúp cho nhà sư phạm thu được những tín hiệu từ phía người học, nắm được kết quả học tập cũng như phát hiện ra nguyên nhân của những thực trạng này. Từ đó có phương pháp điều chỉnh hoạt động học và dạy cho phù hợp. Việc đánh giá tri thức được tiến hành một cách công bằng và khách quan sẽ đem lại những tác động tích cực cho mọi nền giáo dục:
– TH24: Đánh giá kế quả học tập ở tiểu học
– TH25: Các kĩ thuật bổ trợ trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở tiểu học
– TH26: Hình thức tự luận và trắc nghiệm trong đánh giá kết quả học tập ở tiểu học
– TH27: Kiểm tra đánh giá bằng nhận xét thể chất
– TH28: Kiểm tra, đánh giá các môn học bằng điểm số
2.2.6. Tài liệu tiểu học 06
Đây là nhóm tài liệu đề cập đến việc áp dụng nghiên cứu khoa học sư phạm trong hoạt động giảng dạy ở Việt Nam và việc phân hóa trong tổ chức lớp học:
– TH29: Phương pháp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng
– TH30: Hướng dẫn áp dụng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng ở tiểu học trong điều kiện thực tế ở Việt Nam
– TH31: Tổ chức dạy học cả ngày
– TH32: Dạy học phân hóa ở tiểu học
– TH33: Thực hành dạy học phân hóa ở tiểu học
2.2.7. Tài liệu tiểu học 07
Nhóm tài liệu này bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn của một giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu học cần phải có. Giáo viên chủ nhiệm trong môi trường tiểu học có vai trò hết sức quan trọng vì họ là đại diện của Hiệu trưởng, trực tiếp quản lý và tổ chức thực hiện giáo dục toàn diện học sinh ở một lớp học. Giáo viên chủ nhiệm sẽ có nhiệm vụ và hoạt động nghiệp cụ khác với các giáo viên không làm chủ nhiệm lớp. Do vậy đề ra một bộ tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng công tác giáo viên chủ nhiệm là điều hết sức cần thiết:
– TH34: Công tác chủ nhiệm lớp ở trường tiểu học
– TH35: Giáo viên chủ nhiệm trong các hoạt động ở trường tiểu học
– TH36: Kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh của người giáo viên chủ nhiệm
2.2.8. Tài liệu tiểu học 08
Và cuối cùng, đây là nhóm tài liệu bồi dưỡng về cách thức tổ chức hoạt động ngoài giờ, hoạt động ngoại khóa bổ ích cho học sinh tiểu học và việc giáo dục kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. Hoạt động ngoại khóa là cách thức quan trọng gắn kết các hoạt động dạy học, giữa các môn học, giữa học và hành, giữa nhà trường và xã hội. Vì vậy việc hiểu nội dung và các phương thức tổ chức hoạt động ngoại khóa cũng như kỹ năng sống cho học sinh giữ một vị trí quan trọng trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học:
– TH37: Những vấn đề chung về tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường tiểu học
– TH38: Nội dung và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở tiểu học
– TH39: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học qua các môn học
– TH40: Thực hành giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học qua các môn học
– TH41: Giáo dục kỹ năng sống qua các hoạt động giáo dục
– TH42: Thực hành Giáo dục kỹ năng sống trong một số hoạt động ngoại khóa ở tiểu học
– TH43: Giáo dục bảo vệ môi trường qua các mộn học ở tiểu học
– TH45: Xây dựng cộng đồng thân thiện vì trẻ em
Trên đây là tư vấn về Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học cần tài liệu gì? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật giáo dục trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng cảm ơn!