Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục trao giải cho 5 công trình xuất sắc
Giao lưu với các tác giả có công trình lọt vào chung khảo tại lễ trao giải chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” – Ảnh: THANH HẢI
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Năm 2022, có 1.555 công trình là sáng kiến của 827 tác giả, nhóm tác giả tham gia chương trình này. Trong đó có 224 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; 352 công trình sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu và 970 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Theo TS Nguyễn Quân – nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, trưởng ban giám khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, trải qua 6 năm, các công trình tham gia đã thay đổi tích cực cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ có hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng, tính thương mại hóa của các công trình cũng cao hơn.
5 công trình xuất sắc nhất trong số 11 công trình vào chung khảo đã được trao thưởng đặc biệt với 100 triệu đồng/công trình. Các công trình còn lại được trao thưởng 10 triệu đồng/công trình.
5 công trình xuất sắc gồm:
Công trình Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ em khiếm thị của nhóm tác giả Trịnh Thu Thanh, Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội).
Công trình “Cunghoc.edu.vn – Nền tảng học tập trực tuyến cho giáo viên” của nhóm Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Quỳnh Anh, Phạm Minh Anh, Đào Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh (Hà Nội).
Công trình Hệ thống hỗ trợ dạy và học kỹ năng nói tiếng Anh – ICORRECT của Nguyễn Minh Đức (Hà Nội).
Công trình “Meta STEM – Sáng kiến nền tảng dạy học STEM qua thí nghiệm mô phỏng” của nhóm Võ Nguyễn Đình Trí, Trần Anh Quân, Nguyễn Quang Đức, Hoàng Trọng Gia Huy.
Công trình “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ thí nghiệm quang học đa năng sử dụng trong dạy học vật lý, phục vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” của nhóm Phạm Tuấn Long, Lộ Thị Phương, Phạm Thị Huyền, Nguyễn Việt Hưng.
Tri thức trẻ vì giáo dục 2021: Đề cao tính ứng dụng thực tiễn