Chương trình Thạc sĩ Quản lý Công – Khoa Quản Lý Nhà Nước | ĐH Kinh Tế TP Hồ Chí Minh
- Mục tiêu đào tạo:
Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Công (MPM) theo hướng ứng dụng nhằm tăng cường năng lực quản lý và lãnh đạo cho các cán bộ làm việc trong các tổ chức công thuộc bộ máy nhà nước (đặc biệt là chính quyền địa phương), các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận. Trọng tâm của Chương trình là trang bị cho học viên khả năng tư duy, phân tích các vấn đề trong lĩnh vực công và chính sách công, từ đó vận dụng kiến thức, phương pháp, và các kỹ năng quản lý và lãnh đạo để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược và chính sách của tổ chức, lĩnh vực và địa phương mình.
Các mục tiêu cụ thể của Chương trình bao gồm:
– Học viên nắm vững được sự khác biệt về môi trường và đối tượng phục vụ trong khu vực công và khu vực phi lợi nhuận so với khu vực tư, và qua đó có được nhận thức đúng đắn và nhất quán về vai trò và chức năng của một nhà quản lý trong khu vực công và phi lợi nhuận. Học viên nhận thức sâu sắc các giá trị và thái độ chuẩn mực và hiện đại trong quản lý công, đó là “mục tiêu của các tổ chức công là nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, phục vụ người dân – khách hàng và phát triển các cơ hội mới; cam kết thay đổi tích cực văn hóa hành chính hiện tại; theo đuổi phương thức quản lý gắn với mục tiêu và nâng cao hiệu quả”.
– Học viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng để có đủ năng lực phân tích, đánh giá các vấn đề chính sách công, từ đó đề xuất lựa chọn những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.
– Học viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quản lý và lãnh đạo gắn liền với khu vực công, trong đó chú trọng đến năng lực xác định tầm nhìn và sứ mạng của tổ chức công; hoạch định, tổ chức triển khai, và kiểm soát việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu chính sách với hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, học viên có khả năng tư duy, phân tích độc lập và ra quyết định trong quá trình quản lý các tổ chức công ở các lĩnh vực như nhân sự, tài chính, tiếp thị địa phương, quản lý dự án, và quản lý đô thị.
– Học viên có khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức và kỹ năng đã được trang bị để giải quyết các tình huống quản lý khác nhau; có khả năng giao tiếp, xác định nhu cầu của người dân – khách hàng, xử lý xung đột, quản lý sự thay đổi, đồng thời động viên, lãnh đạo dẫn dắt các cá nhân hướng vào mục tiêu của tổ chức. Ngoài ra, học viên cần nắm vững kỹ năng quản lý đàm phán và truyền thông vì vai trò ngày càng quan trọng của nó trong môi trường quản lý công “mới”.
- Thời gian đào tạo: 2 năm, hình thức không tập trung
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 60 tín chỉ
- Đối tượng tuyển sinh:
Đối tượng tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Quản lý Công cụ thể như sau:
– Học viên tham gia Chương trình Thạc sĩ Quản lý Công phải có bằng tốt nghiệp đại học các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, các ngành thuộc khoa học xã hội – nhân văn và khoa học tự nhiên – kỹ thuật.
– Đối tượng dự tuyển không phải bổ sung kiến thức: Bao gồm những sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học các ngành Kinh tế hoặc Quản trị kinh doanh (kể cả các ngành Kế toán, Tài chính, Ngân hàng, Thương mại, ..) và Hành chính công.
– Đối tượng dự tuyển phải bổ sung kiến thức: Bao gồm những sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học không thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, và Hành chính Công.
– Ứng viên dự tuyển Chương trình Thạc sĩ Quản lý Công thực hiện các thủ tục về hồ sơ dự thi và tham dự kỳ thi tuyển sinh theo quy trình do Viện Sau đại học – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
– Việc tổ chức thi tuyển cho Chương trình Thạc sĩ Quản lý Công sẽ tuân theo các quy định chung của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Các ứng viên sẽ được tuyển chọn dựa trên kết quả tuyển sinh.
- Quy trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp: theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Thang điểm: 10
- Nội dung chương trình đào tạo:
7.1 Mô tả chương trình
Chương trình được xây dựng dựa vào việc tích hợp các chương trình đào tạo tiên tiến có chọn lọc từ nước ngoài, đảm bảo khung chương trình đào tạo linh hoạt, hiện đại và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Quy trình đào tạo cụ thể của Chương trình bao gồm:
- Thứ nhất, Chương trình được thiết kế theo hướng trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu nhằm phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong khu vực công, quản lý và lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu trong khu vực công.
- Thứ hai, Chương trình được thiết kế theo hướng nhấn mạnh kiến thức, kỹ năng và phong cách lãnh đạo, không quá chú trọng vào đào tạo nghiên cứu hàn lâm.
- Thứ ba, để nâng cao năng lực phát hiện và phân tích vấn đề trong khu vực công các học viên phải thực hiện một tiểu luận trong các môn học của chương trình đào tạo. Tiểu luận sẽ giúp cho các học viên có thể tổng hợp và vận dụng những kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong từng môn học để khám phá và giải quyết một vấn đề trong lĩnh vực công liên quan đến môn học.
- Thứ tư, nhằm tuân thủ Quy chế đào tạo Thạc sĩ hiện hành Chương trình này ngoài 46 tín chỉ về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành còn yêu cầu học viên phải thực hiện một luận văn tốt nghiệp 14 tín chỉ có định hướng là một bài tập phân tích trong đó các học viên phát hiện và nêu ra vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực quản lý các tổ chức công hoặc phi lợi nhuận và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.
7.2 Chương trình đào tạo