Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Nâng tầm nông sản địa phương

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Nâng tầm nông sản địa phương

 “Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. 

“Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương” – ông Nguyễn Thanh Hiệp – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 làng nghề truyền thống, 503 hợp tác xã, 1.326 tổ hợp tác và một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ là một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.

Sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Mỳ gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là sản phẩm chủ lực trong triển khai chương trình OCOP của thành phố Việt Trì cũng như của tỉnh. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất, chế biến được hơn 30 tấn bún, mỳ khô các loại. Nhờ chủ động đổi mới chất lượng, mẫu mã, nâng cấp công nghệ, sản phẩm của HTX đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, kết nối thành công đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương.

Ông Phan Thanh Dương – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Việt Trì cho biết: Để triển khai chương trình OCOP, thành phố Việt Trì đã kết nối với các ngành, các đơn vị cung ứng hỗ trợ tập trung phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Phú Thọ là địa phương nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Bưởi (bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn); gạo chất lượng cao J02; thịt chua Thanh Sơn; bánh tai (thị xã Phú Thọ); gạo nếp gà gáy Mỹ Lung (Yên Lập); rau an toàn (Tam Nông); rau an toàn Tứ Xã (Lâm Thao); tương làng Bợ (Thanh Thủy); khoai tầng vàng, chuối phấn vàng (Thanh Sơn); cá lồng sông Đà (Thanh Thủy)…

Để triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành, thị tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện chương trình OCOP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua rà soát, toàn tỉnh có 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế, thuộc 6 nhóm về thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ nông thôn. Trên cơ sở 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của tỉnh, có 21 sản phẩm được lựa chọn dự kiến để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc triển khai chương trình vẫn còn hạn chế do đặc thù của từng địa phương. Cụ thể như một số sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng, sản lượng tốt thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh về giá và thị trường với các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa hợp chuẩn, hợp quy gây khó khăn trong khâu tiêu thụ…

Theo ông Nguyễn Thanh Hiệp – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Nhằm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình OCOP đến năm 2020, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi thế khi tham gia chương trình OCOP, các địa phương cần rà soát, xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài. Các địa phương cũng cần tập trung hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, các ngành, địa phương cần hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn và tạo ra sản phẩm, ngành nghề mới có sự khác biệt để từng bước xây dựng thương hiệu, tạo khả năng cạnh tranh, không chỉ sản xuất và phát triển trong một xã mà còn nhân rộng ra các địa phương.

Chia sẻ