Chứng thực là gì? Đối tượng chứng thực gồm những gì?

Chứng thực là hoạt động mà có lẽ hầu hết mọi công dân đều đã từng thực hiện thủ tục này với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, khi được hỏi về chứng thực thì rất nhiều người có sự nhầm lẫn với hoạt động công chứng.

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ hỗ trợ cung cấp các thông tin liên quan đến Chứng thực là gì? và các nội dung liên quan đến chứng thực theo quy định pháp luật hiện hành để Quý khách hàng có thể nắm rõ hơn và có sự phân biệt với Công chứng.

Chứng thực là gì?

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về định nghĩa chứng thực là gì? Do vậy, trên thực tế rất nhiều người có sự nhầm lẫn giữa công chứng và chứng thực, thường gọi chung là công chứng mà không biết rằng đây là hai định nghĩa khác nhau hoàn toàn.

Dưới góc độ pháp lý, có thể hiểu chứng thực là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp của các loại giấy tờ, văn bản hoặc chữ ký của các cá nhân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế,…

Các văn bản pháp luật hiện hành chỉ có quy định về khái niệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng.

Các loại chứng thực?

Theo các quy định tại nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 02 năm 2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, bao gồm các loại chứng thực sau:

– Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

– Chứng thực từ bản gốc là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

– Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch;

Đặc điểm của chứng thực?

Có thể thấy pháp luật chưa có quy định cụ thể khái niệm Chứng thực là gì? Quý khách hàng có thể hiểu chứng thực dựa trên góc độ pháp lý mà chúng tôi đã nêu ra ở phần trên để có sự phân biệt với Công chứng và thực hiện theo đúng quy định.

Vậy hoạt động chứng thực có những đặc điểm gì? Có thể điểm qua các đặc điểm như sau:

+ Chứng thực là việc cơ quan nhà nước thực hiện chứng nhận các sự việc, chủ yếu là chứng thực về mặt hình thức của văn bản, giấy tờ mà không đề cập đến nội dung chứng thực;

+ Khi chứng thực cần thực hiện ở đúng cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền quản lý hồ sơ. Theo quy định các cơ quan có thẩm quyền chứng thực, bao gồm: Phòng tư pháp; UBND xã, phường, thị trấn; Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác được ủy quyền để thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; Công chứng viên.

Như vậy, sẽ tùy thuộc vào loại giấy tờ mà người có yêu cầu chứng thực để thực hiện chứng thực ở các cơ quan có thẩm quyền khác nhau.

+ Trong cuộc sống, đôi khi có những phát sinh liên quan đến một số hoạt động cần giấy tờ có tính chất pháp lý hay để xác nhận một sự việc nào. Khi đó, bắt buộc người có liên quan phải có một văn bản, giấy tờ, tài liệu hợp pháp, chính xác để làm chứng cứ chứng minh cho nội dung đó thì cá nhân thực hiện hoạt động chứng thực theo đúng quy định, tránh gặp phải những tranh chấp không mong muốn.

+ Hoạt động chứng thực góp phần đảm bảo tính trung thực, tính chính xác theo đúng luật, đúng các văn bản gốc đã được lưu giữ tại cơ quan, tổ chức quản lý có thẩm quyền. Qua đó, giúp Nhà nước quản lý hiệu quả mọi hoạt động trên phạm vi cả nước.

 

Đối tượng chứng thực gồm những gì?

Theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định các đối tượng chứng thực bao gồm:

+ Chứng thực bản sao từ sổ gốc hay còn gọi là cấp bản sao từ sổ gốc là việc cơ quan, tổ chức đang thực hiện quản lý hồ sơ sổ gốc căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho cá nhân có nhu cầu. Bản sao khi được cấp từ sổ gốc phải đúng với nội dung được ghi trong sổ gốc.

+ Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc chứng thực bản sao đúng với bản chính dựa trên căn cứ là bản chính của người có yêu cầu.

+ Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện chứng thực chữ ký trong các văn bản, tài liệu, giấy tờ là chữ ký của người có yêu cầu chứng thực.

+ Chứng thực các hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thực hiện chứng thực về các nội dung như địa điểm, thời gian các bên đã giao kết hợp đồng; về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chứng thực chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên khi tham gia ký kết trong hợp đồng, giao dịch cần chứng thực.

Phân biệt công chứng và chứng thực

Chứng thực và công chứng là hai khái niệm khác nhau trong lĩnh vực pháp lý. Dưới đây là sự phân biệt giữa chứng thực và công chứng:

– Chứng thực: Chứng thực là việc xác nhận tính chính xác và đúng đắn của một tài liệu hoặc thông tin bằng các phương tiện như chữ ký, con dấu, bản sao, hoặc các phương tiện khác. Chứng thực thường được sử dụng trong các thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, giao dịch tài chính và các thủ tục pháp lý khác.

– Công chứng: Công chứng là việc xác thực việc ký tên và chữ ký trên một tài liệu, bằng cách có sự tham gia của một công chứng viên. Công chứng viên có thẩm quyền để xác nhận tính chính xác và đúng đắn của một tài liệu hoặc thông tin bằng cách chứng nhận chữ ký hoặc giấy tờ. Công chứng thường được sử dụng trong các thủ tục liên quan đến tài sản, kế hoạch di chúc, thừa kế, kết hôn, ly hôn và các vấn đề pháp lý khác.

Tóm lại, chứng thực là việc xác nhận tính chính xác và đúng đắn của một tài liệu hoặc thông tin, trong khi công chứng là việc xác thực chữ ký hoặc giấy tờ trên một tài liệu thông qua sự tham gia của một công chứng viên.

Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực?

Theo quy định hiện hành, các cơ quan sau có thẩm quyền thực hiện hoạt động chứng thực:

1/ Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

+ Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

+ Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.

2/ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;

+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;

+  Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;

+ Chứng thực di chúc;

+  Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;

+ Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.

3/ Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài:

+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

+ Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

Giá trị pháp lý của văn bản chứng thực?

Các văn bản khi được chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giá trị pháp lý của các văn đó được quy định như sau:

+ Đối với các văn bản là bản sao được cấp từ sổ gốc và các văn bản là bản sao được chứng thực từ bản chính sẽ có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giấy tờ của các giao dịch liên quan.

+ Đối với trường hợp chứng thực chữ ký có giá trị chứng minh của người có yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, đồng thời là căn cứ để xác định các trách nhiệm của người đã thực hiện ký các văn bản, giấy tờ.

+ Đối với chứng thực các hợp đồng, giao dịch sẽ có giá trị chứng minh về các nội dung ghi nhận trong hợp đồng như: địa điểm, thời gian, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện của các bên trong hợp đồng, giao dịch, chữ ký,…

Vậy nên, tùy thuộc vào từng văn bản mà người có yêu cầu chứng thực tại cơ quan nhà nước sẽ có giá trị pháp lý khác nhau.

Trên đây là thông tin và các vấn đề liên quan đến Chứng thực là gì theo quy định mới nhất mà chúng tôi muốn cung cấp đến Quý độc giả để tham khảo.

Nếu còn bất cứ vấn đề gì cần được hỗ trợ tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hotline 1900 6557 để được tư vấn.