Chung tay xây dựng môi trường giáo dục: Tư vấn tâm lý học sinh

(Báo Đồng khởi Online)-Tư vấn tâm lý học sinh (HS) là việc làm cần thiết trong xây dựng môi trường giáo dục được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) xác định. Hoạt động nhằm hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

Tâm Trẻ thơ như tờ giấy trắng

Hiện nay, khi nói đến các bạn trẻ, vấn đề chung mà cộng đồng quan ngại là những biểu hiện tâm lý của tuổi mới lớn. Bên cạnh những suy nghĩ tích cực hướng đến yêu thương và chia sẻ, lối suy nghĩ cực đoan tiềm ẩn trong một số trường hợp HS cá biệt hay những em gặp phải những sang chấn tâm lý.

Chia sẻ vấn đề này, một công chức công tác Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Tri cho biết: “Thế hệ trẻ hiện nay khác xa với thời của chúng tôi, một số em có những hành động và thái độ bất đồng với những người xung quanh. Nguyên nhân có thể là do sự phát triển của xã hội, tiếp cận quá sớm mà không có sự chọn lọc các thông tin trên các trang mạng. Mặt khác, nhiều gia đình cưng chiều con thái quá làm các em ỷ lại và luôn muốn thể hiện mình là trung tâm của xã hội”.

Bên cạnh đó, có những trẻ phải xa cha mẹ, sống với ông bà nên thiếu tình thương và sự răn đe, uốn nắn ban đầu. Các em có những biểu hiện lệch lạc trong lối sống và cách ứng xử. Do đó, rất cần sự chia sẻ, tư vấn để các em có cái nhìn đúng đắn, rõ ràng trước các vấn đề trong cuộc sống.

Trường hợp em N.N.T, sinh năm 1994, ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm từng là HS chăm ngoan, học giỏi nhưng do thiếu sự quan tâm của gia đình, em giao du với bạn xấu rồi bị lôi kéo chơi bời, làm sa sút việc học. Kết quả, em không đạt điểm vào trường THPT. Dù gia đình cho tham gia phổ cập nhưng lỗ hổng kiến thức trong suốt một thời gian dài nên em không có khả năng tiếp thu và phải kết thúc việc học từ nhiều năm trước.

Theo N.N.T, bản thân em thời đó dù có những chuyện biết sai nhưng muốn chứng tỏ và thể hiện mình nên cố tình làm sai. Nếu được quay lại thời trẻ em sẽ sống khác, sẽ không ương bướng và ngoan ngoãn hơn. Nhớ về “tuổi thơ dữ dội”, N.N.T bộc bạch: “Giá như có ai đó lắng nghe, chia sẻ giúp em vượt qua gút mắc tâm lý ngày ấy, chắc ngày hôm nay của em sẽ khác”.

Ông Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thạch (Châu Thành) chia sẻ, phải thừa nhận biểu hiện tâm lý của HS, đặc biệt là khoảng giữa cấp 2 rất phức tạp. Ở tuổi trẻ con không ra trẻ con, người lớn không phải người lớn, nếu chúng ta lơi lỏng dù chỉ một chút là các em dễ dàng sa chân trước những cám dỗ bên ngoài xã hội.

Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý

Bà La Thị Thúy – Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông và có hiệu lực từ ngày 2-2-2018. Tuy nhiên, trước đó, sở đã chỉ đạo cơ sở giáo dục quan tâm cho hoạt động này. Nhiều năm qua, việc tư vấn tâm lý đã trở thành hoạt động thường xuyên trong nhiều trường trên địa bàn tỉnh.

Tại Trường THCS Thành phố Bến Tre, từ năm học 2014-2015, thông qua các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… giáo viên kịp thời nắm tâm lý HS. Ông Nguyễn Anh Dũng – Hiệu trưởng cho biết, tâm lý HS không thích chia sẻ hoặc không dám nói với thầy cô giáo và gia đình những suy nghĩ cũng như các vấn đề các em gặp phải. Xác định điều đó, trường đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm kết hợp mời diễn giả để sinh hoạt chuyên đề theo từng thời điểm. Thông qua các diễn giả, giáo viên của trường sẽ có những tác động chấn chỉnh, định hướng giúp HS phát triển theo hướng tích cực.

Bà Võ Phụng Liễu – Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Thành (Giồng Trôm) cho hay, cách đây 5 năm, trường tổ chức tư vấn cho các em HS với hình thức tư vấn cá nhân, gần gũi, quan tâm quan sát biểu hiện tâm lý và nắm hoàn cảnh của các em. Đối với HS gặp khó khăn, trường kêu gọi hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Đa số trường hợp tâm lý các em gặp phải là do hoàn cảnh gia đình cha mẹ ly thân, ly dị, đánh nhau và vấn đề tình cảm nam nữ của các em.

Theo bà La Thị Thúy, Thông tư số 31 ban hành, Bộ yêu cầu các trường tổ chức tham vấn tâm lý đối với HS gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời; giới thiệu, hỗ trợ đưa đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp HS bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của trường. Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, có ấn định số tiết cụ thể cho công tác tư vấn tâm lý HS tùy theo cấp học. Đồng thời thành lập tổ tư vấn nhằm thực hiện tư vấn cho các em khi cần thiết.

“Sở cũng đã triển khai đến lãnh đạo các cơ sở giáo dục và yêu cầu bám sát tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp cho việc thành lập tổ tư vấn nhà trường và tổ chức thực hiện một cách tối ưu nhất, nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện”, bà La Thị Thúy cho hay.

Theo Thông tư số 31, tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông, tư vấn tâm lý cho HS gồm các nội dung: tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học).

Bài, ảnh: Phan Hân