Chung tay xây dựng hoạt động giáo dục hướng nghiệp – Đại học Quang Trung
Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong trường phổ thông đóng vai trò quan trọng, giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân học sinh để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp. Mặc dù nhiều trường phổ thông đã tăng cường công tác GDHN, song nhiều học sinh vẫn còn do dự và chưa định hướng được nghề nghiệp. Vì vậy, muốn đạt hoạt động GDHN hiệu quả, trường đại học, các trường phổ thông, gia đình và các đoàn thể liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ.
Ngày 21/10, Trường Đại học Quang Trung đã tổ chức thành công Hội thảo “Đề xuất phương pháp mới trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường THPT” với sự tham gia của hơn 20 đại diện đến từ các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh thành lân cận.
GDHN có mục đích chung là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh trên cơ sở của sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú sở thích cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động trong các hoạt động đa dạng của đời sống xã hội. Công tác hướng nghiệp là một hệ thống những biện pháp tâm lý-giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của thanh thiếu niên, đối chiếu với các năng lực đó với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra đối với người lao động, có tính đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội, trên cơ sở đó người làm công tác hướng nghiệp sẽ có những tư vấn, lời khuyên về chọn nghề, chọn ngành có căn cứ khoa học, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn giúp định hướng học sinh chọn đúng nghề nghiệp theo năng lực của bản thân.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Phư khẳng định Trường Đại học Quang Trung đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các trường THPT trong công tác GDHN. “Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra phương pháp mới trong hoạt động GDHN tại các trường THPT; đồng thời tạo sự kết nối, phối hợp giữa Nhà trường và các Trường THPT trong việc hỗ trợ học sinh định hướng nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hội thảo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng nghiệp – là một hoạt động không thể thiếu được ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân học sinh để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp.”, PGS.TS Nguyễn Đình Phư cho biết.
Thực tế nhiều học sinh đang bị chi phối và chưa định hướng được nghề nghiệp bản thân. Tại Hội thảo, nhiều lãnh đạo các Trường THPT đưa ra các nguyên nhân như: chọn nghề theo cảm tính, sở thích, bạn bè rủ rê, xu hướng… khiến học sinh chưa thực sự lựa chọn được đúng nghề nghiệp theo khả năng của bản thân.
Theo TS.Trần Thị Việt Ngân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung, việc hiểu được chính mình rất quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Với tham luận “Ứng dụng thuyết con nhím, trắc nghiệm Holland và khái niệm Ikigai trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp”, TS. Việt Ngân cho rằng, hướng nghiệp không chỉ là trách nhiệm của trường đại học, mà là trách nhiệm của trường phổ thông và gia đình. Sự phối hợp giữa các bên sẽ giúp học sinh hiểu và lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với khả năng. Ikigai là một khái niệm bắt nguồn từ Nhật Bản, có nghĩa là “lý do của sự tồn tại”. Thuật ngữ “Ikigai” thường được dùng để chỉ thứ khởi nguồn cho những giá trị trong cuộc đời con người, hoặc những điều làm cho cuộc sống của họ đáng sống. Xác định được Ikigai thì học sinh sẽ tìm được cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. “Làm việc gì để mỗi ngày đều thấy hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh? Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa của 3 yếu tố: sở thích, năng lực và điều xã hội cần. Hành trình tìm Ikigai là một quá trình dài và không ai dám chắc khi nào tìm được và lúc đó bản thân sẽ tự đặt ra nhiều câu hỏi. Vì vậy, học sinh rất cần sự hướng dẫn, tư vấn từ thầy cô giáo, gia đình.”, TS. Việt Ngân nhấn mạnh.
Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong việc hướng nghiệp cho học sinh, ông Huỳnh Ngọc Mai – Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (TX.An Nhơn, Bình Định), cho rằng công tác GDHN là một vấn đề rất quan trọng, có nhiều khó khăn nhưng lại là một trong những yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay. “Nhiệm vụ của GDHN cho học sinh phổ thông là giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn với nghề nghiệp, giúp học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương. Đồng thời, tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất, động viên học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần”, ông Huỳnh Ngọc Mai nói.
Ông Huỳnh Ngọc Mai cho rằng hoạt động tư vấn nghề nghiệp cần tập trung giúp học sinh tự nhận thức, đánh giá về bản thân, tìm hiểu về ngành, nghề, trường đào tạo và đưa ra quyết định lựa chọn nghề. Cha mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là việc làm cần thiết, song để tư vấn đúng cách ngoài hiểu biết cần phải khéo léo, cẩn trọng và giao quyền quyết định cho con. Thay vì bắt ép, phụ huynh chỉ nên phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn.
Cùng quan điểm, ông Phạm Mạnh Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Mỹ, Bình Định), cho rằng cần phối hợp thật tốt các lực lượng xã hội, các cơ sở giáo dục, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để tư vấn, hướng nghiệp, định hướng cho các em học sinh. “Học sinh cần chuẩn bị cho mình một số phương án lựa chọn nghề nghiệp để nếu không thành công trong khi lựa chọn đại học thì có thể có cách khác vì đại học cũng không phải là tất cả. Cha mẹ nên là người chuẩn bị sẵn tinh thần cho các em và học sinh cũng cần hiểu rằng các em vẫn có thể thành công bằng những con đường khác. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT không chỉ đơn giản là chuẩn bị cho các em kiến thức mà còn là định hướng tâm lý cho em học sinh nếu chẳng may các em thất bại hoặc vấp ngã”, ông Cường nhấn mạnh.
Nhiều đại diện trường THPT tham gia Hội thảo ghi nhận và trân trọng sự quan tâm của Trường Đại học Quang Trung về hoạt động GDHN đối với các trường trong thời gian qua. Nhà trường đã xây dựng các CLB hoạt động như: Tiếng Anh, STEM, cuộc thi… để học sinh có sân chơi, có cơ hội thể hiện năng lực. Từ đó, các thầy cô, giáo viên làm nhiệm vụ của GDHN cho học sinh phổ thông đã phần nào hiểu được năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh; khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; động viên học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần.
Tham dự Hội thảo, đại diện Tỉnh đoàn Bình Định, anh Đinh Chí Công – Trưởng ban Thanh thiếu nhi – Trường học cho biết, trong thời gian qua các hoạt động của Tỉnh đoàn rất chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên. Nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa giúp các bạn thanh niên (độ tuổi học sinh THPT) hiểu rõ hơn về khả năng và sở thích của bản thân. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều hơn các hoạt động truyền thông để toàn xã hội, các cấp, các ngành, mọi gia đình và thanh thiếu niên nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Mọi gia đình, mọi cá nhân thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc đánh giá đúng hoàn cảnh kinh tế, khả năng học tập của bản thân mà lựa chọn con đường học tập cho phù hợp.”, anh Đinh Chí Công phát biểu.
Hội thảo đã tổng hợp được nhiều giải pháp hữu ích cho công tác GDHN tại các trường THPT. Trường Đại học Quang Trung sẽ tiếp tục đồng hành cùng các trường THPT, thầy cô giáo hướng nghiệp và quý phụ huynh trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.
PHÒNG TRUYỀN THÔNG & TUYỂN SINH