Chung tay thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng, chống ‘căn bệnh thế kỷ’
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Hãy cùng chung tay, đồng lòng để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS – Ảnh: VGP/Giang Oanh
Nhân dịp năm mới 2022, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về mục tiêu trên.
Số người phát hiện nhiễm HIV hằng năm vẫn còn cao
Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay và khả năng chúng ta thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV ở nước ta còn sống; lũy tích số người tử vong là 110.990 trường hợp. Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 13.000 người nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV tử vong. Trong số người nhiễm HIV mới phát hiện, nam giới chiếm 84,7%; bệnh lây qua đường tình dục chiếm 79,1%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được Đảng, Chính phủ và các cơ quan triển khai. Xét nghiệm HIV được mở rộng ở cộng đồng. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm được triển khai rộng rãi, gồm phân phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Chúng ta đã điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 52.560 bệnh nhân tại 63 tỉnh/thành phố; thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho gần 1.200 bệnh nhân tại 3 tỉnh/thành phố. Triển khai điều trị PrEP cho gần 38.000 người tại 213 cơ sở y tế. Điều trị bằng thuốc ARV cho 162.735 người bệnh HIV/AIDS, trong đó có 86.509 người bệnh điều trị thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT (chiếm hơn 53%).
Đặc biệt, chất lượng điều trị tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới, với 97,2% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (1.000 bản sao/ml máu) và 95,1% bệnh nhân có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu).
Trong bối cảnh COVID-19, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp cụ thể, bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục, không bị đứt đoạn, nhất là điều trị ARV liên tục và điều trị Methadone hằng ngày cho người bệnh, kể cả trong tình huống bệnh nhân hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa.
Với sự nỗ lực vượt khó, Việt Nam vẫn giữ được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, số người phát hiện nhiễm HIV hằng năm vẫn còn cao, mỗi năm vẫn còn phát hiện hơn 10.000 người nhiễm. So với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (khi đó chỉ có dưới 1.000 trường hợp nhiễm HIV) thì còn khá xa và còn rất nhiều việc phải làm nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Vậy ông cho biết khả năng Việt Nam có thực hiện thành công Mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030 không?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030 là mục tiêu rất lớn, nhân văn và mang tính toàn cầu. Với Việt Nam, mục tiêu này là rất thách thức nhưng có thể thực hiện được vì chúng ta đã có sự cam kết và chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cùng kinh nghiệm hơn 30 năm ứng phó với những sáng kiến, mô hình mới phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn.
Tôi cho rằng, nếu có sự đầu tư thỏa đáng, với sự quyết tâm và nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, với sự đồng lòng của toàn xã hội, chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược đã đề ra để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm MSM tăng mạnh
Mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp để dự phòng lây nhiễm HIV, nhưng tình trạng nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) tại Việt Nam vẫn đang tăng. Xin ông cho biết rõ thêm thực trạng này và Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có giải pháp cụ thể nào để giải quyết?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Như chúng ta biết, trước đây lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu lây qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỉ lệ nhiễm HIV trung bình tại 8 tỉnh/thành phố là 6,7%. Năm 2017 triển khai giám sát trọng điểm tại 9 tỉnh/thành phố thì tỉ lệ hiện nhiễm trung bình là 12,2%, tỉ lệ này năm 2020 là 13,3%. Quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Trước tình hình này, trong bối cảnh COVID-19, chúng ta đã có nhiều biện pháp được đồng loạt triển khai can thiệp cho nhóm MSM. Hầu hết các hoạt động trực tiếp chuyển sang trực tuyến. Thuốc điều trị được cấp phát nhiều ngày, nhiều tháng hơn. Chúng tôi đã tăng cường các mô hình ở cộng đồng do cộng đồng tổ chức dưới nhiều hình thức như online, lưu động hoặc tự xét nghiệm. Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID cho người sử dụng dịch vụ và bảo đảm hoạt động tại các cơ sở y tế diễn ra bình thường.
Về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm MSM, chúng tôi sử dụng đa kênh trực tiếp, truyền thông nhóm, chú trọng sử dụng các trang xã hội (các nhóm trên facebook đặc biệt là các nhóm kín như livestream, video hoặc các bài viết), các trang web của cộng đồng hay trang cá nhân của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Lồng ghép trong các sự kiện cộng đồng kết hợp với các nhóm CBOs, phòng khám để truyền thông.
Về tư vấn và xét nghiệm HIV, chúng tôi tăng cường và đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm HIV: Do các nhóm cộng đồng thực hiện, các phòng khám tư nhân, đặc biệt là hoạt động tự xét nghiệm HIV trong bối cảnh COVID mọi người hạn chế tới các cơ sở y tế hoặc tập trung đông người (nhận test qua thư/ chuyển phát nhanh).
Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và điều trị ARV, chúng tôi duy trì và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ (PEP) và khách hàng có thể được cấp phát lên tới 3 tháng. Duy trì và mở rộng việc cấp thuốc điều trị ARV từ 30 ngày lên tới 60 ngày hoặc 90 ngày tùy từng địa phương.
Về can thiệp giảm hại, chúng tôi cung ứng bao cao su và chất bôi trơn, chuyển từ cấp phát trực tiếp sang qua thư/chuyển phát nhanh. Can thiệp với nhóm MSM liêm quan đến ma túy. Methadone cũng được cấp phát nhiều ngày thay vì bệnh nhân tới cơ sở uống hằng ngày.
Các dịch vụ y tế khác (như STIs, Lao, viêm gan, trầm cảm) được chúng tôi triển khai bằng hệ thống khám bệnh từ xa hoặc lấy mẫu tại nhà giúp người bệnh tiếp cận được với các chương trình y tế.
PrEP là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mới và đem lại hiệu quả cao. Vậy Việt Nam đang làm gì để mở rộng phương pháp dự phòng này PrEP?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: PrEP là một biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm với HIV hiệu quả hiện nay khi đạt hiệu quả bảo vệ từ 94-97%. Ngay sau khi WHO khuyến cáo về PrEP, Việt Nam đã và đang nỗ lực từng ngày với sự hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để triển khai PrEP trên toàn quốc.
Năm 2017, lần đầu tiên PrEP được thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ước tính có số đối tượng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cao nhất cả nước. Từ những kết quả tích cực của giai đoạn thí điểm, năm 2019, PrEP được mở rộng triển khai tại 11 tỉnh, thành phố và năm 2020, tiếp tục mở rộng thêm 15 tỉnh, thành phố. Đến năm 2021, đã có 29 tỉnh, thành phố triển khai PrEP. Dự kiến giai đoạn 2022-2025, PrEP sẽ phủ rộng ở 63 tỉnh thành phố.
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đưa ra chỉ tiêu 30% số MSM được tiếp cận với dịch vụ dự phòng vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Để đạt chỉ tiêu này, đến 2025, chúng ta phải cung cấp dịch vụ PrEP cho 72.000 người. Tính đến cuối năm 2021, chúng ta đang điều trị cho gần 38.000 người tại 215 cơ sở ở 29 tỉnh, thành phố.
Để đạt được mục tiêu Chiến lược, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mô hình cung cấp dịch vụ thuận tiện, dễ dàng và phù hợp nhất, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Các mô hình PrEP như điều trị lưu động, điều trị tại trung tâm y tế xã, phường, mở rộng cung cấp điều trị PrEP tại các cơ sở y tế tư nhân, nhất là các phòng khám do cộng đồng làm chủ, cấp phát thuốc PrEP 3 tháng cho người bệnh ngay từ lần khám đầu tiên trong giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP thông qua việc thành lập các phòng khám cung cấp dịch vụ toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV, triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng PrEP…
Bằng tất cả những nỗ lực và sáng tạo trong triển khai, tôi tin tưởng rằng dịch vụ PrEP sẽ trở nên phổ biến và thuận lợi như các biện pháp can thiệp giảm lây nhiễm truyền thống khác.
Hướng đến mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Năm 2022, những mục tiêu nào về công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được đặt ra và giải pháp thực hiện như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Trong năm 2022, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật được giao liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.
Cùng với đó, chúng tôi thực hiện đa dạng và mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Phấn đấu phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV. Đa dạng hóa và mở rộng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao. Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân; mở rộng triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 khách hàng các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm MSM.
Đồng thời, chúng tôi mở rộng điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục duy trì chất lượng điều trị ở mức độ cao, tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt trên 95%. Triển khai các biện pháp bảo đảm tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS; 75% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV qua nguồn BHYT.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Giang Oanh (thực hiện)