Chung quanh vụ thanh trừng Phạm Bình Minh – Vũ Đức Đam

Không có nhiều hy vọng cho đất nước dù năm 2023 đã cận kề!

SÀI GÒN NHỎ

31-12-22

Chung quanh vụ thanh trừng Phạm Bình Minh – Vũ Đức Đam

Chung quanh vụ thanh trừng Phạm Bình Minh – Vũ Đức Đam

Hiếu Chân 

 Theo
thông cáo báo chí của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam
(CSVN) hôm thứ Sáu 30 tháng Mười Hai, hai đảng viên cao cấp là Phạm Bình
Minh và Vũ Đức Đam đã bị thanh trừng: ông Minh bị thôi chức Ủy viên Bộ
Chính trị, còn ông Đam bị thôi chức Ủy viên Ban chấp hành trung ương.
Điều đó nghĩa là ông Minh cũng sẽ không còn làm phó thủ tướng thường
trực, ông Đam mất chức phó thủ tướng trong kỳ họp bất thường của Quốc
hội bù nhìn sẽ khai diễn vào ngày 3 tháng Giêng 2023 sắp tới. 

Một lần nữa, thông tin vỉa hè ở Việt Nam về những vụ đấu đá bí mật trong
cung đình Hà Nội đã tỏ ra rất chính xác đến từng chi tiết và không ai
ngạc nhiên: Chuyện mất chức của hai ông Minh và ông Đam được dân chúng
bàn tán từ lâu vì vai trò của các ông này trong các vụ đại án tham nhũng
liên quan tới đại dịch COVID-19: vụ xét nghiệm Việt Á và chuyến bay giải
cứu. Khi tay chân của các ông này như các bộ trưởng thứ trưởng Nguyễn
Thanh Long, Tô Anh Dũng bị “nhập kho” thì người ta đã biết sự nghiệp
chính trị của các phó thủ tướng Minh và Đam sắp cáo chung.

Không ngạc nhiên, người ta chỉ thắc mắc liệu Minh và Đam đã là “trùm
cuối” của các vụ án này hay chưa, lý do chính xác của vụ thanh trừng hai
ông này là gì, vụ thanh trừng chỉ dừng lại ở mức cách chức, khai trừ
đảng hay truy tố và bỏ tù, liệu đây chỉ là kết quả một vụ tranh chấp phe
nhóm trong nội bộ hay có bàn tay của ông bạn “bốn tốt 16 chữ vàng” nhằm
lũng đoạn chính trường Việt Nam? Vân vân…

Dù thế nào, việc cách chức hai ông Minh và Đam đã đáp ứng được một mong
mỏi của người dân đã chịu nhiều thương đau mất mát vì chính sách chống
dịch ngu xuẩn của nhà cầm quyền do các ông này lãnh đạo và đang uất hận
vì những quan chức cao cấp táng tận lương tâm, trục lợi trên nỗi đau khổ
của đồng bào trong suốt ba năm dịch từ 2020 đến nay. 

Có người nói, chuyện thanh trừng là chuyện nội bộ của đảng CSVN, dân
chúng đâu có quyền xía vô nên chẳng cần phải quan tâm, “có gì mà ầm ĩ”!
Vẫn biết chuyện thanh trừng là chuyện riêng của đảng, nhưng trong chế độ
đảng trị, những cá nhân này cũng đồng thời là lãnh đạo nhà nước mà mỗi
quyết định của họ ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh mệnh của hàng triệu
người, mà vụ COVID là một ví dụ, không thể không quan tâm.

Nhiều người tiếc rẻ vì cho rằng Minh và Đam là hai “gương mặt sáng nhất”
trong bộ máy chính phủ cộng sản, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có
triển vọng sẽ lèo lái đất nước trong công cuộc hội nhập sắp tới. Riêng
Minh là con của ông Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao có quan điểm
cứng rắn với Trung Quốc, chống lại một mưu đồ “Bắc thuộc” mới và đã bị
Bắc Kinh gây sức ép đẩy ra khỏi guồng máy cai trị ở Hà Nội. Thế nhưng
môi trường độc tài độc đảng của Việt Nam có tác dụng làm biến chất, tha
hóa con người rất kinh khủng, người thiện lương không tồn tại được trong
thể chế độc hại đó. 

Huống nữa, trong nhiều năm cầm quyền ở đỉnh cao, Minh và Đam cũng không
chứng tỏ họ có khát vọng lớn lao hay tầm nhìn xa trông rộng để thay đổi
cục diện, thực hiện dân chủ hóa đất nước mà chủ yếu chỉ diễn những trò
mị dân rẻ tiền, những ai theo dõi tình hình chính trị ở Việt Nam đều
biết rõ. Không đợi đến đại dịch COVID-19 mà những ung nhọt nhức nhối
trong ngành ngoại giao, giáo dục, y tế, văn hóa – thuộc phạm vi điều
hành của Minh và Đam – tồn tại đã nhiều thập niên mà không hề được cải
thiện. Việc phế truất các cá nhân này xem ra không có gì phải tiếc nuối
cả.

Những quan chức cộng sản sắp ngồi vào chiếc ghế mà Minh và Đam để lại
chưa chắc đã khá hơn hai nhân vật vừa bị thanh trừng, cũng có thể tệ
hơn. Vấn đề chung quy lại là ở thể chế độc tài. Thay đổi các cá nhân mà
thể chế cộng sản vẫn giữ nguyên thì không làm cho đất nước tiến bộ hơn
mà có khả năng tạo ra thêm mầm mống cho các cuộc thanh trừng tương lai.
Sau Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam hẳn sẽ có thêm nhiều cán bộ cao cấp
khác của đảng CSVN biến thành “củi”.

Đảng CSVN không công bố rõ lý do Minh và Đam bị thanh trừng, có lẽ vì họ
cho rằng đây là chuyện nội bộ của đảng, dân chúng không được quyền biết.
Trong bối cảnh vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu đang ầm ĩ trên truyền
thông, dư luận nghĩ rằng, hai ông này ngã ngựa vì tham nhũng, lợi dụng
chức quyền để trục lợi trong thời kỳ đại dịch.

Thế nhưng trong 18 ông bà ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 của đảng CSVN
hiện nay, người nào không tham nhũng, không lợi dụng chức quyền để trục
lợi? Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, Vương
Đình Huệ, Võ Văn Thưởng… đều đã “nhúng chàm”, dính từ vụ Formosa, AVG
Mobifone, Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC, Việt Á cho đến vụ Vũ Nhôm và vô số
vụ tham nhũng lớn khác mà vẫn bao che cho nhau, thỏa hiệp với nhau để
duy trì ách thống trị trên đầu trên cổ gần một trăm triệu dân. 

Tìm được một quan chức trong sạch trong đảng cộng sản có khi còn khó hơn
tìm kim đáy bể cho nên “chống tham nhũng”, “đốt lò” chỉ là những khẩu
hiệu rỗng tuếch, những chiêu bài để triệt hạ lẫn nhau mà vụ thanh trừng
Minh và Đam là trường hợp mới nhất.

Nếu để ý thì sẽ thấy cuộc thanh trừng trong đảng và chính phủ Việt Nam
nhân danh chống tham nhũng diễn ra song song với cuộc đàn áp khốc liệt
thành phần bất mãn trong xã hội dựa vào các điều luật mơ hồ và phi lý:
“lợi dụng quyền tự do dân chủ”, và cả hai được thúc đẩy rất mạnh từ sau
chuyến đi chầu Bắc Triều của ông đảng trưởng đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Có thể trong chuyến đi, ông Trọng học được bí kíp của Tập Cận Bình về
thanh trừng nội bộ và củng cố quyền lực, cũng có thể ông ta photocopy
sách lược của Tập củng cố quyền cai trị độc tôn của đảng cộng sản trong
mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, thanh trừng những phần tử có biểu
hiện không trung thành, “tự chuyển hóa” cả trong đảng và trong xã hội
nói chung. Cho rằng cuộc thanh trừng của đảng CSVN có bàn tay sắp xếp
của Bắc Kinh là một loại thuyết âm mưu, nhưng xem ra cũng không xa thực
tế lắm.

Cuối cùng, cho dù ai xuống ai lên thì vụ thanh trừng Phạm Bình Minh, Vũ
Đức Đam cũng biểu hiện một cuộc tranh chấp một mất một còn giữa các phe
phái trong đảng CSVN nhằm chiếm lấy quyền lực tối cao khi ông đảng
trưởng Nguyễn Phú Trọng phải từ bỏ chức vụ trong một ngày không xa nữa.
Phe đảng CSVN với lực lượng công an “còn đảng còn mình” đang sử dụng hết
công cụ bạo lực của họ để đánh bật những phần tử bất tuân trong phe
chính phủ và cài cắm vào đó những đảng viên trung thành với đảng, với
“đồng chí bốn tốt mười sáu chữ vàng” ở bên kia biên giới phía Bắc.