Chung một hành tinh
Hãy tạm gác những câu chuyện nóng bỏng về bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, tình trạng lạm phát ở châu Âu, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine… hay bất cứ điều gì khác trong dòng chảy thời sự quốc tế.
Đã chính thức khai mạc ngày 6/11 và sẽ bế mạc ngày 18/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27, diễn ra tại thành phố Sharm ElSheikh của Ai Cập) mới thực sự là điểm nhấn quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại, khi nó can hệ tới sự tồn vong của cả loài người, như một trong những cơ hội cuối cùng để nhân loại chung tay cứu lấy Hành tinh Xanh.
“Một bức tranh rõ ràng và ảm đạm”
Chính xác thì vào ngày 3/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thêm một lần nhấn mạnh lời cảnh báo vô vọng từng được nhắc đi nhắc lại trước đây.
COP27 – cơ hội không được phép bỏ lỡ để cứu hành tinh.
Ông cho biết trong vài tuần qua, các báo cáo cho thấy “một bức tranh rõ ràng và ảm đạm” về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn đang tăng ở mức kỷ lục, thay vì giảm 45% vào năm 2030 – mức giảm mà các nhà khoa học cho rằng thế giới bắt buộc phải đạt được. Theo các chính sách về khí hậu hiện hành, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trên đà tăng 10%, khiến nhiệt độ Trái đất có xu hướng tăng tới 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này. Vì vậy: “Điều đó có nghĩa là hành tinh của chúng ta đang tiến tới điểm giới hạn trong hệ thống khí hậu, sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn khí hậu không thể đảo ngược và vĩnh viễn bị thiêu đốt trong nền nhiệt tăng thảm họa”.
Như để làm giàu thêm trọng lượng cho những phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc, sau đó một ngày, chính quyền New Dehli (Ấn Độ) buộc phải tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đóng cửa tất cả trường tiểu học tại Delhi từ ngày mai, cũng như ngừng các hoạt động ngoài trời đối với tất cả khối lớp từ lớp 5 trở lên”, do chỉ số chất lượng không khí đã chạm ngưỡng “nghiêm trọng” và “nguy hiểm” tại hầu hết các trạm đo lường ở khu vực này (theo hãng tin Reuters). Và theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, chỉ số bụi mịn PM2.5 (loại bụi độc hại nhất có thể đi vào máu) tại New Delhi ở mức 588 vào sáng 3/11, cao gấp gần 40 lần so với ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong khi đó, như báo cáo chung của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố ngày 3/11: Tỷ lệ người dân Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở mức cao chưa từng thấy, vượt qua cả mức được ghi nhận trong thời điểm xung đột hồi năm 2013 và 2016.
Báo cáo nêu rõ 7,76 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong khoảng thời gian trước vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7/2023, cũng như 1,4 triệu trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là sự kết hợp của xung đột, điều kiện kinh tế vĩ mô kém, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chi phí lương thực và nhiên liệu tăng cao, cũng như sự sụt giảm tài trợ cho các chương trình nhân đạo.
Rộng hơn, Liên hợp quốc cũng đánh giá: Nạn đói và suy dinh dưỡng đang gia tăng tại các khu vực bị ảnh hưởng do lũ lụt, hạn hán và xung đột. Một số cộng đồng dân cư có nguy cơ chết đói nếu không duy trì sự hỗ trợ nhân đạo và tăng cường các biện pháp cứu trợ thiên tai.
Đến cả châu Âu – miền ôn đới trù phú và thịnh vượng hàngđầu thế giới – cũng chẳng “bình yên”. Một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho biết: Sự ấm lên của cựu lục địa là “nhanh nhất trong số 6 khu vực được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác định”. WMO thậm chí còn cảnh báo về mức gia tăng 2,6 độC vào cuối thế kỷ này, nhiều hơn 1 độ so với ngưỡng mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã xác định.
Nền nhiệt châu Âu tăng cao đến mức đáng sợ.
Châu Âu “đang được xem là một thí dụ điển hình của hiện tượng ấm lên của hành tinh và nó nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những xã hội được chuẩn bị tốt cũng không tránh khỏi hậu quả của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nói như Tổng thư ký WMO – ông Petteri Taalas.
Do đó, trước thềm COP27, Tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định: “COP27 cần phải đặt nền tảng cho các hành động khí hậu một cách nhanh hơn, táo bạo hơn hiện nay và trong thập kỷ này khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới sẽ là cuộc chiến một mất một còn”. Để đạt được điều này, các nước phát triển giàu có và các nền kinh tế đang phát triển cần đạt được một thỏa thuận lịch sử, nếu không “thế giới sẽ bị diệt vong”.
Không phải chuyện của riêng ai
Nói cách khác, COP27 lần này phải là nơi xây dựng lại lòng tin và thiết lập lại tham vọng cần thiết để tránh đẩy Trái đất vượt qua giới hạn không thể đảo ngược về khí hậu. Theo đó, các nước giàu hơn phải hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, cùng với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển và các công ty công nghệ đa quốc gia, nhằm giúp các nền kinh tế đang phát triển tăng tốc tiến trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Thực tế, hơn cả xung đột, chiến tranh hay bệnh dịch, tiến trình biến đổi khí hậu và môi trường sống toàn cầu mới chính là thách thức, là mối đe dọa lớn nhất phủ bóng lên toàn nhân loại. Bên cạnh đó, chính các vấn đề xoay quanh câu chuyện này cũng bộc lộ đầy đủ những khúcmắc tồn tại hàng nghìn năm trong xã hội loài người, một cách khái quát nhất.
Không phải ngẫu nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: COP27 phải là hội nghị xóa bỏ khoảng cách về tham vọng, sự mất lòng tin và mất đoàn kết, đưa thế giới trở lại đúng hướng cắt giảm khí thải, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với khí hậu, thực hiện cam kết tài trợ cho khí hậu, giải quyết những thiệt hại, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra. Bởi, cho đến tận trước thềm COP27, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoản tài trợ hiện nay dành cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu hiện thấp hơn từ 5-10 lần so với mức cần thiết. Đơn cử, năm 2020, số tiền mà các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu là 83 tỷ USD, thấp hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm. Trong số này, chỉ có 29 tỷ USD chi cho các chương trình hỗ trợ các nước thích ứng với biến đổi khí hậu, thấp hơn nhiều so với khoản tiền 340 tỷ USD/năm ước tính cần đạt được vào năm 2030.
Những con số đã được điều chỉnh trong vòng 2 năm qua. Song, cũng 2 năm ấy (2020- 2021), với các hệ lụy đồng loạt từ đại dịch, thiên tai và xung đột, các khoản ngân sách được tăng thêm vẫn chẳng khác nào “gió vào nhà trống”.
Chính vì thế, tại COP27 lần này, “lối thoát hiểm” cho châu Phi cũng như các khu vực dễ bị tổn thương khác (và phát thải ít nhất thế giới khác, so với các khu vực kinh tế quốc tế trọng điểm) sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận.
Ở một khía cạnh khác, khi xây dựng được những thỏa thuận đáng giá, những cam kết khả thi và những lộ trình cần thiết để thực hiện các cam kết đó một cách cụ thể, có thể nói rằng đó cũng chính là cách để cộng đồng quốc tế vãn hồi những nền tảng giá trị vô hình, nhưng không kém phần quan trọng so với những lợi ích hữu hình. Đó là sự gắn kết, là chia sẻ, là trách nhiệm, là tình người, là lương tri…
Trước thềm COP27, mới có khoảng 40 trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ – những nước đã cam kết kế hoạch giảm khí methane vào năm ngoái, tại COP26 tổ chức ở Glassgow (Anh) cho biết sẽ công bố kế hoạch của mình ở COP27. Một số quốc gia phát thải nhiều nhất, thí dụ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil… dự kiến sẽ không đưa ra kế hoạch kịp thời tại hội nghị.
Rõ ràng, điều này nhiều khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của một kế hoạch chung của cả cộng đồng, nhằm phác thảo các quy định, tiêu chuẩn và mức đầu tư để giảm khí methane và cách thức tiến hành để các chiến lược đó phù hợp với mục tiêu khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Song, kể cả như vậy, bởi vì đây là “trận chiến một mất một còn”, mọi guồng quay không được phép dừng lại. Đó cũng là quan điểm nhất quán mà Việt Nam – một thành viên có trách nhiệm trong ngôi nhà chung Liên hợp quốc, cũng là luôn quyết tâm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế của mình với trách nhiệm cao nhất, bất chấp mọi khó khăn.
Trong một thông điệp gửi tới phiên họp hẹp cấp cao về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) do Tổng Thư ký Antonio Guterres và Tổng thống nước chủ nhà Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đồng chủ trì, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu cần có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm; đồng thời cũng cần có cách tiếp cận toàn dân, vì người dân luôn là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực, là mục tiêu của sự phát triển; và nhất là cần bảo đảm công bằng, công lý trong tổng thể chung cũng như đối với từng quốc gia.