Chứng khoán: Fed và nỗi sợ bán tháo cổ phiếu công nghệ
–
Thứ hai, 23/05/2022 08:43 (GMT+7)
Chỉ số công nghệ Nasdaq đang chứng kiến chuỗi giảm dài và khốc liệt nhất suốt 21 năm qua. Lập trường “cứng rắn” về chính sách tiền tệ của Fed khiến nhà đầu tư chứng khoán tháo chạy không phanh.
Đà bán tháo khốc liệt nhất từ năm 2001
Các công ty công nghệ Mỹ chưa từng chứng kiến đợt bán tháo khốc liệt nào như hiện nay kể từ năm 2001 và sự bùng nổ của bong bóng dot-com.
Trong tuần vừa qua, chỉ số Nasdaq giảm 3,8% và đánh dấu giảm tuần thứ 7 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm dài nhất đối với chỉ số công nghệ này suốt 21 năm qua.
Xét cả quý I/2022, Nasdaq “bay màu” 20% và trên đà trở thành quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 4.2008.
Chỉ số này “bốc hơi” hơn 29% kể từ khi đạt đỉnh vào 19.11.2021 và kết tuần trước ở mức 11.354,62 điểm. Chỉ số S&P 500 lại may mắn thoát khỏi thị trường con gấu qua ô cửa hẹp khi giảm suýt soát gần 20% so với đỉnh gần nhất.
Cisco là một trong những công ty công nghệ có cổ phiếu giảm sâu nhất trong tuần khi mất 13%. Diễn biến này ập đến ngay sau khi gã khổng lồ mạng máy tính dự báo doanh thu bất ngờ tuột dốc trong quý hiện tại.
Từng được coi là mạch máu trong nền kinh tế do có liên kết chặt chẽ trong các doanh nghiệp, Cisco cho biết kết quả kinh doanh này phản ánh việc ngừng hoạt động ở Nga và Belarus cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung do phong tỏa COVID-19 ở Trung Quốc. Doanh nghiệp không chắc về khi nào tình hình kinh doanh mới được cải thiện.
Cổ phiếu của Dell mất hơn 11% trong tuần. Shopify, công ty bán phần mềm cho các nhà bán lẻ điện tử rơi gần 10%. Công ty phần mềm điện toán đám mây Workday mất gần 9% sau khi các nhà phân tích hạ triển vọng do lo ngại suy thoái. Nhà cung cấp phần mềm bảo mật Okta lao dốc 14%.
Các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Elon Musk cũng giảm. Twitter, hiện được CEO Tesla mua lại với giá 54,20 USD/cổ phiếu, đã giảm 6% trong tuần này xuống 38,29 USD. Cổ phiếu Tesla bốc hơi 14% giá trị trong tuần qua.
Ở phía Big Tech, Apple rớt 6,5% và đánh dấu 8 tuần đỏ lửa liên tiếp. Alphabet giảm 6%, trong khi Amazon giảm khoảng 5%.
Lúc đầu, xu hướng bán tháo chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng được đánh giá cao nhưng sau đó đã lan rộng khắp các lĩnh vực khác trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Shutterstock
Hệ quả của tăng lãi suất
Lạm phát cao, lãi suất tăng, xung đột kéo dài ở Ukraina và đại dịch khiến Trung Quốc đóng cửa đang khiến các nhà đầu tư lo lắng việc đầu tư vào cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng. Động thái bán mạnh của nhà đầu tư đã cuốn phăng toàn bộ thành quả của đợt tăng lịch sử trong thời gian gần đây.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục nâng tỉ giá để chống lạm phát. Nhà đầu tư vì thế lo ngại rằng chi phí vốn cao hơn, kết hợp với niềm tin của người tiêu dùng suy giảm sẽ ăn mòn tỉ suất lợi nhuận.
Ông Jason England – Giám đốc chiến lược đầu tư trái phiếu toàn cầu của Janus Henderson Investors – cho biết: “Fed nói rất rõ rằng sẽ có một số nỗi đau phía trước”.
Khảo sát vào đầu tháng 5 của Bank of America (BofA) cho thấy, tỉ trọng tiền mặt của các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang đạt mức cao nhất kể trong 2 thập kỷ. Các nhà quản lý quỹ đang thu hút lượng tiền mặt nhiều nhất kể từ tháng 9.2011. Trong khi đó, vị thế bán đối với các cổ phiếu công nghệ của Mỹ đang ở mức lớn nhất kể từ tháng 8.2006.
Thậm chí, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đầu tuần trước đã xuất bản “Sổ tay hướng dẫn đầu tư khi chứng khoán Mỹ suy thoái”. Theo các chuyên gia phân tích của ngân hàng Barclays, nhiều chất xúc tác tiêu cực trong ngắn hạn có thể gây rủi ro đối với thị trường chứng khoán.
Biên bản cuộc họp của FED sắp công bố vào 25.5 sẽ cho thấy các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lạm phát sẽ “ngoan cố” đến mức nào và liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ có đủ sức chống chịu để đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt hay không.