Chứng chỉ quỹ là gì? Phân loại, Đặc điểm và Ví dụ
Giới thiệu
Bài viết Chứng chỉ quỹ là gì? Phân loại, Đặc điểm và Ví dụ là bài viết nằm trong Nhóm Bài Cơ bản nhất. Bên cạnh các loại Chứng khoán phổ biến trên Thị trường hiện nay như Cổ phiếu hay Trái phiếu thì Chứng chỉ quỹ cũng là loại Chứng khoán được nhiều Nhà Đầu tư biết đến, đặc biệt là với những người mới thì rất quan tâm. Vậy Khái niệm Chứng chỉ quỹ là gì? Đặc điểm và có các loại Chứng chỉ quỹ nào? Trong Bài viết này, mình sẽ đưa ra những phân tích và ví dụ cụ thể để các bạn có thể nắm được rõ hơn. Các Vấn đề chính gồm:
+ Khái niệm Chứng chỉ quỹ là gì? Đặc điểm của Chứng chỉ quỹ.
+ Một số Thuật ngữ liên quan đến Chứng chỉ quỹ
+ Phân loại Chứng chỉ quỹ tại Việt Nam hiện nay.
+ Một số Lưu ý về Đầu tư Chứng chỉ quỹ.
—————————————————————
1. Khái niệm Chứng chỉ quỹ là gì? Đặc điểm của Chứng chỉ quỹ
– Giới thiệu Khái niệm Chứng chỉ quỹ (viết tắt là CCQ): Theo Khoản 4 Điều 4 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 quy định về khái niệm Chứng chỉ quỹ như sau: “Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.” Như vậy, ta có thể hiểu Chứng chỉ quỹ là một loại chứng khoán, mục đích của nó là xác định quyền sở hữu vốn trong Quỹ đầu tư của các Nhà Đầu tư. Khi giao dịch mua Chứng chỉ quỹ có nghĩa là bạn đã đồng ý góp số vốn của mình vào Quỹ Đầu tư của các Công ty Quản lý Quỹ trên Thị trường Chứng khoán.
Bản chất các Quỹ này chính là đơn vị trung gian ở giữa, các Nhà Đầu tư ký thác ủy quyền góp vốn vào Quỹ đầu tư bằng việc mua Chứng chỉ quỹ, sau đó Công ty Quản lý Quỹ sẽ sử dụng số vốn này để đi đầu tư vào các loại sản phẩm tài chính như Cổ phiếu, Trái phiếu, … và khi Quỹ đầu tư có lợi nhuận thì sẽ tiến hành chia số tiền lãi này cho các Nhà Đầu tư tương ứng với số tiền đã đóng góp ban đầu theo quy định. Hiện nay, trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam có khá nhiều Quỹ đang hoạt động và bạn muốn góp vốn vào Quỹ nào thì sẽ cần mua Chứng chỉ quỹ của Quỹ đầu tư đó. Chứng chỉ quỹ được bán trực tiếp trên sàn chứng khoán hoặc thông qua các đại lý ủy quyền (Còn gọi là thành viên lập Quỹ).
– Đặc điểm của Chứng chỉ quỹ:
* Thông thường các Quỹ đầu tư sẽ đa dạng hóa Danh mục gồm nhiều Mã Chứng khoán hoặc Sản phẩm (có thể là Cổ phiếu, Trái phiếu, Tiền tệ, hay các loại tài sản khác), từ đó phân tán được rủi ro cũng như đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng mục tiêu.
* Một Công ty Quản lý Quỹ có thể sẽ có nhiều Quỹ Đầu tư với mỗi Quỹ theo tiêu chí Đầu tư khác nhau, phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của mỗi Nhà đầu tư. Ví dụ Công ty CP Quản Lý Quỹ Đầu Tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) có các Quỹ như: Quỹ ETF VFMVN30 chuyên mô phỏng Chỉ số VN30 của 30 Công ty hàng đầu trên sàn HOSE, Quỹ ETF VFMVN DIAMOND chuyên mô phỏng Chỉ số Diamond của các Cổ phiếu hết “room” ngoại của sàn HOSE, Quỹ Đầu tư Trái phiếu DC (DCBF) chuyên vào Trái phiếu, …
* Các quyết định đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ sẽ dựa trên những đánh giá cụ thể được đưa ra bởi các chuyên gia. Vì vậy, nếu Nhà Đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi và ứng biến với những thay đổi của Thị trường hoặc chưa thật sự am hiểu về Thị trường Chứng khoán Việt Nam thì chỉ cần góp vốn vào các Quỹ, sau đó các chuyên gia tại đây sẽ giúp bạn quyết định đầu tư vào đâu để thu về lợi nhuận tốt nhất (Thay vì phải mất nhiều công suất thời gian tìm hiểu và trải nghiệm Đầu tư).
* Các Quỹ đầu tư đều được Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan chức năng (như Ngân hàng Nhà nước, Công ty Kiểm toán…) quản lý và giám sát chặt chẽ (Do một Ngân hàng Thương mại giám sát), vì vậy các thông tin của Quỹ rất minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà Đầu tư. Nhờ có rủi ro thấp nên Chứng chỉ quỹ có tính thanh khoản tương đối cao. Trong trường hợp muốn rút vốn, bạn hoàn toàn có thể rút một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư Chứng chỉ quỹ của mình (Quỹ phải bán bớt để Nhà đầu tư rút vốn hoặc nếu đang Niêm yết thì có thể bán thẳng Chứng chỉ quỹ đó trên sàn Chứng khoán).
* Những biến động ngắn hạn trên Thị trường có thể gây ra rủi ro cho Nhà Đầu tư. Tuy nhiên với đầu tư Chứng chỉ quỹ thường là đầu tư dài hạn nên những biến động của Thị trường ngắn hạn hầu như không ảnh hưởng quá lớn do đã được đa dạng Danh mục Đầu tư đủ lớn. Hạn chế lớn nhất của đầu tư Chứng chỉ quỹ là Nhà Đầu tư không thể can thiệp vào hoạt động đầu tư của Quỹ và mức lợi nhuận được hưởng khó có thể cao và đột phá như nhiều hình thức đầu tư khác, một số rủi ro có thể gặp phải là không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng ban đầu, …
—————————————————————
2. Một số Thuật ngữ liên quan đến Chứng chỉ quỹ
Liên quan đến Khái niệm Chứng chỉ quỹ là gì? thì ta có một số thuật ngữ có liên quan như: Tài sản ròng của Quỹ, Tài sản ròng của một Chứng chỉ quỹ, Giá Thị trường Chứng chỉ quỹ, Lãi suất Chứng chỉ quỹ và Bảng giá Chứng chỉ quỹ. Cụ thể:
– Tài sản ròng của một Chứng chỉ quỹ: Tài sản ròng của quỹ có tên tiếng anh là Net Asset Value hay viết tắt là NAV của Quỹ. Nếu chúng chia cho số lượng Chứng chỉ quỹ đã phát hành thì sẽ có một đơn vị rất hay được dùng là Giá trị Tài sản ròng của một Chứng chỉ quỹ.
* Mức NAV/CCQ của các Chứng chỉ quỹ biến động và chênh lệch nhau tùy theo tình hình Thị trường và Danh mục hoạt động của Quỹ. Với cùng một khoản tiền, Nhà Đầu tư sẽ mua được nhiều CCQ hơn khi NAV/CCQ thấp và ít CCQ hơn khi NAV/CCQ cao.
* Tất cả Chứng chỉ quỹ thường được chào bán lần đầu (IPO) với NAV/CCQ là 10.000 đồng. Vì vậy, Quỹ đầu tư mới thành lập thường có giá CCQ thấp. Nếu cùng thời gian hoạt động, cùng loại Quỹ thì Quỹ dầu tư hoạt động không hiệu quả sẽ có giá CCQ thấp, còn Quỹ đầu tư tăng trưởng tốt sẽ có giá CCQ cao. Trong trường hợp này, Quỹ có giá CCQ cao là lựa chọn tốt hơn vì có lịch sử quá khứ vận hành tốt đã được chứng minh.
* Tuy nhiên, không phải tất cả các Quỹ có NAV/CCQ cao đều sẽ là khoản đầu tư tốt. Thông thường, những Quỹ đầu tư có NAV/CCQ cao là do quá trình hoạt động lâu dài có lợi nhuận làm tăng giá trị tài sản, Nhà Đầu tư có thể căn cứ trên kết quả đầu tư quá khứ này để xem xét. Ngược lại, những Quỹ có mức giá CCQ thấp có thể là do họ chỉ mới mở bán các Chứng chỉ quỹ ra Thị trường. Như vậy, Giá CCQ không phải là yếu tố quan trọng để bạn quyết định nên chọn Quỹ đầu tư nào. Lợi nhuận mà Quỹ đem lại cho bạn trong tương lai mới là yếu tố quyết định.
Ví dụ: Ta có CCQ quỹ A và B có hiện đang có NAV/CCQ lần lượt là 24.000 đồng và 12.000 đồng. Nếu bạn đầu tư 120 triệu vào Quỹ A thì bạn nhận được 5.000 CCQ quỹ A, ngược lại bạn đầu tư 120 triệu vào Quỹ B thì sẽ mua được 10.000 CCQ quỹ B. Trong trường hợp cả hai Quỹ đều hoạt động tốt và có lợi nhuận là 10%/năm thì sau 1 năm, giá trị của 5.000 CCQ quỹ A hay 10.000 CCQ quỹ B đều là 132 triệu đồng. Như vậy, với cùng số tiền đầu tư, dù giá CCQ quỹ A cao hơn quỹ B, nhưng bạn vẫn thu được số tiền lời bằng nhau khi 2 quỹ có lợi nhuận như nhau. Nhưng nếu lợi nhuận quỹ B là 15%/năm, thì cuối năm 10.000 CCQ quỹ B sẽ có giá trị là 138 triệu đồng, cao hơn giá trị của 5.000 CCQ quỹ A.
– Giá Thị trường Chứng chỉ quỹ: một số Quỹ thậm chí để tăng tính Đại chúng và Minh bạch hiện còn niêm yết trên Thị trường Chứng khoán thì sẽ có thêm cả Giá Thị trường của Chứng chỉ Quỹ đó (Tương tự như Giá Cổ phiếu). Do tính thanh khoản trong Danh mục của các Quỹ tương đối cao và thường là Chứng khoán nên Giá thị trường của một Chứng chỉ quỹ thường bám rất sát với Giá trị Tài sản ròng của chính Quỹ đầu tư đó.
– Lãi suất Chứng chỉ Quỹ: Khi đầu tư vào Chứng chỉ quỹ, bạn sẽ không được cam kết một mức Lãi suất nhất định mà phải xác định ký gửi cho các Nhà đầu tư chuyên nghiệp, có sự giám sát minh bạch của Ngân hàng giám sát và thường là có kết quả Đầu tư tốt hơn so với Thị trường chung (Như ở Việt Nam mình so với Chỉ số VN-Index, xem thêm: Ý nghĩa của Chỉ số VN-Index và HNX-Index). Nếu Quỹ mà bạn đầu tư hoạt động hiệu quả, phát triển tốt, lợi nhuận cao hơn Thị trường thì sẽ hút được nhiều khách và qua đó hút được nhiều phí từ Khách hàng. Ngược lại các Quỹ đầu tư không tốt, kết quả kém Thị trường, thậm chí là thua lỗ nặng thì khách hàng sẽ rời bỏ, ít khách dần và thu được ít phí cho quá trình hoạt động. Về cơ bản, lợi nhuận của các Nhà Đầu tư sẽ dựa trên 2 yếu tố chính, cụ thể: Cổ tức, mức độ tăng Giá trị Tài sản ròng của Quỹ.
Nhìn chung, Lãi suất của Chứng chỉ Quỹ ở Việt Nam hiện dao động trong khoảng từ 7-20%/năm tùy theo biến động của Thị trường trong năm đó. Đặc biệt, trong năm 2019-2021 khi Thị trường Chứng khoán bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, số lượng người tham gia đầu tư Chứng khoán và Chứng chỉ quỹ tăng đột biến khiến cho lợi nhuận và thanh khoản của Chứng chỉ quỹ ở các năm này tăng cao, từ đó mức Lãi suất của Chứng chỉ quỹ cũng cao hơn.
Với các Công thức tính Lợi nhuận Đầu tư Chứng chỉ quỹ, ta có: Giá cuối: Là giá trị cuối kỳ của Chứng chỉ quỹ; Giá đầu: Là giá trị đầu kỳ của Chứng chỉ quỹ. Ví dụ: Giá mua Chứng chỉ quỹ đầu kỳ là 22.000 VNĐ, giá trị cuối kỳ của Chứng chỉ quỹ là 29.500 VNĐ. Theo công thức trên thì Lợi nhuận thu về năm đó là khoảng (30.500/22.000) – 1 = 39%. Bên cạnh Lợi nhuận hàng năm, đối với Chứng chỉ quỹ, ta còn hay đánh giá dựa vào Chỉ số CAGR nhằm để biểu thị mức độ sinh lời trung bình hàng năm theo từng mốc thời gian được lựa chọn. Theo cách tính này, Nhà Đầu tư sẽ thấy được tổng quát hơn cả quá trình đầu tư của Quỹ, số tiền lãi trung bình sinh ra trong một khoảng thời gian dài, thay vì chỉ tập trung vào ngắn hạn 1 năm.
– Bảng giá Chứng chỉ quỹ: Hiện nay, để thực hiện các giao dịch Mua Bán Chứng chỉ quỹ thì bạn có thể giao dịch trực tiếp trên Sàn Chứng khoán với các Quỹ được Niêm yết hoặc thông qua các Đại lý Ủy quyền. Với riêng những Chứng chỉ quỹ đã được niêm yết và giao dịch trên Sàn thì sẽ có Bảng giá Chứng chỉ Quỹ riêng và cách thức giao dịch cũng tương tự như Cổ phiếu, ví dụ hiện nay là các Chứng chỉ quỹ ETF Nội đang được niêm yết tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với 11 mã Chứng khoán (mình sẽ phân tích rõ hơn về Quỹ ETF ở phần dưới).
—————————————————————
3. Các loại Chứng chỉ quỹ tại Việt Nam hiện nay
Ta có thể thấy, đầu tư Chứng chỉ quỹ ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều Nhà Đầu tư. Để hiểu rõ hơn Chứng chỉ quỹ là gì? thì ta tìm hiểu thêm 3 dạng tiêu chí phân loại Chứng chỉ quỹ theo phổ biến nhất, bao gồm:
– Căn cứ vào cấu trúc vận hành vốn:
* Chứng chỉ quỹ mở: Quỹ mở là loại hình Quỹ thành lập với thời gian hoạt động và quy mô vốn không giới hạn, phụ thuộc vào tình hình hoạt động và khả năng huy động vốn của Quỹ. Do không giới hạn về thời gian và nguồn vốn nên số lượng Chứng chỉ quỹ phát hành ra Thị trường tùy theo lượng đăng ký mua vào của Nhà Đầu tư. Đặc biệt, người sở hữu Chứng chỉ quỹ mở có thể bán lại cho chính Công ty Quản lý quỹ, có quyền tham gia và rút vốn bất kỳ lúc nào. Trong Quỹ mở được chia làm 3 loại: Quỹ Cổ phiếu (Danh mục gồm nhiều loại cổ phiếu khác nhau, rủi ro và lợi nhuận cao); Quỹ cân bằng (Danh mục gồm hỗn hợp trái phiếu và cổ phiếu theo tỷ lệ nhất định, rủi ro và lợi nhuận cân đối); Quỹ Trái phiếu (Danh mục gồm nhiều loại trái phiếu khác nhau, rủi ro và lợi nhuận thấp).
* Chứng chỉ quỹ đóng: Quỹ đóng là loại hình Quỹ chỉ phát hành với số lượng cố định trên Thị trường sơ cấp. Thời gian hoạt động Quỹ đóng cũng có giới hạn và được thống nhất khi thành lập Quỹ. Nhà Đầu tư khi mua và sở hữu Chứng chỉ quỹ đóng thì sau đó sẽ không được bán lại Chứng chỉ quỹ cho Công ty quản lý Quỹ lúc đang Đầu tư. Tuy nhiên, bạn có thể bán lại Chứng chỉ quỹ đóng này cho Nhà Đầu tư khác trên Thị trường thứ cấp. Lúc này, Chứng chỉ quỹ đóng được niêm yết và giao dịch như một Cổ phiếu thông thường. Ví dụ: như Quỹ có mã Chứng khoán VFMVF1, VFMVF4, PRUBF1, MAFPF1, … trước đây. Ngày nay thì rất ít Quỹ hoạt động dưới dạng đóng.
– Căn cứ vào Phương thức đầu tư:
* Chứng chỉ quỹ Đầu tư chủ động: Quỹ chủ động có Danh mục đầu tư được xây dựng dựa trên các phân tích về Chứng khoán kết hợp với tình hình kinh tế vĩ mô của các chuyên gia quản lý để tìm ra được những Cổ phiếu, Trái phiếu, … có mức sinh lợi vượt trội hơn mức trung bình của Thị trường. Trước những thông tin phản ánh xấu tình hình của các Danh mục Đầu tư thì Quỹ được quyền chủ động loại bỏ hoặc tăng thêm tỷ trọng nếu thấy phù hợp mang lại kết quả cao nhất cho Nhà đầu tư góp Quỹ. Như vậy, có thể thấy, với Quỹ chủ động, ta có thể thu về lợi nhuận lớn và tăng trưởng cao hơn Thị trường, tuy nhiên phí quản lý quỹ cũng sẽ cao hơn do đòi hỏi cần các chuyên gia đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên Thị trường và quản lý Quỹ.
* Chứng chỉ Quỹ Đầu tư bị động (ETF): Quỹ bị động còn được gọi là quỹ ETF hay Quỹ hoán đổi danh mục (viết tắt của Exchange Traded Fund), là một hình thức Quỹ đầu tư dạng Quỹ Mở được hình thành dựa trên sự mô phỏng lên xuống các Chỉ số tham chiếu. Và tùy thuộc vào từng Quỹ mà chúng sẽ được tham chiếu với các chỉ số khác nhau, như tại Thị trường Chứng khoán Việt Nam ta có các chỉ số phổ biến bao gồm VN30, VNX50, VN100, VNFIN LEAD…Hiện tại thị trường ETF ở Việt Nam có 11 Quỹ ETF Nội và khoảng chục Quỹ ETF ngoại. Đây là dạng Quỹ đang phát triển mạnh trên Thế giới hiện nay.
.- Căn cứ vào Nguồn vốn huy động:
* Chứng chỉ quỹ đại chúng: Phát hành chứng chỉ rộng rãi ra công chúng, không giới hạn số người đầu tư.
* Chứng chỉ quỹ thành viên: Phát hành riêng cho một nhóm nhà đầu tư nhất định.
Như vậy, có thể thấy Chứng chỉ quỹ có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên, hầu hết Quỹ mở và Quỹ hoán đổi danh mục ETF là 2 loại Quỹ đang phổ biến và thu hút nhiều Nhà Đầu tư nhất ở thời điểm hiện tại do những ưu điểm vượt trội so với Quỹ đóng và các dạng Quỹ khác. Một số Quỹ mở uy tín, với nguồn vốn lớn hiện nay thường đến từ các Công ty Quản lý Quỹ uy tín như: Dragon Capital, Vina Capital, TCBC, SSIAM, … . Một số quỹ ETF tiêu biểu được nhiều người tham gia như Quỹ ETF VFMVN DIAMOND, Quỹ ETF DCVFMVN30, Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD.
—————————————————————
4. Một số Lưu ý về Đầu tư Chứng chỉ quỹ
Chứng chỉ quỹ được biết đến là một kênh đầu tư khá phổ biến cho những nhà đầu tư F0, tuy nhiên trước khi đầu tư vào một loại Quỹ bất kỳ, đặc biệt là các Quỹ mở và quỹ ETF, bạn cần tìm hiểu rõ về các Quỹ đầu tư này để có lựa chọn hợp lý nhất. Dưới đây, mình có đưa ra một số Lưu ý về Đầu tư Chứng chỉ quỹ, bạn có thể tham khảo:
– Tìm hiểu về danh tiếng của Quỹ Đầu tư: Những Quỹ phát hành có uy tín và danh tiếng sẽ đảm bảo tốt hơn về tài sản và lợi nhuận của bạn. Các Tiêu chí bạn nên xem xét như Đội ngũ các chuyên gia đầu tư và quản lý quỹ, Khả năng sinh lời của quỹ trong quá khứ, quy mô hút vốn của Quỹ trong thời gian gần đây … Các báo cáo hoạt động của Quỹ theo tháng, theo năm sẽ cho thấy cụ thể khả năng phát triển và sinh lời của Quỹ trong quá khứ, từ đó bạn có thể có cơ sở để đánh giá trong tương lai. Các Quỹ hoạt động nội địa huy động vốn tốt ở Việt Nam trong vài năm qua có: Dragon Capital – VFM, VinaCapital, SSI.
– Tìm hiểu Chi phí và cơ chế quản lý quỹ: Thông thường, mỗi Quỹ khác nhau sẽ mất chi phí quản lý khác nhau. Bên cạnh đó, tùy theo Danh mục đầu tư mà các chuyên gia quản lý quỹ sẽ đề ra các chiến lược đầu tư phù hợp. Vì vậy, bạn nên xem xét các thông tin liên quan đến tỷ lệ phân bổ vốn vào từng Mã và Nhóm Ngành của Quỹ để đánh giá xem chiến lược đầu tư đó có phù hợp với Thị trường hiện tại và với mức độ chấp nhận rủi ro / lợi nhuận của chính mình hay không.
– Tìm hiểu Thị trường: Có thể thấy, với mỗi giai đoạn khác nhau của Thị trường sẽ mang lại lợi thế cho một nhóm Quỹ có chiến lược nhất định. Ví dụ: khi Thị trường có dấu hiệu suy thoái thì bạn cần lựa chọn các Quỹ đầu tư có tập trung vào các Tài sản có tính an toàn cao như Trái phiếu hay Cổ phiếu có tính chất Giá trị / chia cổ tức tiền mặt cao, còn khi Thị trường có tăng trưởng bùng nổ thì ta lại nên chọn các Quỹ Đầu tư thiên về Cổ phiếu Tăng trưởng / các Doanh nghiệp hàng đầu như VN30, Nhóm Tài chính.
Vì vậy, bạn cần dành thời gian quan sát và tham khảo những Quỹ đang giao dịch trên Thị trường. Từ đó, bạn có thể đánh giá được tính thanh khoản của Quỹ (Dễ khi rút vốn), Hiệu quả của Quỹ trong từng thời kỳ (So với VN-Index và so với các Quỹ cạnh tranh tương tự), đánh giá của các Nhà đầu tư khác đã từng ký gửi các Quỹ.
Như vậy, trên đây, mình đã đưa ra những phân tích cụ thể để các bạn có thể hiểu hơn về Khái niệm Chứng chỉ quỹ là gì? Phân loại, Đặc điểm kèm Ví dụ về Chứng chỉ Quỹ. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.
—————————————————————
Các bài viết khác có liên quan
> Cổ phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm & Ví dụ
> Trái phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm & Ví dụ
> Ý nghĩa của Chỉ số VN-Index và HNX-Index
—————————————————————
Các bài viết khác có thể bạn quan tâm
> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội / Khóa học Chứng khoán Online
—————————————————————
Đang tải…
(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 02/2023)