Chứng Ái Kỷ

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

CHỨNG ÁI KỶ

Vào cuối thế kỷ XX, “ái kỷ” đã trở thành một thuật ngữ “thời
thượng” của ngành tâm lý học. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lịch sử xã hội
đã dành cho thời đại này một cái tên rất ấn tượng: Nền văn hóa “ái kỷ”. Nếu
hiểu, văn hóa là một tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người
sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, thì thành quả của những người “ái kỷ” đạt
được là một ghi nhận đáng kể. Nhưng chúng không bù đắp cho những rối loạn của
những người này. Các nhà chuyên môn đã gọi họ là những người mang hội chứng rối
loạn nhân cách ái kỷ. Cứ 100 người thì có 2-3 người mắc bệnh. Phần chúng ta, chúng
ta cũng đang sống trong thời đại ái kỷ, có thể miễn nhiễm được chăng ? Chúng ta
cần đi vào thực tế đời sống để khám phá ra chàng Narcissus trong mình.

Rối loạn nhân cách ái kỷ tên tiếng Anh là Narcissistic
Personality Disorder. Nguồn gốc của từ Narcissistic đến từ huyền thoại về chàng
Narcissus trong thần thoại Hi Lạp. Thay vì đưa ra định nghĩa cho sự rối
loạn này, các nhà chuyên môn đã dùng huyền thoại liên quan để giải thích.

Narcissus là con trai của thần sông Cephisus và nữ thần
Lyriopem, chàng được biết đến với vẻ đẹp hoàn hảo. Một lần đi dạo bên hồ,
Narcissus cảm thấy khát nên cúi xuống để uống nước. Bất ngờ, chàng nhìn thấy
bóng mình dưới nước. Quá ngạc nhiên và say đắm hình ảnh của chính mình, chàng
đau khổ tự lao mình xuống sông tự tử do tình yêu chính mình không bao giờ được
đáp lại.

Để thấy rõ hơn vấn đề, chúng ta quan sát những biểu hiện của
người ái kỷ.

Chủ thể có một “giấc mơ” về một siêu nhân. Thế nên, họ thường
gắn cho những tài năng của mình một sự thành công trổi vượt và siêu phàm. Họ
muốn được liên kết với địa vị cao và tự tôn mình thuộc đẳng cấp ngoại hạng. Họ chờ
đợi được nổi tiếng như một siêu nhân mà không hoàn thành những công việc cần
phải làm một cách thích đáng; qui hướng về mình như trung tâm, mọi sự đều chịu
chi phối quanh cái bản ngã nhỏ bé của họ. Xét về mặt tri thức, họ trở thành
chuẩn mực chân lý, nghĩa là điều nào tôi nhìn nhận: đúng, thì nó đúng từ bản chất, và nó sẽ giúp ích cho
tôi. Hay một việc được coi là quan trọng, khi chúng có ý nghĩa với tôi và làm
cho bản thân tôi thỏa mãn. Còn xét về mặt luân lý, điều gì tôi coi là tốt, thì
đáng trở nên điều ước ao cho mọi người. Vô hình trung, họ thao túng người khác
và thích điều khiển tha nhân theo những yêu sách riêng của mình.

Khuynh hướng “tự sướng”, “thổi phồng” bản thân trở thành cách
thức biểu hiện tự nhiên của người ái kỷ. Một khi không được ai quan tâm và khen
ngợi, họ tự thưởng mình bằng những lời hoa mỹ rẻ tiền. Có thể nói, họ không an
tâm và thoải mái về hình ảnh bản thân khi đối diện với cái nhìn và cách đánh
giá của người khác. Như thế, từ trong thâm tâm, họ cảm thấy hổ thẹn và mặc cảm
cách nào đó về hình ảnh bản thân vốn nghèo nàn. Ngoài ra, thổi phồng bản thân
là hình thức ngụy trang, che đậy cái tôi sợ hãi và bị tổn thương về mặt cảm
xúc.

 Họ luôn sống trong những
ý tưởng về sự thành công không giới hạn, về quyền lực, về sự huy hoàng, về nhan
sắc, về tình yêu lý tưởng…những điều này đã giam hãm họ trong một “bộ não” chật
hẹp và khóa chân họ lại khiến họ không thể chu toàn bổn phận hằng ngày với tư cách
là một công dân bình thường. Do thích tìm sự ngưỡng mộ từ người khác, nên khi
gặp thất bại và bị chỉ trích, họ tìm cách đổ lỗi như dịp trốn tránh thực tế
cuộc sống; và do không chấp nhận sự thất bại của bản thân, họ dễ sa vào trầm
cảm và có ý định tự tử. 

Xét về mặt tương quan, người này không có khả năng thông cảm,
đồng cảm với người khác; tha nhân có đó chỉ là để phục vụ và nhằm tôn giá trị
của họ hoặc như dạng “công cụ” để làm thỏa mãn những nhu cầu của họ. Vì thế,
tìm kiếm khoái lạc là mối bận tâm chủ yếu và duy nhất của họ. Nhưng do thiếu
khả năng kiểm soát ham muốn, họ dễ sa vào cạm bẫy khôn dò. Cảm thấy điều gì có
lợi cho mình là họ làm, bất chấp người khác có bị thiệt hại và tổn thương hay
không. Do chỉ quan tâm đến cảm xúc, kế hoạch và khát vọng của mình mà họ trở
thành kẻ dửng dưng trước nỗi đau của người đồng loại, và niềm vui của người
khác cũng chẳng đáng được họ quan tâm.

Nếu người ái kỷ lại là kẻ có quyền hành trong tay, thì người
khác chỉ là những quân cờ giúp họ thăng tiến và thẳng tiến. Do có nhiều năng
lực, họ tìm mọi cách để chiêu mộ người khác hầu có thêm nhiều người phục vụ cho
chủ trương của họ. Đồng thời, người ái kỷ thích thử sức mình với những thách đố
và sự rủi ro như cơ hội giúp họ thể hiện bản thân.

Sau khi lược sơ những biểu hiện của người ái kỷ, chúng ta cần
truy tìm những nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn này. Trong khi các nhà
chuyên môn vẫn còn tranh luận chưa đưa đến một kết luận rõ ràng nào, chúng ta
sẽ ghi nhận những đề nghị rất giá trị của hai tác giả: Michael R. Kent trong
tác phẩm Yêu thương bản thân và James
E. Sullivan trong tác phẩm Hành trình tự
do.

Theo Michael R. Kent, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ái kỷ là thiếu lòng quí mến bản thân. Nói cách
khác, chủ thể nhận thức và đánh giá hình ảnh bản thân nghèo nàn. Thật vậy, nếu
chúng ta lượng định bản thân đúng mức sẽ tránh được thói thích thổi phồng bản
thân. Đây là vấn đề liên quan đến lòng tự trọng. Một khi nhận biết giá trị và
phẩm giá đích thực của mình, chúng ta sẽ tự tin đủ khi đánh giá bản thân với
tầm ảnh hưởng tích cực của mình trong lời nói cũng như hành động. Trái lại, một
người thiếu lòng tự trọng, họ sẽ tìm đủ mọi cách để đưa mình lên một cách lố
lăng và lộ liễu khiến người khác phải ngượng ngùng và nghi ngờ. Dù vậy, họ vẫn
thao thao bất tuyệt khi nói về mình mặc cho đối phương không thích nghe. Theo James
E. Sullivan, đây là hậu quả của việc thiếu ý thức về giá trị đích thực của
mình.

Nguyên nhân thứ hai của việc dẫn đến tình trạng ái kỷ là thiếu cảm thức tội lỗi. Chúng ta đã
không ngần ngại khi gán cho họ mắc phải căn bệnh thời đại: vô cảm và dửng dưng. Điều này cần xét đến trong tương quan với tha
nhân. Có thể nói, người ái kỷ chỉ quan tâm đến mọi nhu cầu, cảm xúc, kế
hoạch…của chính mình. Vì thế, những ai cản bước tiến của họ sẽ trở thành “dê
sát tế”, và nếu có ai bị giẫm đạp hay bị tổn thương, điều đó chẳng làm họ đau
đớn hay mủi lòng. Sullivan thật có lý khi nói rằng: Thế giới của kẻ ái kỷ khởi đi từ chính mình và cũng kết thúc nơi mình.

 Sau khi tìm ra nguyên
nhân của vấn đề, chúng ta sẽ tiếp cận các giải pháp khắc phục chứng ái kỷ, căn
bệnh của con người thời đại.

Như chúng ta đã nói ở trên, người mắc chứng ái kỷ là do thiếu
quí mến bản thân. Vậy, để  tái lập lòng
quí mến bản thân, chúng ta cần tập yêu thương chính mình cách đúng đắn. Có thể
nói, đây là một kỹ năng và nghệ thuật. Lộ trình yêu thương bản thân là cả một
bước dài mà trong vài dòng không thể bàn hết được. Ở đây, xin gợi ý vài bước
giúp làm sáng tỏ vấn đề.

Trước kia, đứng trước một thất bại, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho
hoàn cảnh hay cho người khác. Thật ra, những yếu tố ngoại lai này không mang
tính quyết định cho hiện trạng của chúng ta, mà tình trạng hiện nay của tôi tùy
thuộc vào chính tôi. Và cho dù bao phen tôi phải chịu áp lực của người khác,
chịu chi phối của bản năng…đến nỗi mất tự do cách nào đó thì những mất mát,
thất bại…vẫn hiện hữu, chúng đòi tôi phải bắt đầu tập chịu trách nhiệm về chính
mình.
Đó là bước đầu của sự khiêm tốn. Từ đây, chúng ta có thể giảm bớt sự
tự tôn và tránh sống với những giấc mơ về một siêu nhân phi thực tế. Từ đây,
chúng ta sẽ bớt đi thói thổi phồng bản thân vì ý thức rằng chính mình còn có
những giới hạn bất khả vượt qua. Rằng: mình không phải là kẻ toàn năng, trung
tâm vũ trụ và cũng không phải là thượng đế.

Cũng trong lộ trình này, chúng ta quen dần với việc chấp nhận bản thân. Đây là một điều hết
sức khó khăn với người ái kỷ, vì bản thân không nhìn nhận mình mắc chứng bệnh
này. Thế nhưng, có thể xảy ra “cú ngã ngựa” nào đó như kinh nghiệm của thánh
Phaolô, khi ấy, họ chạm phải những tầng sâu của vô thức và ý thức hầu nhận ra:
đâu là nhu cầu chính đáng mà bản thân cần được đáp ứng, đâu là thái độ tích cực
cần phải diễn tả khi đối diện với thực tại và đâu là cảm xúc mà họ cần làm chủ
để điều hướng bản thân.

Hơn nữa, chúng ta biết rằng thực hiện lộ trình lòng quí mến bản
thân là lộ trình đi vào nội tâm. Chúng ta chỉ có thể đi xuống đi sâu vào nội tâm nhờ Thánh Thần. Thật
vậy, nhờ lòng khiêm tốn để đi xuống và lòng can đảm để đi sâu vào bên trong, và
với sự dẫn dắt của Thần Khí, chúng ta sẽ phần nào nhận ra căn tính đích thực và
sự khả ái vốn có của mình. Nghĩa là khám phá ra: tôi là ai trong Đức Kitô và
tôi được Người yêu thương vì tôi khả ái trong mắt Người.

Nếu như việc yêu thương bản thân được cụ thể hóa qua thái độ
chịu trách nhiệm về mình và chấp nhận chính mình thì việc thiếu cảm thức tội
lỗi sẽ đòi buộc chủ thể sống tinh thần cởi mở với tha nhân. Chỉ khi biết cách
yêu mình đúng đắn, bản thân dễ dàng đón nhận tha nhân như họ là, với tất cả: hỷ, nộ, ái, ố… của phận người. Khi ấy, bản thân
không còn quay quắt trong tiểu vũ trụ nữa, mà biết: vui với người vui, khóc với
người khóc.

Và một khi bớt đi một người ái kỷ, thế giới sẽ góp thêm một niềm
vui. Có thể nói, một trong những niềm vui lớn nhất của phận người là được giải
thoát khỏi sự kiềm tỏa của “cái tôi”. Nếu như mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
thì lời mời gọi của Đức Phanxicô vẫn còn vang vọng: Hãy ra khỏi mình để đến các vùng “ngoại biên”.